Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Phát huy vai trò của lực lượng “quần chúng đặc biệt” (bài 3)

07:30 - Thứ Hai, 03/10/2022 Lượt xem: 8576 In bài viết

Bài 3: Cần có “chất xúc tác” cho người uy tín hoạt động

ĐBP - Những năm qua, NCUT trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có nhiều đóng góp quan trọng. Để tiếp tục phát huy tốt vai trò NCUT trong giai đoạn mới, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong chính sách, chế độ đãi ngộ cần điều chỉnh cho phù hợp. 

Bài 1: Những “trụ cột” của thôn, bản

Bài 2: Cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương

Lãnh đạo huyện Mường Nhé trao đổi với các trưởng bản, người uy tín, hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhân dịp huyện tổ chức hội nghị gặp mặt. Ảnh: Văn Tâm

Giải quyết chế độ, chính sách

Những năm qua, huyện Mường Nhé đã quan tâm, tạo điều kiện để NCUT phát huy vai trò trong cộng đồng, khuyến khích tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời tổ chức động viên, thăm hỏi, khen thưởng đối với lực lượng đặc biệt này. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 120 NCUT được khen thưởng thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Bên cạnh đó, NCUT được cấp báo miễn phí; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng - an ninh, chính sách dân tộc, kỹ năng hòa giải cơ sở. Kết quả việc thực hiện chính sách đối với NCUT đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự địa phương.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò NCUT trên địa bàn huyện Mường Nhé còn một số hạn chế nhất định. Tại một số bản chưa bầu chọn được NCUT; một số ít NCUT sau khi được bầu chọn chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm. Bên cạnh đó, có không ít NCUT tâm huyết, nhiệt tình với công việc nhưng lại chưa được ghi nhận xứng đáng với công sức; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở nhìn nhận, đánh giá vai trò của NCUT chưa đầy đủ.

Hiện nay, trong tổng số 114 NCUT trên địa bàn huyện Mường Nhé được chia thành 2 nhóm, gồm: Những người tham gia các thiết chế quản lý ở bản (bí thư chi bộ; trưởng bản) kiêm nhiệm làm NCUT và nhóm những người không tham gia thiết chế quản lý mà chỉ là người được cộng đồng tín nhiệm, được suy tôn làm NCUT. Theo đó, với những người tham gia các thiết chế ở thôn, bản, họ có phụ cấp còn đối với NCUT thuộc nhóm còn lại thì không có phụ cấp. Toàn bộ chi phí xăng xe, tiền điện thoại... họ phải tự bỏ ra. Trong khi địa hình miền núi rộng lớn, giao thông khó khăn, dân cư sống thưa thớt nên tốn nhiều chi phí, công sức. Đặc biệt, với những người cao tuổi, xe máy không biết đi, đường bản chưa được bê tông hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nhiệt tình, hiệu quả hoạt động của họ.

Năm 2010, ông Thào A Sà (SN 1959) được người dân bản Chà Nọi 2, xã Quảng Lâm bầu chọn và được tỉnh xét công nhận là NCUT của bản. Không tham gia các chức vụ trong bản, không có khoản phụ cấp nào, nhưng với trách nhiệm của mình ông Sà đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ đó những năm qua an ninh trật tự trong bản ổn định, không có các loại tội phạm; người dân tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Sà mong muốn các cấp, ngành có chế độ quan tâm hơn đối với những NCUT như ông, để tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của mình.

Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, quy định: NCUT được hưởng một số chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, tết truyền thống của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, hỗ trợ khi bị ốm đau hoặc gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn. Tuy vậy, các chế độ đối với NCUT thời gian qua mới mang tính động viên nên chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ trong thực hiện trách nhiệm. Do nguồn kinh phí địa phương khó khăn nên một số chính sách như tổ chức đi tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm cho NCUT rất hạn chế, không thường xuyên...

Theo bà Pờ Mỳ Ly, Phó phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, chế độ, chính sách cho NCUT hiện nay đang hưởng thấp so với định mức chung của nguồn động viên cơ sở. Với mức thăm hỏi 500 nghìn đồng/năm, bình quân mỗi tháng chỉ được 41.660 đồng. Các địa phương có người dân tộc thiểu số cư trú, sinh sống chủ yếu là vùng đặc biệt khó khăn, nguồn tài chính phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2018 - 2021, tổng kinh phí được cấp để thực hiện chính sách đối với NCUT trên địa bàn huyện là 1,723 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã thực hiện đạt 57,2% kế hoạch vốn giao. Từ năm 2018 đến nay, duy nhất năm 2018 NCUT được hưởng chế độ phụ cấp thông tin; các năm 2019 - 2021 chưa được hưởng.

Nỗ lực phát huy vai trò

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, những năm qua vai trò của NCUT đã thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới trên địa bàn vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Trong đó, NCUT sẽ là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung tìm cách tác động. Vì vậy, để NCUT tiếp tục phát huy vai trò trong tình hình mới, Huyện uỷ Mương Nhé xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp phải thường xuyên đối thoại, định hướng, gặp gỡ động viên NCUT. Cùng với đó, huyện thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ NCUT; quan tâm lựa chọn NCUT kế cận đủ năng lực, trình độ, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, xác định khả năng, sở trường trên từng lĩnh vực để phát huy vai trò của từng NCUT. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với NCUT, đảm bảo tối thiểu cho NCUT được trang cấp phương tiện nghe, nhìn, đọc để tiếp cận thông tin; được quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần theo phương châm “đúng - đủ - kịp thời”.

Có thể nói, sự cống hiến vô tư, trách nhiệm của đội ngũ NCUT trên địa bàn huyện Mường Nhé trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Vì vậy, họ cần được quan tâm đãi ngộ, được tạo điều kiện thực sự trở thành nhân tố quan trọng, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng các dân tộc.

Được biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã thiết kế một tiểu dự án trong đó có nhiệm vụ “biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của NCUT…”. Để NCUT huyện Mường Nhé nói riêng, toàn tỉnh nói chung, phát huy tối đa vị trí, vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự... thì chính quyền các cấp, ngành chức năng cần thực hiện có hiệu quả nội dung này cũng như các chế độ, chính sách liên quan.

Văn Tâm - Văn Quyết
Bình luận

Tin khác

Back To Top