Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn:

Cần ưu tiên dành quỹ đất phát triển công nghiệp quốc phòng

07:14 - Chủ Nhật, 26/05/2024 Lượt xem: 4694 In bài viết

Về thăm các nhà máy đóng tàu thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), chúng tôi được tận mắt chứng kiến năng lực đóng những con tàu lớn, trong đó có những con tàu đạt kỷ lục ở khu vực Đông Nam Á. Theo các doanh nghiệp này, năng lực đóng tàu tải trọng lớn hiện nay chúng ta đạt được là nhờ được ưu tiên dành đất mở rộng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất.

Xu hướng chung của thế giới hiện nay là phát triển tàu tải trọng ngày càng lớn cả trong dân sự và quân sự, chưa kể nhu cầu phát triển công nghiệp đóng tàu sân bay, tàu ngầm...

Việt Nam là nước ven biển, có bờ biển dài và có diện tích biển lớn hơn rất nhiều so với diện tích đất liền. Do vậy, chúng ta cũng rất cần đóng được những con tàu đủ lớn để đáp ứng yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tác chiến bảo vệ biển, đảo, vùng trời và bảo vệ đất liền của Tổ quốc.

Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: Mạnh Hà

Lãnh đạo các doanh nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực đóng tàu của nước ta cho biết, các doanh nghiệp này có đủ nguồn nhân lực và trình độ khoa học-công nghệ, kỹ thuật để đóng những con tàu có tải trọng lớn hơn nữa, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đối tác trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống nhà xưởng, cầu cảng, bến bãi của các doanh nghiệp này đã đạt đến độ khai thác tối đa. Muốn đóng được những con tàu có tải trọng lớn hơn nữa, họ cần có cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện. Các doanh nghiệp này cũng đã tự đi khảo sát một số địa điểm phù hợp để đề nghị cấp đất mở rộng cơ sở hạ tầng, nhưng địa phương lại muốn ưu tiên dành những khu vực đó phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đơn thuần.

Phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Khi công nghiệp quốc phòng trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia tất yếu cũng sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ hơn. Do vậy, lý do các địa phương chưa ưu tiên dành quỹ đất phát triển công nghiệp quốc phòng là hoàn toàn chưa hợp lý, nếu chưa muốn nói là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Hy vọng, Quốc hội sẽ quan tâm, bổ sung quy định yêu cầu các địa phương ưu tiên dành quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top