Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Tranh chấp đất rừng giữa Huổi Lóng và Huổi Nhả: Hồi kết thấu tình, đạt lý

16:01 - Thứ Sáu, 23/09/2022 Lượt xem: 4417 In bài viết

ĐBP - Vụ việc tranh chấp đất rừng tại Tiểu khu 677 giữa nhân dân bản Huổi Lóng, xã Na Sang và bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) kéo dài nhiều năm, được coi là một trong những vụ tranh chấp “nổi cộm” trên địa bàn tỉnh. Chưa nhất trí với phương án giải quyết, người dân đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương, các cấp, thậm chí là Chính phủ để đòi hỏi quyền lợi; gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn, đến nay, bà con 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả đã cơ bản thống nhất phương án phân chia đất rừng, nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Việc giải quyết thấu tình, đạt lý vụ việc đã không để hình thành điểm nóng và tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân.

Khu vực rừng giao cho bản Huổi Lóng (xã Na Sang) quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR.

Bài 1: Tranh chấp vì tiền dịch vụ môi trường rừng

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được UBND tỉnh và các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các giải pháp, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là tranh chấp giữa các bản, trong đó vụ việc xảy ra giữa bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và bản Huổi Nhả (xã Mường Mươn) khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tranh chấp đất rừng là do việc điều chỉnh địa giới hành chính của các địa phương, ảnh hưởng đến chế độ chi trả tiền DVMTR.

Khởi nguồn của tranh chấp…

Trước năm 2006, bản Huổi Lóng và bản Huổi Nhả đều thuộc xã Mường Mươn, huyện Mường Chà và cùng canh tác, sản xuất, bảo vệ rừng tại khu vực rừng thuộc Tiểu khu 677. Đến năm 2006, thành lập xã Na Sang trên cơ sở tách một phần của xã Mường Mươn và một phần của xã Si Pa Phìn theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ. Theo đó, bản Huổi Lóng thuộc địa giới xã Na Sang; bản Huổi Nhả thuộc xã Mường Mươn. Từ đó cho đến hết năm 2014, nhân dân 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả vẫn canh tác, sản xuất tại Tiểu khu 677 rất ổn định và không xảy ra tranh chấp.

Năm 2015, huyện Mường Chà tiến hành rà soát giao rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND và đã giao 637,92ha rừng thuộc Tiểu khu 677 (thuộc địa giới hành chính xã Mường Mươn) cho cộng đồng bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn quản lý và hưởng tiền DVMTR. Tuy nhiên nhân dân bản Huổi Lóng, xã Na Sang không đồng ý và yêu cầu giao toàn bộ diện tích rừng trên cho bản Huổi Lóng quản lý nên đã dẫn đến tranh chấp giữa 2 bản.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ bản Huổi Lóng Giàng A Lâu, cho biết: Tiểu khu 677 trước đây là khu rừng tái sinh do bản Huổi Lóng bảo vệ. Thời điểm đấy, Huổi Lóng và Huổi Nhả cùng thuộc xã Mường Mươn nên hai bản thường phân khu để làm nương với nhau. Tuy nhiên, khi chia tách thì bản Huổi Lóng thuộc xã Na Sang, còn bản Huổi Nhả thuộc xã Mường Mươn. Phần diện tích rừng ở Tiểu khu 677 mà dân bản Huổi Lóng quản lý, bảo vệ trước kia lại thuộc địa giới hành chính bản Huổi Nhả. Mâu thuẫn xảy ra khi toàn bộ diện tích đất rừng tại Tiểu khu 677 được giao cho bản Huổi Nhả quản lý, bảo vệ và hưởng tiền DVMTR, người dân bản Huổi Lóng không đồng ý.

Vụ việc tranh chấp giữa 2 bản diễn biến phức tạp nên cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, tập trung tuyên truyền và vận động nhân dân. Trong ảnh: Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với đại diện nhân dân 2 bản Huổi Nhả và Huổi Lóng.

Cụ thể, tháng 12/2015, nhân dân bản Huổi Lóng, xã Na Sang viết đơn gửi UBND huyện Mường Chà đề nghị giao lại toàn bộ Tiểu khu 677 cho nhân dân bản Huổi Lóng quản lý, bảo vệ và hưởng tiền phí DVMTR, với lý do Tiểu khu 677 gần địa phận bản Huổi Lóng hơn và trước đây khi chưa chia tách xã nhân dân bản Huổi Lóng đã có công bảo vệ, chăm sóc. Đồng thời đề nghị chi trả phí DVMTR cho nhân dân bản Huổi Lóng mà huyện Mường Chà đã chi trả cho bản Huổi Nhả từ năm 2011, khiến vụ việc càng thêm phức tạp.

