Sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở địa bàn biên giới

14:28 - Thứ Hai, 30/09/2024 Lượt xem: 5349 In bài viết

Hoàn lưu bão số 3 và số 4 đã gây mưa lớn làm sạt lở đất, gây ngập ứng thiệt hại nhiều tài sản của người dân trên địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An. Là lực lượng đóng quân ở địa bàn biên giới, các đồn Biên phòng đã chủ động phối hợp, tham mưu cấp uỷ, chính quyền các địa phương có mặt tại các địa bàn bị thiệt hại triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các địa điểm xung yếu để có phương án ứng phó 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 hay còn gọi là Yagi gây mưa liên tục trong nhiều ngày và ảnh hưởng của trận lũ quét năm 2022 đã làm cho một số nhà dân trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn bị sụt, lún và nứt nẻ tường, có nguy cơ cao bị đổ sập. Qua kiểm tra của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và các cơ quan liên quan có 04 hộ dân gồm gia đình chị Lương Thị Khin, sinh 1981; gia đình anh Lương May Panh, sinh 1977; gia đình chị Lô Thị Liên, sinh 1956 và gia đình anh Lô May Thanh, sinh 1979, đều trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có nguy cơ cao bị đổ sập. Để đảm bảo an toàn, Đoàn công tác đã vận động và yêu cầu 04 hộ dân trên phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Để giúp các gia đình di dời đến nơi an toàn, sớm ổn định cuộc sống lực lượng đồn Biên phòng  cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Tà Cạ, các lực lượng liên quan và bà con nhân dân trên địa bàn xã tổ chức hỗ trợ 04 hộ gia đình trên di dời các đồ dùng, vật dụng cần thiết đến vị trí an toàn. Theo Thượng tá Phan Nhật Thành, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, là địa bàn có núi cao hiểm trở, độ dốc lớn, nhiều đường giao thông độc đạo, dẫn tới khi có thiên tai, một số địa bàn dễ bị chia cắt do sạt lở đất. Vì vậy, những lúc có mưa lũ, đơn vị đã phân công các đồng chí trong Ban chỉ huy đơn vị tham gia các đoàn công tác của địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Với phương châm cứu người trước, cứu tài sản sau, tất cả các hoạt động đều được tiến hành khẩn trương, nhanh nhất và an toàn nhất.

Đóng quân cách xa trung tâm xã Châu Khê hàng chục km đường rừng, đường vào đồn Biên phòng Châu Khê chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, nguy cơ xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông là rất lớn, do đó để chủ động trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Châu Khê, huyện Con Cuông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong công tác phòng chống thiên tai, chủ động rà soát các địa bàn xung yếu có nguy cơ xẩy ra thiên tai để chủ động ứng phó. Điển hình là ngày 20/9, qua kiểm tra địa bàn đơn vị đã phát hiện do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn làm sạt lở đất ảnh hưởng đến một số hộ dân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Châu Khê, đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương giúp di dời khẩn cấp các hộ gia đình bị ảnh hưởng của mưa lũ, gây sạt lở đất. 2 hộ bị thiệt hại nặng nhất là ông Hoàng Văn Sơn và Kha Văn Cảnh, ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông đã được di dời đến nơi an toàn.

Đồn Biên phòng Châu Khê phối hợp di dời nhà cho các hộ dân bị sạt lở. 

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở địa bàn miền núi nhiều, do vậy để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế tại địa bàn, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về phòng chống thiên tai.

Là địa bàn thường bị ảnh hưởng do mưa lũ, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Ngọc Lâm cho biết, trên địa bàn đồn Biên phòng Ngọc Lâm, những địa điểm thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ như: Đập tràn bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm, Cầu tràn xóm 7 xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương và đặc biệt là các địa điểm gần các khe suối thường ngập sâu và nước chảy xiết khi có mưa lũ, gây nguy hiểm cho người dân và các phương tiện. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra các địa điểm xung yếu, cắt cử lực lượng cắm biển báo, chốt chặn ở những nơi nguy hiểm, xung yếu khi bị ngập để cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng với đó, ngoài xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai sát với tình hình địa bàn và diễn biến thời tiết, đơn vị cũng thành lập đội cơ động gồm 10 cán bộ, chiến sĩ, huấn luyện thành thục các kỹ năng về xử lý các tình huống, để sẵn sàng cơ động ứng phó kịp thời, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ.

Bên cạnh chủ động các phương án, các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết. Thực hiện tốt nguyên tắc “3 sẵn sàng” phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả" và phương châm “4 tại chỗ” chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đổi mới công tác huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai sát với tình hình thực tế của địa bàn để ứng phó có hiệu quả.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top