Đồng hành với người dân nơi “phên giậu” Tổ quốc

14:47 - Chủ Nhật, 24/11/2024 Lượt xem: 1172 In bài viết

ĐBP - Hơn 25 năm đứng chân trên vùng biên giới cực Tây của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 (gọi tắt là Đoàn 379) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh mà còn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đoàn 379 được giao thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 4 huyện biên giới: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Xây dựng mối quan hệ gắn bó, khăng khít quân - dân, trong thời gian qua, Đoàn đã chỉ đạo các tổ, đội sản xuất tích cực bám địa bàn, khảo sát, phân tích tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Từ đó triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã biên giới.

Mô hình điểm nuôi lợn thịt tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379.

Thượng tá Lưu Lương Bằng, Phó Đoàn trưởng Đoàn 379 chia sẻ: Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế không chỉ đơn giản là cung cấp cây trồng hay con giống. Nếu chỉ như vậy các mô hình sẽ không thành công và người dân sẽ mãi luẩn quẩn việc “nuôi con gì, trồng cây gì” để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Đoàn 379 đã dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng địa bàn để chỉ đạo các tổ, đội xây dựng mô hình điểm tại đơn vị. Khi các mô hình cho thấy hiệu quả, Đoàn phối hợp với chính quyền địa phương và các bản tổ chức cho người dân trực tiếp tham quan, chứng kiến kết quả thực tế, từ đó tuyên truyền và khuyến khích họ áp dụng tại địa phương.

Đối với những hộ dân có nhu cầu phát triển mô hình, Đoàn cử cán bộ đến tận nhà hướng dẫn tỉ mỉ từ khâu làm chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc đến phòng và trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Cán bộ đơn vị sẽ theo sát và hỗ trợ các hộ gia đình trong suốt quá trình thực hiện. Nhờ cách làm này, người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế. Những mô hình sinh kế mới không chỉ bền vững mà ngày càng được nhân rộng.

Cán bộ Đoàn 379 hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi cá thương phẩm.

Giai đoạn 2019 - 2024, nhờ nguồn quỹ của đơn vị kết hợp với công sức của bộ đội, Đoàn 379 đã xây dựng thành công và nhân rộng nhiều dự án chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao. Đơn vị đã tích cực hỗ trợ, cung cấp vật tư, cây giống, con giống cho 41 bản thuộc 21 xã, với tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp với địa phương lựa chọn và xây dựng 9 mô hình liên kết hộ gia đình sản xuất kinh tế giỏi, điển hình để giới thiệu, nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt, Đoàn đã phối hợp rà soát 663 hộ nghèo và cận nghèo, triển khai thực hiện 8 mô hình kinh tế giúp cải thiện thu nhập cho những hộ này.

Đóng quân tại xã biên giới Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), Đoàn 379 đã tận dụng tối đa lợi thế của địa phương và nắm rõ nhu cầu của người dân để triển khai 7 mô hình phát triển kinh tế phù hợp, gồm: Nuôi trâu, bò, dê, ngựa sinh sản; nuôi lợn thịt; nuôi gia cầm và cá thương phẩm. Đến nay, các mô hình đã được nhân rộng tại 2 xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới.

Hộ ông Lý Dùa Vàng, bản Nậm Chim 2, xã Si Pa Phìn thành công với mô hình nuôi trâu sinh sản.

Tại bản Nậm Chim 2, xã Si Pa Phìn, bà con đã triển khai hầu hết các mô hình phát triển sinh kế do Đoàn 379 đề xuất. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi lợn thịt; trâu, bò, ngựa sinh sản; có nhóm hộ thì trồng rau an toàn. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong bản đã có những thay đổi tích cực.

Trước đây, gia đình ông Lý Dùa Vàng, bản Nậm Chim 2 chỉ canh tác trên nương. Vào mùa nông nhàn hai vợ chồng đi làm thuê khắp nơi, ai thuê gì thì làm nấy nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Năm 2020, ông Vàng được tham quan các mô hình phát triển kinh tế tại Đoàn 379, sau đó ông quyết định đăng ký tham gia mô hình nuôi trâu sinh sản. Ông Vàng đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con trâu giống, đồng thời được cán bộ Đoàn 379 hỗ trợ làm chuồng trại, hướng dẫn trồng cỏ, phương pháp tích trữ thức ăn cho đàn gia súc.

Sau gần 5 năm kiên trì, số lượng trâu của gia đình ông Vàng đã tăng lên 8 con. Thu nhập từ chăn nuôi giúp ông xây nhà kiên cố, lo cho con cái học hành và cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình.

Ông Lý Dùa Vàng vui mừng chia sẻ: “Kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ tận tình của cán bộ Đoàn 379. Nhờ mô hình điểm của bộ đội, tôi đã thay đổi tư duy sản xuất, biết tận dụng lợi thế địa phương để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cuộc sống của gia đình đã bớt khó khăn, vất vả hơn trước rất nhiều”.

Tương tự, bà Mào Thị Vóng, bản Chiềng Nưa (xã Si Pa Phìn) cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ Đội sản xuất và xây dựng chính trị số 1, gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn thịt. Mỗi năm xuất chuồng 2 - 3 lứa, mang lại thu nhập ổn định từ 50 - 70 triệu đồng”.

Cán bộ Đoàn 379 kiểm tra mô hình nuôi lợn thịt của gia đình bà Mào Thị Vóng, bản Chiềng Nưa (xã Si Pa Phìn).

Tháng 7/2024, ông Sùng A Của, bản Nậm Chim 2 có cơ hội tham quan mô hình nuôi ngựa của Đoàn 379. Sau đó, ông cùng với hộ ông Sùng Chừ Hồ và Sùng A Sớ góp vốn mua 3 con ngựa giống để bắt đầu chăn nuôi.

Ông Sùng A Của cho biết: “Si Pa Phìn có nhiều bãi cỏ rộng, đồng thời nhiều mô hình nuôi ngựa tại Si Pa Phìn và Phìn Hồ đã thành công, hiệu quả kinh tế cao. Khi được cán bộ Đoàn 379 vận động và hỗ trợ, tôi quyết định đầu tư vào nuôi ngựa. Trong suốt quá trình chăn nuôi, cán bộ Đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ từ việc làm chuồng trại, chế biến thức ăn đến kỹ thuật chăm sóc”.

Với những hoạt động cụ thể và phù hợp, Đoàn 379 đã xây dựng tình quân - dân bền chặt, cùng xây dựng địa bàn biên giới vững chắc về an ninh - quốc phòng và ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top