ĐBP - Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng tại chỗ ở cơ sở, luôn bám sát tình hình cuộc sống người dân. Khi xảy ra những sự cố đột xuất, bất ngờ như thiên tai, bão lũ, cháy rừng… họ đều có mặt và hỗ trợ kịp thời. Nhiều năm qua, họ được người dân gọi với cái tên trìu mến, thân thương là chiến sĩ “sao vuông”. Với vai trò nòng cốt về quân sự, quốc phòng ở cơ sở, những chiến sĩ “sao vuông” trên địa bàn tỉnh không chỉ nghiêm túc trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mà còn tích cực tham gia phát triển sản xuất, hỗ trợ nhân dân trong các tình huống khẩn cấp.
Ngoài cương vị là Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã với các chương trình từ thiện, cứu trợ nhân đạo, nữ dân quân Cà Thị Phỏng, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) còn là một chiến sĩ rất tích cực trong lực lượng “sao vuông”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Phỏng đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang xã.
Hoàn thành công tác xã hội, về với gia đình, chị Phỏng là người phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giải quyết tốt mối quan hệ với mọi người trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Chị còn chịu khó học hỏi kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi và kinh nghiệm làm giàu để áp dụng, phát triển kinh tế gia đình. Chị Phỏng tâm sự: “Năm 2020, sau khi học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình VAC trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định vay 150 triệu đồng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ban đầu, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết bất lợi, song bằng nỗ lực, quyết tâm của bản thân, đến nay, kinh tế gia đình tôi đã từng bước phát triển, không túng thiếu như trước đây”.
Hiện nay, gia đình chị Phỏng đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi và tăng số lượng vật nuôi với 6 con trâu nái, 4 con bò sinh sản cùng hơn 200 con gia cầm; cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Phỏng còn giúp vốn, giống, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con trong bản và nhân dân trong xã kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Thanh Yên là một trong những địa phương điển hình trong phong trào xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên vững mạnh. Từ năm 2019 đến nay, xã Thanh Yên đã kết nạp 140 người vào lực lượng dân quân. Hàng năm căn cứ kế hoạch xây dựng lực lượng của huyện, Ban CHQS xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo tổ chức biên chế chặt chẽ, đúng, đủ thành phần quy định với tỷ lệ đảng viên đạt 22,22%. Đặc biệt trong lực lượng dân quân đều có các độ tuổi khác nhau, bảo đảm được tính kế thừa vững chắc khi có sự biến động.
Đồng chí Lò Văn Kiên, Chính trị viên Ban CHQS xã Thanh Yên cho biết: Để thực hiện tốt công tác thi đua trong xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng dự bị động viên vững mạnh, Ban CHQS xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Quá trình xây dựng lực lượng, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyển chọn, kết nạp công dân vào lực lượng dân quân "bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật”; giao các thôn, bản lựa chọn công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để kết nạp vào lực lượng dân quân. Việc kết nạp được tổ chức chặt chẽ, trang trọng, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ, chiến sĩ khi được đứng trong hàng ngũ dân quân, từ đó các đồng chí đều phát huy tốt vai trò trên tất cả các mặt trận; xứng đáng là những chiến sĩ "sao vuông” trên địa bàn.
Tích cực tham gia các phong trào thi đua, thời gian qua, những chiến sĩ “sao vuông” huyện Mường Ảng đã nhiệt tình tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, xây dựng nông thôn mới…
Thượng tá Lê Đình Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Ảng cho biết: Thời gian qua, huyện Mường Ảng đã huy động 1.034 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân phối hợp cùng với ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức bê tông hóa hơn 10km trục đường liên bản, liên xã. Cùng với bà con nhân dân vệ sinh làng bản, nạo vét hơn 5km kênh mương nội đồng. Hưởng ứng tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban CHQS huyện đã tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo huy động hơn 500 dân quân phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp đỡ 58 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa sang, xây dựng nhà ở, hướng dẫn, giúp đỡ về cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Huy động hơn 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân các xã, thị trấn tham gia chữa cháy rừng...
Trong phong trào thi đua quyết thắng gắn với thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu 2 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh đã khích lệ các cơ quan, đơn vị thi đua thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, chấp hành nghiêm việc tổ chức lại cơ quan Bộ CHQS cấp tỉnh, Ban CHQS cấp huyện và đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh; bảo đảm quân số các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đủ 100% biên chế. Các đơn vị dân quân tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”; lực lượng dự bị động viên có số lượng hùng hậu. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố được 278 cơ sở dân quân tự vệ, với 14.079 người; trong đó 129 cơ sở dân quân (11.754 người); 149 cơ sở tự vệ (2.325 người). 5 năm qua, lực lượng dân quân tự vệ đã hăng hái tình nguyện vào những nơi khó khăn, gian khổ, như bão lũ, cháy nổ, cháy rừng, phòng chống dịch bệnh để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Đặc biệt trong phong trào “LLVT tỉnh chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, những chiến sĩ “sao vuông” đã cùng với cán bộ, chiến sĩ chính quy tổ chức 87 tổ, chốt phòng dịch, 19 điểm cách ly y tế tập trung, tiếp nhận và cách ly cho 27.848 lượt công dân…
Những việc làm thiết thực đó đã khẳng định vị trí quan trọng của các chiến sĩ “sao vuông” trong mọi lĩnh vực đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Họ luôn có mặt sớm nhất, đóng vai trò chủ lực trong công tác giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; xứng đáng là những chiến sĩ “sao vuông” tại cơ sở.