Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bài 2)

09:21 - Thứ Tư, 21/09/2022 Lượt xem: 4584 In bài viết

Bài 2: Lấy “phòng” để “chống”

ĐBP - Trong “cuộc chiến” PCTN, tiêu cực, song hành với việc chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng thì công tác phòng ngừa được xem là một trong những yếu tố quan trọng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng.

Bài 1: “Cắt bỏ cành sâu để cứu lấy cây”

Kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm 2022.

Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua, đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh nhiều lần nhắc đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; đồng thời cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Gắn công tác PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Trên tinh thần đó, hàng năm, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chỉ thị, nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; triển khai và tổ chức thực hiện chương trình theo kế hoạch đề ra. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp, kịp thời ban hành các quy định mới theo yêu cầu của Trung ương. Đối với các cuộc KTGS, đã có sự đổi mới về nội dung, chuyên đề, phương pháp thẩm tra, xác minh, lịch làm việc với đối tượng được KTGS vận dụng linh hoạt, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các tổ chức đảng và đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp nhận giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xem xét, xử lý nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm…

Từ năm 2012 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 433 đảng viên; trong đó, 36 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, đề xuất Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật 2 đảng viên đã chuyển sinh hoạt Đảng ra khỏi Đảng bộ tỉnh; cấp ủy và chi bộ thi hành kỷ luật 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra cấp huyện thi hành kỷ luật 25 đảng viên.

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được cơ quan chức năng tổ chức, triển khai bài bản, nghiêm túc. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm và đào tạo cán bộ; mua sắm tài sản công... Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra tỉnh đã triển khai 41 cuộc thanh tra hành chính với 70 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện những sai phạm chủ yếu thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng và đất đai với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng, hơn 3.000m2 đất và 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, thanh tra các sở, ngành đã tiến hành 36 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất và 152 cuộc kiểm tra thường xuyên đối với 310 cá nhân và tổ chức. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 149 cá nhân, tổ chức có sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng.

Điển hình, qua thanh tra trách nhiệm trong 6 tháng đầu năm 2022 của Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; PCTN và quản lý đầu tư xây dựng, Thanh tra tỉnh đã phát hiện một số sai phạm, hạn chế trong PCTN, quản lý đầu tư xây dựng. Như việc xây dựng kế hoạch PCTN một số đơn vị trên địa bàn huyện chưa bám sát vào chức năng nhiệm vụ; UBND huyện chưa công khai số liệu dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách; chưa xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, nghiệm thu đối với một số hạng mục công trình chưa chặt chẽ dẫn đến nghiệm thu, thanh toán sai quy định… Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 432 triệu đồng; yêu cầu huyện thực hiện sửa chữa một số công trình hư hỏng và tổ chức họp kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn tại, hạn chế.

Đi đôi với việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, hàng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực… Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 255 lớp, 11 buổi tuyên truyền, 3 hội nghị tuyên truyền pháp luật về PCTN với hơn 10 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia; phát hành 95 cuốn tài liệu, 12.600 tờ rơi, 301 ấn phẩm tuyên truyền về công tác PCTN…

Cùng với công tác tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quy định của Trung ương và của tỉnh về văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định đối với việc kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chức trách của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong đó, người đứng đầu trực tiếp, gương mẫu, chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực…

Nhờ làm tốt công tác ngăn ngừa, lấy “phòng” để “chống”, hiện nay cơ bản tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên được kiềm chế, kiểm soát chặt chẽ, từ đó góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bài 3: Thêm quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng

Quang Long – Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top