Nhân dân đang cần thì bất luận có hy sinh cũng phải đến

14:45 - Thứ Sáu, 09/08/2024 Lượt xem: 5765 In bài viết

Trong cuộc chiến với thiên tai, sự cố, đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân. Theo thông tin từ Cục Cứu hộ-cứu nạn (CH-CN), Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, danh sách cán bộ, chiến sĩ Quân đội hy sinh khi tham gia phòng, chống thiên tai, CH-CN tính đến năm 2023 là 83 đồng chí, trong đó có cả những cán bộ cấp cao.

Trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục CH-CN, chúng tôi được nghe anh tâm sự nhiều về tinh thần quả cảm, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, hy sinh của các đồng đội làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, CH-CN. Đặc biệt, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ rất xúc động khi kể về tấm gương hy sinh của đồng đội mình là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục CH-CN. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, từ cuối năm 2014, trên cương vị Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tham gia chỉ huy lực lượng công binh giải cứu 12 công nhân bị kẹt trong đường hầm dẫn nước. 4 ngày liên tiếp thực hiện cuộc giải cứu với những tình huống căng thẳng đến nghẹt thở, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng đã góp phần quan trọng cùng lực lượng CH-CN cứu thành 12 công nhân bị mắc kẹt, đem lại niềm hạnh phúc tột cùng cho 12 con người được đưa từ "cửa tử" trở về cùng với bao gia đình, người thân, đồng nghiệp...

Nhà tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: VẠN AN 

6 năm sau vụ cứu nạn thành công tuyệt vời ấy, trên cương vị Phó cục trưởng Cục CH-CN, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 và hàng chục cán bộ, chiến sĩ tức tốc đến khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) để làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trong điều kiện mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp và trời tối, các anh vẫn không quản hiểm nguy, tìm mọi cách tiếp cận hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng để kịp thời triển khai phương án CH-CN. Đến khi không thể tiếp tục hành quân được nữa, đoàn công tác mới chịu dừng chân nghỉ tạm để sáng sớm sẽ tìm đường đi. Thế nhưng, vụ sạt lở núi đêm 12-10-2020 đã làm 13 đồng chí trong đoàn công tác hy sinh, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

“Nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”. Câu nói "chắc như đinh đóng cột" của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man lúc đi làm nhiệm vụ CH-CN ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 đã chạm vào sâu thẳm trái tim của mọi người. Thực hiện mệnh lệnh từ trái tim, bước chân những người lính làm nhiệm vụ CH-CN đã có mặt khắp mọi miền đất nước, tới tất cả những nơi đang gặp nguy nan, gian khó nhất, bất kể ngày hay đêm, trong dông bão, mưa lũ, dù núi cao, vực sâu hay biển cả, biển lửa bủa vây... Nước ta có vùng biển rất rộng và nhiều thiên tai bất thường, nhưng giữa biển khơi mênh mông, giữa muôn trùng sóng giữ, hàng triệu ngư dân cùng các thuyền viên, người lao động làm việc trên biển luôn có lực lượng CH-CN chuyên trách và cán bộ, chiến sĩ Quân đội sẵn sàng trợ giúp, bảo vệ. Trong đó, Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn và các phòng chuyên môn của Cục CH-CN (như Phòng Tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải) thường xuyên canh trực suốt ngày đêm, phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, đồng thời phối hợp hiệp đồng các lực lượng kịp thời CH-CN khi cần thiết, giúp nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Theo các đồng chí lãnh đạo Cục CH-CN, mỗi năm nước ta có hàng nghìn vụ thiên tai với đủ 21 loại hình thiên tai cơ bản, trong đó có từ 10 đến 15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cùng với đó là những vụ cháy, nổ, sập đổ công trình, sự cố môi trường, hóa chất độc, phóng xạ, tràn dầu, tai nạn nghiêm trọng cả trên bộ, trên không, trên biển... với xu hướng xảy ra ngày càng nhiều và tính chất ngày càng phức tạp.

Khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tình huống tìm kiếm cứu nạn, rất nhanh chóng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, lực lượng CH-CN chuyên trách và kiêm nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, với sự tham mưu, điều phối của Cục CH-CN luôn kịp thời có mặt tại hiện trường để ứng phó, khắc phục hậu quả. Trên mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cam go, thử thách khi đối mặt với sự cố, thiên tai, thảm họa, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, ở đâu có hiểm nguy, ở đó có lực lượng CH-CN, có cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì cuộc sống bình yên, an toàn, hạnh phúc của nhân dân. Truyền thống và phẩm chất cao quý đó đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế ghi nhận, ngợi khen, dành cho những tình cảm đẹp. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top