Âm vang Chiến thắng trận đầu trên giảng đường

12:04 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 5695 In bài viết

60 năm đã qua, bài học về Chiến thắng trận đầu vẫn còn nguyên giá trị. Các cán bộ, giảng viên Học viện Hải quân qua các thời kỳ tiếp nối, phát huy, truyền thụ cho học viên về lòng dũng cảm, trí thông minh, nghệ thuật tác chiến sáng tạo của các thế hệ cha anh đi trước.

Sau thời gian nghỉ hè đầy ý nghĩa, giảng đường Học viện Hải quân những ngày này rộn ràng trở lại. Những ngày nghỉ nơi quê hương như tiếp thêm động lực cho đội ngũ học viên của Học viện tiếp tục hành trình học tập, rèn luyện bản lĩnh, tiếp thu tri thức mới. Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, các lớp học viên bắt đầu những bài học đầu tiên, chuẩn bị đón chào năm học mới 2024-2025.

Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi ghé thăm Trung tâm Mô phỏng tác chiến, nơi được trang bị đầy đủ các trang bị cần thiết phục vụ học tập, huấn luyện và diễn tập cho học viên. Đặc biệt, hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 với rất nhiều trang thiết bị, từ hàng hải, vũ khí, radar, thông tin, hệ thống động lực, la bàn, máy tính đường, máy đo sâu, hệ thống máy lái tự động và màn hình mô phỏng 3D... Tất cả đều giống như một con tàu thực sự. Đây được xem như cầu nối, bước đệm rất quan trọng giữa lý thuyết và thực tế nhiệm vụ tại các đơn vị chiến đấu trong Quân chủng.

Thủ trưởng Học viện Hải quân trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập. 

Đang tổ chức huấn luyện thực hành trang thiết bị hàng hải trên hệ thống mô phỏng tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, Trung tá Nguyễn Đình Quyền, Chủ nhiệm bộ môn Máy hàng hải, Khoa Hàng hải chia sẻ: "Bản thân tôi cũng như đội ngũ giảng viên của Học viện ngoài tâm huyết, say mê với nghề còn phải “truyền lửa” đến với học viên để mỗi bài giảng không chỉ trang bị tri thức khoa học đơn thuần mà còn là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, giúp cho học viên vận dụng sáng tạo vào hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".

Rời Trung tâm mô phỏng tác chiến, chúng tôi ghé thăm giờ giảng bài tại phòng học chuyên dùng Máy điều khiển vũ khí chống thủy lôi, Khoa Vũ khí dưới nước; rất nhiều thiết bị dạy học chuyên ngành cùng đa dạng hình ảnh tư liệu, tranh vẽ… từ truyền thống đến hiện đại. Đó là các hệ thống mô phỏng máy điều khiển lưới quét, máy điều khiển khí tài dò tìm, mô hình rô bốt ngầm, hình ảnh các loại tàu chống thủy lôi cùng các loại lưới quét… Những thiết bị, hình ảnh ấy không chỉ là công cụ trực quan, sinh động để học viên nắm bắt kiến thức nhanh chóng mà còn làm sống lại một thời kỳ lịch sử oanh liệt, vẻ vang trong Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tá Nguyễn Công Bằng, Phó chủ nhiệm Khoa Vũ khí dưới nước cho biết: "Ngoài trang bị kiến thức cơ bản cho học viên, chúng tôi luôn coi trong việc truyền thụ cho các em những kinh nghiệm chiến đấu và Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. Từ những dữ liệu cùng những hình ảnh lịch sử có được, các giảng viên cố gắng chuyển tải nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong chiến đấu. Qua đó, khơi dậy cho học viên niềm vinh dự, tự hào với truyền thống đánh giặc của cha ông ta qua các thời kỳ lịch sử".

 Huấn luyện thực hành ở Khoa Hàng hải, Học viện Hải quân.

Những ngày này, bên cạnh giờ giảng ở các khoa chuyên ngành thì đội ngũ giảng viên ở các khoa khác, bằng nhiều hình thức khác nhau như: “Điểm tin đầu giờ”, giải lao giữa tiết học hay các hoạt động sau bài giảng… đều tập trung để “truyền lửa” cho học viên những kinh nghiệm trong Chiến thắng trận đầu, chiến công này đã biểu hiện sức mạnh và ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng quân xâm lược của quân dân ta. Đây là động lực để học viên quyết tâm phấn đấu, nỗ lực giành thành tích cao trong học tập và rèn luyện.

Hiện nay, các đối tượng học viên đào tạo tại Học viện Hải quân có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Hầu hết những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng chế, mô hình học cụ đều xuất phát từ nhu cầu thiết yếu phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu… Vì vậy, học viên có điều kiện tiếp xúc với các hệ thống mô phỏng hiện đại, được đội ngũ giảng viên, nhân viên chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm truyền đạt không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn là những bài học về truyền thống chiến đấu, mưu trí sáng tạo của Hải quân nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành.

Mục đích cuối cùng là đào tạo các học viên sau khi ra trường không chỉ nắm vững và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, làm chủ vũ khí trang bị trên các tàu Hải quân hiện có mà còn là những cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tâm huyết với biển, đảo, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng Quân chủng Hải quân vững mạnh toàn diện ''mẫu mực, tiêu biểu’’.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top