Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
Bài 2: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ
ĐBP - Vụ việc tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn) xảy ra từ năm 2015 - 2018 đã gây ra tình trạng người dân khiếu nại, kiến nghị nhiều lần, vượt cấp. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động vào cuộc nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên theo đúng quy định của pháp luật, không để người dân gửi đơn thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đối thoại trực tiếp với dân
Dù đã trôi qua cách đây gần 5 năm nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in nội dung cũng như chương trình cuộc đối thoại trực tiếp giữa Đoàn công tác UBND tỉnh Điện Biên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến làm trưởng đoàn với nhân dân 2 bản Huổi Nhả và Huổi Lóng, diễn ra vào cuối tháng 10/2017, về việc thống nhất giải quyết vấn đề tranh chấp đất rừng giữa 2 bản.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Mường Chà đã đề xuất hướng giải quyết và dự kiến tỷ lệ phân chia lại Tiểu khu 677 để giao cho nhân dân 2 bản quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR. Theo đó, chia các khoảnh 9, 11, 13 và 14 thuộc Tiểu khu 677, với tổng diện tích 303,87ha đất có rừng cho bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn tiếp tục quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR (sau khi chia lại, bản Huổi Nhả có tổng diện tích rừng quản lý, bảo vệ là 740,91ha, thuộc các tiểu khu: 677, 678, 680). Chia các khoảnh 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 12 thuộc Tiểu khu 677, với tổng diện tích 334,05ha đất có rừng cho cộng đồng bản Huổi Lóng, xã Na Sang quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR (sau khi chia lại, bản Huổi Lóng có tổng diện tích rừng quản lý, bảo vệ là 954,11ha, thuộc các tiểu khu: 669, 669A, 672, 673 và 677).
Đối với tỷ lệ phân chia và hướng giải quyết này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến và những người có mặt tại buổi làm việc đều đồng thuận, nhất trí với phương án mà UBND huyện Mường Chà đề xuất. Tuy nhiên, phương án giải quyết chia Tiểu khu 677 theo tỷ lệ mà UBND huyện Mường Chà đề xuất không nhận được sự đồng tình của nhân dân 2 bản Huổi Nhả và Huổi Lóng.
Đại diện bản Huổi Lóng cho rằng, diện tích rừng trên trước kia do nhân dân bản Huổi Lóng quản lý, bảo vệ thì phải giao cho bản sao lại giao cho bản Huổi Nhả. Một số giấy tờ liên quan chứng minh diện tích rừng đã được giao cho dân bản Huổi Lóng quản lý cũng được đưa ra. Tuy nhiên, sau khi xem xét, kiểm tra, đoàn công tác của UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Mường Chà đã giải thích cho người dân hiểu rằng, những giấy tờ đó chỉ là ký kết “nhận khoán” quản lý, bảo vệ rừng giữa Lâm trường Mường Chà (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà) và bản Huổi Lóng chứ không phải là giao đất rừng cho dân bản Huổi Lóng.
Về phía bản Huổi Nhả, ban đầu, những người đại diện cho bản đã cơ bản đồng thuận, nhất trí với phương án UBND huyện đề xuất. Tuy nhiên do bản Huổi Lóng kiên quyết không đồng ý và còn một số quan điểm chưa đồng nhất nên họ lại thay đổi và không đồng ý, khiến vụ việc càng thêm phức tạp.
Sau khi lắng nghe, tâm tư nguyện vọng của người dân 2 bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến khẳng định: Việc tranh chấp đất đai giữa nhân dân bản Huổi Lóng và bản Huổi Nhả thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Mường Chà. Còn hướng giải quyết trên do huyện Mường Chà đề xuất là phương án “thấu tình, đạt lý”. Vì vậy, đoàn công tác UBND tỉnh rất đồng tình với hướng giải quyết đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc, huyện Mường Chà và 2 xã Na Sang, Mường Mươn đã thực hiện theo đúng trách nhiệm và đã nghiêm túc giải quyết vấn đề. Nhân dân 2 bản chưa đồng tình phương án đề xuất nhưng bà con nên thương lượng để đi đến đồng thuận theo phương án của huyện; nếu không thống nhất được thì nhân dân 2 bản sẽ chịu thiệt thòi vì lâu được hưởng tiền chi trả DVMTR. Quan điểm của UBND tỉnh là tiền chi trả DVMTR chỉ chi trả cho ai trông coi, quản lý rừng; không bảo vệ rừng thì không được hưởng tiền này.
