Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Tranh chấp đất rừng giữa Huổi Lóng và Huổi Nhả: Hồi kết thấu tình, đạt lý (bài 3)

11:00 - Chủ Nhật, 25/09/2022 Lượt xem: 5160 In bài viết

Bài 3: Cuộc tranh chấp đi đến hồi kết

Từ khi nảy sinh tranh chấp, huyện Mường Chà cùng các phòng ban, cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã Mường Mươn, Na Sang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn) thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giao đất, giao rừng. Trong đó, cấp ủy, tổ chức Đảng tại cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải thích cho bà con hiểu và nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng nhân dân 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả đã tìm được tiếng nói chung, thống nhất phương án phân chia đất rừng tại Tiểu khu 677.

Bài 2: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ

Bài 1: Tranh chấp vì tiền dịch vụ môi trường rừng

Nhân dân bản Huổi Lóng vui mừng khi vụ việc đã được giải quyết, mang lại cuộc sống ổn định cho bà con. Trong ảnh: Người dân bản Huổi Lóng bày tỏ niềm vui với Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang Cà Văn Keo.

Khi tìm được tiếng nói chung

Tháng 1/2018, trên cơ sở thống nhất giữa 2 bản, 2 xã, UBND huyện Mường Chà đưa ra phương án chia cắt Tiểu khu 677 theo tỷ lệ hợp lý để nhân dân 2 bản Huổi Lóng, Huổi Nhả cùng quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR. Qua đó đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng dân cư 2 bản tại Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 về việc giao đất, giao rừng (điều chỉnh) cho cộng đồng dân cư bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn; Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 về việc giao đất, giao rừng (điều chỉnh, bổ sung) cho cộng đồng dân cư bản Huổi Lóng, xã Na Sang (huyện Mường Chà).

Theo đó, cộng đồng 2 bản đã thống nhất chia các khoảnh 9, 11, 13, 14 thuộc tiểu khu 677 với tổng diện tích 303,87ha đất có rừng cho bản Huổi Nhả, xã Mường Mươn tiếp tục quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR. Sau khi chia lại, bản Huổi Nhả có tổng diện tích rừng quản lý, bảo vệ 740,9ha, thuộc các tiểu khu: 677, 678, 680. Chia các khoảnh 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 12 thuộc tiểu khu 677 với tổng diện tích 334,05ha đất có rừng cho cộng đồng bản Huổi Lóng, xã Na Sang quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR. Sau khi chia lại, bản Huổi Lóng có tổng diện tích rừng quản lý, bảo vệ là 954,11 ha, thuộc các tiểu khu: 669, 669A, 672, 673 và 677.

Như vậy, từ năm 2018 đến hết ngày 30/6/2022, toàn bộ diện tích đất rừng của cộng đồng bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và bản Huổi Nhả (xã Mường Mươn) đã được hưởng tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng thuộc Tiểu khu 677 do bản Huổi Lóng quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR, già làng Giàng A Tếnh tâm sự: “Bảo vệ diện tích rừng này được tốt, không bị cháy, không bị chặt phá thì hàng năm dân bản được hưởng tiền chi trả DVMTR. Trước đây, tranh chấp kéo dài nên bản chỉ được có hơn 190 triệu đồng (năm 2015). Khi dân bản đồng thuận nhận đất rừng, không tranh chấp nữa thì năm 2018, bản Huổi Lóng được chi trả tiền DVMTR gần 1,1 tỷ đồng. Từ đó đến nay, năm nào bản cũng nhận được từ 800 - 900 triệu đồng tiền chi trả DVMTR mỗi năm. Đó là nguồn thu nhập rất lớn, góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con dân bản”.

Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cho biết: Các điểm tranh chấp giữa các bản rất khó khăn trong quá trình giải quyết, vì giữa các bản không có ranh giới hành chính, mà được phân chia theo lịch sử sản xuất, quản lý, bảo vệ. Do đó, khi tuyên truyền giải thích người dân thường không đồng thuận, mỗi bên có một quan điểm khác nhau, khó tìm được tiếng nói chung. Thế nhưng, vụ việc tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn) đến hồi kết là tín hiệu rất đáng mừng. Trên cơ sở những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền và giải thích cho bà con hiểu. Nếu người dân không chấp hành tốt các quy định, chính sách thì người thiệt thòi chính là nhân dân. Đơn cử như việc tranh chấp giữa 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả không giải quyết triệt để, cứ kéo dài thì bà con càng lâu được chi trả tiền DVMTR…

Đời sống nhân dân bản Huổi Lóng khấm khá hơn nhờ được hưởng tiền DVMTR, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa kiên cố.

Lan tỏa nhiều ý nghĩa

Tỉnh Điện Biên hiện có tổng diện tích tự nhiên là 953.992,6ha, trong đó diện tích đất có rừng là 409.856,86ha, chiếm 42,96%. Đến nay, toàn tỉnh đã giao 352.938,45ha cho 4.420 chủ rừng (7 tổ chức, 1.180 cộng đồng và 3.233 hộ gia đình, cá nhân). Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được UBND tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các giải pháp, song tình trạng tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra tại một số địa phương. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 26 vụ tranh chấp đang được các cấp, các ngành tập trung giải quyết. Chính vì vậy, việc giải quyết thành công vụ việc nổi cộm như tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả có ý nghĩa lan tỏa vô cùng quan trọng.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Việc xử lý “thấu tình, đạt lý” ngay từ cơ sở như ở Mường Chà sẽ không tạo ra các điểm nóng ở các địa phương khác. Còn nếu cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý không khéo sẽ tạo ra nhiều điểm nóng rất phức tạp, đặc biệt hơn là còn liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến khẳng định: Khi nhân dân 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả đồng thuận và nhận tiền chi trả DVMTR cho thấy vụ việc tranh chấp đất rừng giữa 2 bản này cơ bản đã được giải quyết, xử lý hợp với ý Đảng và lòng dân. Việc xử lý “thấu tình, đạt lý” ngay tại cơ sở như ở Mường Chà sẽ không tạo ra điểm nóng ở các địa phương khác. Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý không khéo sẽ tạo ra nhiều điểm nóng rất phức tạp, đặc biệt là liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch cũng sẽ lợi dụng các vụ việc nhức nhối để chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua việc giải quyết êm thấm vụ tranh chấp ở 2 bản này sẽ góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Bà con sẽ truyền tai nhau, từ bản này đến các bản khác, giúp cho việc giải quyết các vụ tranh chấp đất rừng ở các địa phương được thuận lợi hơn…

Bên cạnh vụ việc giải quyết tranh chấp đất rừng giữa 2 bản Huổi Lóng và Huổi Nhả, thời gian gần đây, UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung giải quyết 2 vụ việc tranh chấp đất rừng cấp tỉnh giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và bản Nậm Ngà, Pa Tết, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu); tranh chấp giữa nhân dân bản Noong É, xã Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) và nhân dân điểm dân cư Huổi Lạ, bản Huổi Áng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La). Giải quyết dứt điểm tranh chấp cấp huyện giữa nhân dân bản Hua Chăn, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) với bản Món Hà, Hua Chăn, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng). Giải quyết 5 điểm tranh chấp đất rừng cấp xã; trong đó tại huyện Mường Ảng, giữa bản Thẳm Phẩng (xã Nặm Lịch) và bản Hua Lá (xã Mường Lạn); tại huyện Mường Chà, giữa bản Lùng Thàng (xã Huổi Mí) với bản Cứu Táng (xã Nậm Nèn), giữa bản Thèn Pả (xã Sa Lông) với nhóm Can Hồ, bản Há La Chủ A (xã Hừa Ngài), giữa bản Pú Múa (xã Mường Mươn) với bản Nậm Bó (xã Na Sang).

Trên cơ sở đó, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh cùng với các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng trên địa bàn quản lý. Từ đó góp phần ổn định tình hình trật tự, trị an, không để hình thành các điểm nóng, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân, để người dân tích cực chủ động hưởng ứng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, góp phần kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top