Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến trong Bộ Quốc phòng

14:28 - Thứ Sáu, 20/09/2024 Lượt xem: 4010 In bài viết

So với các bộ, ngành khác, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong Bộ Quốc phòng gặp nhiều khó khăn hơn do đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, thời gian gần đây, mặt công tác này có bước phát triển ấn tượng. Tính đến cuối tháng 8-2024, Bộ Quốc phòng đang xếp thứ 2/20 bộ, ngành dựa theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Chủ động triển khai, tạo chuyển động mạnh mẽ

Khảo sát tại một số đồn biên phòng cửa khẩu thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn, có thể dễ dàng nhận thấy, những năm gần đây, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của các đồn biên phòng đã chuyển biến mạnh mẽ. Từ cuối năm 2019, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; đến năm 2022 đã kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia với quy trình, thủ tục đơn giản. Các cửa khẩu như Tân Thanh, Chi Ma... đều được cấp trên trang bị “Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động” gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo mô hình các nước tiên tiến trên thế giới; phục vụ công tác kiểm soát tự động hoạt động xuất, nhập cảnh, nhất là đối với cư dân biên giới sử dụng giấy thông hành.

 Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng kiểm soát xuất, nhập cảnh. Ảnh: VÂN ANH

Không chỉ ở BĐBP tỉnh Lạng Sơn, theo Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh trong thủ tục biên phòng, cấp thị thực và các loại giấy phép, kiểm tra, giám sát biên phòng. Ở một số trạm biên phòng cửa khẩu, đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu, thuyền đến, rời cảng. Đặc biệt, thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/7 (kể cả ngày lễ, tết) mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Từ năm 2019, nhiều đơn vị triển khai thực hiện kiểm soát các loại giấy phép cấp cho hành khách xuống, rời tàu bằng công nghệ in mã vạch 2D, giảm 4/5 thời gian kiểm soát một giấy phép so với trước.

Tại Tổng cục Hậu cần, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, công tác cải cách TTHC, nhất là dịch vụ công trực tuyến luôn được Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, xác định là khâu đột phá quan trọng trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đơn cử như, đối với công tác doanh trại, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo Cục Doanh trại xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện khoa học, linh hoạt, sát thực tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, công tác doanh trại được rút ngắn thời gian giải quyết ở các khâu trung gian, giảm văn bản giấy không cần thiết, các thủ tục, giấy tờ được đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí. 100% văn bản điện tử toàn văn phát hành (không mật) sử dụng ký số...

Văn phòng Bộ Quốc phòng thường xuyên mời các chuyên gia đến hướng dẫn, tập huấn về cải cách hành chính và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: CHIẾN VĂN

Tái cấu trúc, tối ưu hóa các dịch vụ công trực tuyến

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Bộ Quốc phòng: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Trong kế hoạch đã xác định quyết tâm: “Phấn đấu nằm trong nhóm bộ, ngành đứng đầu trên bảng xếp hạng dựa theo Bộ chỉ số về thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ”. Kết quả là, theo Bộ chỉ số, tính đến cuối tháng 8-2024, Bộ Quốc phòng xếp thứ 2/20 bộ, ngành. Còn theo công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang xếp thứ 1/21 bộ, ngành. Tính đến ngày 28-8-2024, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận, xử lý gần 75.200 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ giải quyết trước hạn, đúng hạn khoảng 99%...

Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, song tại các cuộc họp liên quan đến cải cách hành chính, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm các mặt công tác, trong đó có dịch vụ công trực tuyến đạt chất lượng cao hơn, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai hiệu quả gần 70 TTHC thực hiện trực tuyến, trong đó có hơn 40 TTHC thực hiện trên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng, còn lại là TTHC trên Cổng thông tin biên phòng điện tử. Bộ Quốc phòng hiện đang triển khai mở rộng phạm vi thí điểm cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự tại 8 tỉnh, thành phố (đã hoàn thành thí điểm tại Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Dự kiến thời gian tới sẽ triển khai đối với các tỉnh, thành phố còn lại).

Ngoài các nội dung trên, Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ đồng bộ, khai thác, chia sẻ dữ liệu điện tử. Đồng thời, ban hành danh mục dữ liệu mở với 13 danh mục và cung cấp tập trung, thống nhất các dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu Bộ Quốc phòng. Đã kết nối 2 hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP và Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng với CSDL quốc gia về dân cư, hỗ trợ xác thực công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bộ Quốc phòng đã xây dựng, củng cố các CSDL của ngành tư pháp thuộc phạm vi quản lý, hỗ trợ kết nối, chia sẻ, làm giàu cho CSDL quốc gia về dân cư, gồm: CSDL về xử lý vi phạm hành chính; CSDL về thi hành án dân sự; CSDL về lý lịch tư pháp...

Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên các cấp về lĩnh vực này. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tập trung đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử có sử dụng chữ ký số cá nhân.

Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tái cấu trúc, tối ưu hóa các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; rà soát nâng cấp Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện nghiêm việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC gắn với nâng cấp kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Quốc phòng, giúp người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm xử lý hồ sơ TTHC; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình, sáng kiến hiệu quả về lĩnh vực này.

Từ những kết quả bước đầu đạt được, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự vào cuộc đồng bộ của đảng ủy, chỉ huy các cấp, thời gian tới, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng trong Bộ Quốc phòng tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng và hiệu quả quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng, cơ yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top