Phát huy vai trò của Đảng
Trong căn nhà gỗ khang trang, Bí thư Chi bộ bản Huổi Lóng Giàng A Lâu bày tỏ: “Cán bộ cũng vì quyền lợi và lợi ích của nhân dân mà đã vất vả nhiều rồi. Thời điểm đó, cả bản Huổi Lóng chỉ có 74 hộ dân nhưng đến nay đã tăng lên gần 90 hộ. Để nhân dân chấp thuận phương án chia rừng, cán bộ, chính quyền địa phương đã đến tận bản tuyên truyền, giải thích cho bà con. Lúc đầu dân bản không đồng ý. Thế nhưng mình cùng với cán bộ xã, huyện và các cơ quan chuyên môn giải thích cho bà con nhiều lắm! Mọi người phân tích, chỉ ra cái thiệt hơn cho bà con, đồng thời nói về cái tình của nhân dân 2 bản trước kia nữa. Nói gì thì nói, trước đây 2 bản mình cũng như anh em một nhà. Vậy mà chỉ vì đất rừng, tiền DVMTR mà anh em lỡ tranh chấp, đánh nhau sao? Hãy nhường nhịn nhau để mọi việc được êm thấm và không kiện cáo làm gì cho thêm phức tạp nữa”.
Ông Cà Văn Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang: “Đảng viên trong Chi bộ bản đã tập trung tuyên truyền, phổ biến khá hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là giải thích để dân bản hiểu và chấp thuận theo phương án giải quyết tranh chấp đất rừng của địa phương”. |
Nghe những lời tâm sự của Bí thư Chi bộ bản Huổi Lóng, ông Cà Văn Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang cũng tiếp lời: “Khi 2 bản xảy ra tranh chấp đất rừng, bản Huổi Lóng chưa có chi bộ, chính vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc thành lập chi bộ của bản. Thời điểm mới xảy ra tranh chấp giữa 2 bản, Bí thư Chi bộ Giàng A Lâu đang là Trưởng bản Huổi Lóng; sau đó được cấp ủy tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ bản. Do số lượng đảng viên trong bản còn hạn chế, Đảng ủy xã đã phân công đảng viên của Chi bộ bản Hin 1 xuống sinh hoạt cùng. Chúng tôi lựa chọn các đồng chí có uy tín và tiếng nói trong nhân dân để đến sinh hoạt cùng các đảng viên tại Chi bộ bản Huổi Lóng. Với trách nhiệm của đảng viên, các đồng chí trong Chi bộ bản đã tập trung tuyên truyền, phổ biến khá hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là giải thích để dân bản hiểu và chấp thuận theo phương án giải quyết tranh chấp đất rừng của địa phương. Qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng tại cơ sở trong giải quyết các vụ việc. Hiện nay, Chi bộ bản đã có 5 đảng viên, trong đó 2 đảng viên là người dân trong bản. Dự kiến đến năm 2025, chi bộ phấn đấu 100% đảng viên là nhân dân trong bản”.
Việc giải quyết tranh chấp đã được cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã vào cuộc chỉ đạo triển khai thực hiện. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp xuống họp, bàn các giải pháp, tuyên truyền, vận động nhân dân để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất. Các địa phương cũng tập trung xây dựng phát triển Đảng tại cơ sở nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng trong giải quyết các tồn đọng tại cơ sở.
Ông Tòng Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: “Chúng tôi cũng tranh thủ uy tín, vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín tuyên truyền cho nhân dân đồng thuận phương án giải quyết của huyện, tỉnh. Để nâng cao vai trò của Đảng tại cơ sở, Đảng ủy xã đã phân công 2 đảng viên vào sinh hoạt tại Chi bộ bản Huổi Nhả. Đây là các đảng viên có kinh nghiệm hòa giải, giao tiếp thông thạo tiếng địa phương, tiếp xúc không kể ngày đêm, bám bản, bám dân để vận động và đã nhận được sự tin tưởng của bà con. Với vụ việc tranh chấp đất rừng giữa 2 bản có sự vào cuộc rất quyết liệt của các đảng viên. Chính vì vậy mà dù dân bản Huổi Nhả hầu hết theo đạo nhưng người dân đều một lòng đi theo Đảng và tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng vì thế mà vụ việc tranh chấp đất rừng giữa 2 bản đã được giải quyết khá êm thấm…”.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của huyện Mường Chà cho đến chính quyền 2 xã Na Sang, Mường Mươn và 2 bản Huổi Lóng, Huổi Nhả trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là sự vào cuộc của các đảng viên đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân 2 bản. Qua đó đã tạo tiền đề để dân bản Huổi Nhả và Huổi Lóng đi đến thống nhất, đồng thuận, nhằm mang lại lợi ích hài hòa và giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Sau khi hoàn thành giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Mường Chà đã xảy ra một số vụ tranh chấp đất rừng nhỏ lẻ, như: tranh chấp rừng giữa bản Lùng Thàng, xã Huổi Mí với bản Cứu Táng, xã Nậm Nèn; giữa bản Thèn Pả, xã Sa Lông với nhóm Can Hồ bản Há La Chủ A, xã Hừa Ngài; giữa bản Pú Múa, xã Mường Mươn với bản Nậm Bó, xã Na Sang, tuy nhiên không xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng giữa các bản của huyện Mường Chà với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đây là các vụ tranh chấp đất rừng nhỏ lẻ đã được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt tới các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp, không để ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn huyện. |