Thời tiết miền Trung nắng như đổ lửa, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) trong bộ trang phục kín mít cùng các phương tiện đặc chủng vẫn nỗ lực phối hợp với Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) tích cực thu gom, xử lý hàng trăm tấn chất độc CS và sản phẩm thủy phân từ chất độc CS tại hố chôn khu vực đèo Cù Mông, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (Bình Định), góp phần bảo vệ môi trường, hồi sinh những vùng đất chết.
Gần trưa, trời càng nắng gắt, song tại thực địa, bộ đội vẫn tích cực đào bới, thu gom chất độc CS và các vũ khí chứa chất độc CS mang đi tiêu hủy. Kết thúc ca làm việc, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, cán bộ, chiến sĩ ai cũng ướt sũng mồ hôi. Vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Hồ Minh Nam, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát 1, Tiểu đoàn Phòng hóa 78, cho hay: "Trước khi thực hiện nhiệm vụ, đơn vị tổ chức sinh hoạt, quán triệt sâu kỹ đến mọi quân nhân. Việc thực hiện nhiệm vụ khó khăn, độc hại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bộ đội. Do đó, căn cứ vào tình hình cụ thể, đơn vị bố trí thời gian làm việc phù hợp với điều kiện thời tiết, đồng thời thường xuyên bổ sung dinh dưỡng, khẩu phần ăn nhằm duy trì và nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ".
Sau hơn nửa tháng thực hiện nhiệm vụ, kết thúc giai đoạn 1, các lực lượng đã thu gom được gần 140 tấn chất độc CS và sản phẩm thủy phân từ chất độc CS. Lượng chất độc và các vũ khí chứa chất độc hóa học này sẽ được đem đi tiêu hủy triệt để trong giai đoạn 2 dự kiến kéo dài khoảng 3 tháng tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 2 bằng công nghệ xử lý mới nhất.
Quá trình thu gom, xử lý chất độc, vũ khí chứa chất độc hóa học của chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78, Bộ Tham mưu Quân khu 5. |
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1961-1971, đế quốc Mỹ đã sử dụng khoảng 9.000 tấn chất độc CS rải khắp khu vực miền Trung, miền Nam nước ta. Lượng lớn chất độc CS và các vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS nêu trên được lưu chứa trong các kho, căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội ngụy ở khắp chiến trường, trong đó có các căn cứ trên địa bàn Khu 5 (Quân khu 5 ngày nay). Hố chôn chất độc CS và các vũ khí chứa chất độc CS ở chân đèo Cù Mông trước đây (nay là khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), năm 2004, 2005 đã được Quân khu 5 phối hợp với các lực lượng chức năng thu gom, xử lý. Đến nay, để xử lý triệt để chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, các lực lượng chức năng phối hợp thu gom, đem đi xử lý bằng công nghệ mới.
Đại tá Phạm Phú Dũng, Chủ nhiệm Hóa học Quân khu 5 cho biết, thực hiện kế hoạch của trên, cơ quan đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu điều động lực lượng, phương tiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Dù thời tiết nắng nóng, việc phải mang trang bị bảo hộ, làm việc nhiều giờ liền ngoài trời rất vất vả, song cán bộ, chiến sĩ Phòng hóa Quân khu 5 vẫn luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả để lại còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Lặng lẽ, âm thầm đối mặt với hiểm nguy là chất độc hóa học độc hại, cán bộ, chiến sĩ phòng hóa Quân khu 5 đang nỗ lực hiện thực hóa những chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong hồi sinh những vùng đất chết, mang lại môi trường sạch giúp người dân trên địa bàn yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...