Ông Cà Văn Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Tháng 12/2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả tiền DVMTR cho người dân; thời điểm đó, tôi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã nên có xem qua sơ đồ và phát hiện Tiểu khu 677 này thuộc địa giới hành chính của bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn và dân bản Huổi Nhả được hưởng tiền DVMTR. Vì vậy, chính quyền xã đã trao đổi với bản Huổi Lóng nhưng dân bản đã đề nghị cơ quan chuyên môn dừng lại việc chi trả DVMTR đối với diện tích rừng ở Tiểu khu 677 cho người dân bản Huổi Nhả, vì diện tích đó trước đây do dân bản Huổi Lóng quản lý và bảo vệ. Từ đó, việc tranh chấp giữa 2 bản “nóng” lên. Có thể nói, thực chất việc tranh chấp đất rừng giữa nhân dân 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả là tranh chấp quyền sử dụng đất để được hưởng quyền lợi từ việc chi trả tiền DVMTR.

…trở thành vụ việc “nổi cộm”

Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của công dân, UBND huyện Mường Chà đã thành lập tổ công tác xuống kiểm tra thực địa, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về quy định của pháp luật đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhân dân bản Huổi Lóng không nhất trí và tiếp tục kiến nghị lên UBND tỉnh, thậm chí còn vượt cấp lên Chính phủ.

Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà: “Trong giai đoạn 2015 - 2018, bản Huổi Lóng đã viết các đơn gửi đến Trung ương, tỉnh, huyện, đề nghị giải quyết tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn). Trong đó, dân bản đã gửi 4 đơn đến UBND cấp huyện, 1 đơn gửi đến UBND tỉnh, 1 đơn gửi Chính phủ”.

Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2018, bản Huổi Lóng đã viết đơn gửi đến Trung ương, tỉnh, huyện đề nghị giải quyết tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn). Trong đó, dân bản đã gửi 4 đơn đến UBND huyện; 1 đơn đến UBND tỉnh; 1 đơn gửi Chính phủ. Sau khi nhận được các đơn đề nghị của bản Huổi Lóng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã Mường Mươn và Na Sang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giao đất, giao rừng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND huyện đã ban hành 11 văn bản các loại, trong đó 3 công văn; 3 thông báo; 2 báo cáo và 3 quyết định chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn có liên quan, 2 xã Mường Mươn và Na Sang thống nhất giải quyết tranh chấp đất rừng giữa 2 bản.

Mặc dù được tuyên truyền, vận động, song nhân dân bản Huổi Lóng vẫn không nhất trí với phương án của UBND huyện Mường Chà chia Tiểu khu 677 mà đòi hỏi phải giao toàn bộ Tiểu khu 677 cho bản Huổi Lóng quản lý, bảo vệ. Nếu chia theo phương án của huyện thì phải trả lại toàn bộ tiền DVMTR cho bản Huổi Lóng mà bản Huổi Nhả được hưởng từ năm 2011 đến thời điểm xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, dân bản Huổi Nhả chỉ nhất trí chia đôi diện tích rừng Tiểu khu 677 và không trả lại tiền DVMTR đã hưởng từ trước. Nhân dân 2 bản không bên nào chịu bên nào, khiến vụ việc càng khó giải quyết, thậm chí phát sinh tư tưởng chống đối trong nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang Cà Văn Keo chia sẻ: Người dân bản Huổi Lóng đã nhiều lần kéo nhau lên trụ sở UBND xã ý kiến về việc giải quyết tranh chấp đất rừng giữa 2 bản. Nhất là thời điểm chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021, chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn trong việc trưng cầu ý kiến rồi niêm yết danh sách cử tri tại bản Huổi Lóng. Vì vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa thỏa đáng theo yêu cầu của dân bản nơi đây nên bà con nảy sinh tư tưởng chống đối và không đi bầu cử. Vì vậy chính quyền địa phương phải nhiều lần trao đổi, làm việc với bà con để giải thích, tuyên truyền cho họ hiểu, chấp thuận chủ trương của huyện và của tỉnh. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên sau đó, bà con cũng đi bầu cử đầy đủ.

Riêng năm 2017, huyện Mường Chà đã 3 lần thành lập đoàn công tác làm việc với 2 địa phương để thống nhất phương án phân chia diện tích rừng của bản Huổi Lóng, Huổi Nhả và giao cho địa phương tiếp tục tuyên truyền, họp bản, vận động nhân dân 2 bản thống nhất phương án chia cắt Tiểu khu 677. Thế nhưng, vụ việc tranh chấp vẫn phức tạp và kéo dài, gây nhức nhối trên địa bàn.

Giai đoạn 2013 - 2015, huyện Mường Chà đã hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lâm nghiệp theo đúng Kế hoạch số 388/KH-UBND, ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh Điện Biên. Trong đó, đã giao 35.977,89ha cho 110 cộng đồng, 15 hộ gia đình, cá nhân; cấp 872 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng trong giai đoạn này, UBND huyện đã tiếp nhận một số đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất rừng giữa các bản với các bản trên địa bàn một số xã và giữa các bản giáp ranh 2 xã với nhau. Trong đó, nổi cộm là tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn) xảy ra từ năm 2015-2018.

 

Bài 2: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top