Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Sàng lọc đảng viên ở Điện Biên: “Cắt bỏ cành sâu để cứu cả cây” (bài 2)

07:29 - Thứ Hai, 26/09/2022 Lượt xem: 6862 In bài viết

Bài 2: Khó nhưng phải làm

ĐBP - Thanh lọc, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một vấn đề khó và phức tạp, nhưng không thể không làm. Bởi vậy, ngay từ đầu công tác rà soát, sàng lọc đảng viên đã được tỉnh ta coi là việc làm thường xuyên và thực hiện bài bản, chặt chẽ giữ cho tổ chức đảng vững mạnh từ gốc.

Bài 1: Nhận diện đúng để có giải pháp hữu hiệu

Bí thư Đảng ủy xã Mường Toong Lò Văn Cường (thứ 2 từ phải sang) rà soát danh sách đảng viên cần sàng lọc.

Thực tế nhiều khó khăn

Mường Toong là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất và sinh hoạt nhiều lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng chí Lò Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Mường Toong cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ xã Mường Toong tiến hành các thủ tục xem xét xóa tên, đưa ra khỏi Đảng 5 đảng viên thuộc các chi bộ: Bản Yên, Ngã Ba, Nậm Hà, Mường Toong 3 và Huổi Lanh. Trong đó có trường hợp không gặp được, không liên lạc, không hợp tác để có thể hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Đơn cử như trường hợp của Khoàng Văn Vận (sinh năm 1988, ở bản Mường Toong 3). Được kết nạp Đảng tháng 3/2013, mặc dù giữ cương vị Phó Chỉ huy Quân sự xã Mường Toong (giai đoạn 2011 - 2016) song Vận lại sử dụng trái phép chất ma túy. Nắm được sự việc trên, từ năm 2016, cấp ủy xã đã không ít lần trực tiếp gặp gỡ, giáo dục. Song vì chưa có căn cứ chứng minh nên Vận nhất quyết không hợp tác. Mãi đến năm 2021, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện quả tang Vận sử dụng chất ma túy và căn cứ theo Nghị quyết số 04-NQ/CB ngày 30/3/2021 của Chi bộ bản Mường Toong 3, Đảng bộ xã quyết định đưa Khoàng Văn Vận ra khỏi danh sách đảng viên. Đây cũng là trường hợp dù đã được Chi bộ bản tích cực giáo dục, giúp đỡ nhiều lần trước khi khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng.

Thực tế trong quá trình triển khai, thực hiện ở một số địa bàn khác cũng gặp không ít lúng túng, đặc biệt là việc xác định các trường hợp đảng viên có vi phạm cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét, quyết định đưa ra khỏi Đảng. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cấp ủy viên còn biểu hiện chưa chấp hành nghiêm túc quy định, điều lệ, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, thiếu rèn luyện, tu dưỡng; sống cơ hội, thực dụng dẫn đến sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Những hạn chế này đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẳng thắn nhìn nhận, đó là:  Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên. Hơn nữa hiện nay, số thôn bản có ít đảng viên; trưởng thôn, bản, tổ dân phố chưa là đảng viên còn nhiều (chiếm 43%); công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên còn có biểu hiện buông lỏng; việc rà soát, sàng lọc đưa đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm pháp luật ra khỏi Đảng còn có nể nang, ngại va chạm, né tránh.

Thực hiện quyết liệt, khách quan

Theo chia sẻ của một Bí thư Đảng ủy xã thì: “Việc xóa tên, cho ra khỏi Đảng là việc làm bất đắc dĩ nhưng vô cùng cần thiết nhằm giữ nghiêm kỷ luật Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng. Khi xóa tên một đảng viên chúng tôi thực sự rất trăn trở và Đảng bộ phải cân nhắc rất nhiều. Ban Chấp hành Đảng bộ, cấp ủy chi bộ phải xem xét và thực hiện quy trình chặt chẽ. Sau khi theo dõi, nhận thấy đảng viên có dấu hiệu sa sút ý chí, lơi lỏng trong tham gia sinh hoạt Đảng, cấp ủy chi bộ nắm bắt tâm tư, tình cảm và nhắc nhở, chấn chỉnh, bồi dưỡng đảng viên. Những đảng viên nào không thay đổi thì báo cáo cấp uỷ cấp trên xem xét thực hiện xóa tên đảng viên”.

Trao đổi về công tác rà soát đảng viên trên địa bàn huyện, ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Là huyện vùng cao, biên giới, Mường Nhé gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện bởi địa bàn có nhiều đảng viên đi làm ăn xa, có nơi không chuyển sinh hoạt Đảng được, dẫn đến đảng viên bỏ sinh hoạt. Ngoài ra, phong tục, tập quán lạc hậu; tình trạng buôn bán, sử dụng chất ma túy diễn biến phức tạp. Huyện ủy đã yêu cầu cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình cơ sở, phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc. Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cấp ủy viên các cấp chủ động bố trí, sắp xếp thời gian nắm tình hình tư tưởng của đảng viên. Thời gian qua, Đảng bộ Mường Nhé đã thực hiện sàng lọc đưa ra khỏi Đảng 9 đảng viên. Trong đó, 5 đảng viên vi phạm đạo đức lối sống, thiếu bản lĩnh, mắc các tệ nạn xã hội; 3 đảng viên bỏ sinh hoạt đảng; 1 đảng viên không rõ đi đâu, bỏ sinh hoạt.

Đối với huyện Điện Biên Đông, từ năm 2019 - 2021 đã thực hiện rà soát, sàng lọc 114 đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước đã bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật mức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, giáng chức, cách chức, đang trong thời gian chấp hành kỷ luật lại tiếp tục có vi phạm; vi phạm các quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương hoặc những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Qua đó, đã có 45 đảng viên qua giáo dục bồi dưỡng được công nhận sự tiến bộ; 68 đảng viên cần được tiếp tục giáo dục, giúp đỡ, 1 đảng viên bị khai trừ. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đảng bộ huyện có 3 đảng viên bị xóa tên, khai trừ 2 đảng viên. Việc sàng lọc, xóa tên đảng viên được thực hiện chặt chẽ, khách quan, công khai, đúng quy định, nhận được sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng bộ, chi bộ.

Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện đúng quy trình; trong đó, tập trung phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên. Đồng thời, đề cao vai trò của chi bộ trong phát hiện đảng viên chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác; chấp hành kỷ luật, pháp luật chưa nghiêm. Năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện xóa tên 51 đảng viên, khai trừ 32 đảng viên; năm 2020, xóa tên 46 đảng viên, khai trừ 27 đảng viên; năm 2021, xóa tên 39 đảng viên, khai trừ 12 đảng viên. Nhìn vào danh sách các đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng thời gian qua có điểm chung là do vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, vi phạm pháp luật bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam); vi phạm luật hôn nhân gia đình, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, nhiều nhất là huyện Điện Biên: năm 2020 xóa tên 7 đảng viên, 2021 xóa tên 7 đảng viên; huyện Điện Biên Đông: năm 2020 xóa tên 8 đảng viên, 2021 xóa tên 6 đảng viên.

Bài 3: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ gốc

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top