Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Nghị quyết “thắp sáng” huyện nghèo (3)

16:48 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 2964 In bài viết

Bài 3: Đổi thay nhờ điện lưới quốc gia

ĐBP - 3 năm gần đây, liên tiếp các dự án đầu tư điện về các bản vùng cao huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Ngày đóng điện là ngày người dân vỡ òa cảm xúc vui mừng, phấn khởi. Có điện, cuộc sống bà con vùng cao Điện Biên Đông bước sang một trang mới, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bài 2: Bám bản, sát dân tạo sự đồng thuận

Bài 1: Giải bài toán nguồn vốn

Cô và trò điểm trường Mầm non Tồng Sớ gặp nhiều khó khăn trong dạy và học khi bản chưa có điện lưới quốc gia.

Đón Tết dưới ánh điện

Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là cái tết đặc biệt đối với người dân các bản vùng cao: Huổi Múa B, Huổi Hoa A1, Huổi Hoa A2 (xã Keo Lôm). Bởi sau nhiều năm chờ đợi, đây là Tết đầu tiên bà con được sử dụng điện lưới quốc gia.

Huổi Múa B, Huổi Hoa A1, Huổi Hoa A2 là 3 bản vùng cao, khó khăn nhất xã Keo Lôm, với tổng số hơn 100 hộ dân tộc Mông sinh sống rải rác tại các sườn núi đồi. Từ ngày định cư ở đây, bà con chỉ có đèn dầu thắp sáng. Vài năm gần đây, một số hộ có điều kiện đầu tư mua máy phát điện mini chạy bằng sức nước đặt ở suối gần bản hoặc lắp đặt pin năng lượng mặt trời nhưng nguồn điện chập chờn, thiếu ổn định, không đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đầu năm 2022, dự án đầu tư điện cho 3 bản chính thức khởi công xây dựng. Sau gần 1 năm thi công, tháng 12/2022, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, thỏa lòng mong ước có điện của người dân.

Ông Sùng A Thái, Trưởng bản Huổi Múa B cho biết: Càng ý nghĩa hơn khi công trình đóng điện đúng dịp Tết Nguyên đán 2023. Có điện cả bản được thắp sáng, nhiều nhà mua sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt phục vụ cuộc sống. Một số nhà còn mua trước cả tháng, sẵn sàng đón điện lưới.

Ông Sùng Đình Sào, người có uy tín bản Huổi Múa B chia sẻ: Tết năm 2023 là lần đầu tiên trong đời tôi được xem Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết trên tivi; xem bắn pháo hoa mừng năm mới ở các tỉnh. Thật là vui lắm!

Xã Keo Lôm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 30km, địa hình đồi núi hiểm trở, hạ tầng điện chưa được đầu tư đồng bộ; chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện nay, xã còn 2 bản: Xì Cơ và Háng Lia chưa có điện. Theo kế hoạch của UBND huyện Điện Biên Đông, năm 2024 các dự án điện sẽ được đầu tư về bản. Lộ trình đề ra, Tết Nguyên đán năm 2025, 120 hộ dân ở Xì Cơ và Háng Lia sẽ đón Tết dưới ánh điện lưới quốc gia.

Dự án điện sinh hoạt được kéo về điểm trường Mầm non Tồng Sớ (xã Pú Hồng).

Điện thay đổi cuộc sống

Sau hơn 40 năm sống trong cảnh đèn dầu, bếp củi, đầu tháng 3/2023, 50 hộ dân bản Pá Chuông - Pá Dên, xã Na Son chính thức được sử dụng điện lưới.

Ông Quàng Văn Thắm, bản Pá Chuông cho biết: Sau hơn nửa năm có điện, cuộc sống bà con trong bản thay đổi hẳn. Trước đây muốn xát gạo, bà con phải chở thóc xuống tận bản Na Phát cách bản gần 2km. Nay thì một số hộ trong bản đã đầu tư máy xay xát làm dịch vụ. Nhiều gia đình mua sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp điện… chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Những ngày này, người dân bản Tồng Sớ đang háo hức, hồi hộp đếm ngược từng ngày để được sử dụng điện lưới quốc gia. Bởi Dự án đường điện sinh hoạt xã Pú Hồng (bản Nậm Ma, Ao Cá, Mường Ten, Tồng Sớ) đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng. Cách trung tâm xã Pú Hồng khoảng 3km song chúng tôi phải mất gần 20 phút đi xe máy, vượt qua đoạn đường dốc ngược, gập ghềnh đá cuội mới đến được bản Tồng Sớ. Bản có 40 hộ dân đều là người dân tộc Mông. Từ đầu bản, những hàng cột điện thẳng tắp chạy dọc theo tuyến đường nội bản đã sẵn sàng chờ ngày đóng điện.

Chạy xe dọc tuyến đường bê tông nội bản, chúng tôi ghé thăm điểm trường mầm non Tồng Sớ. Điểm trường có 2 cô giáo và 29 học sinh. Cơ sở vật chất đã được đầu tư khá khang trang. Phòng học xây dựng kiên cố, được trang bị đầy đủ quạt trần và hệ thống bóng điện nhưng nhiều năm qua, cô và trò điểm trường Tồng Sớ vẫn phải chịu cảnh nóng mùa hè, tối mùa đông vì chưa có điện.  

Người dân bản Pá Chuông - Pá Dên (xã Na Son) phấn khởi khi được sử dụng điện lưới quốc gia sau nhiều năm chờ đợi.

Chị Vàng Thị Chía, giáo viên điểm trường mầm non Tồng Sớ cho biết: Quá nhiều khó khăn khi không có điện. Đối với học sinh, giờ ngủ trưa nắng nóng không có quạt; mùa đông trời tối không có bóng điện chiếu sáng. Với giáo viên, sau 1 ngày dạy học lại phải đi xe máy về điểm trường trung tâm cách 5km để soạn giáo án. Khi thấy đơn vị thi công về bản chôn cột, kéo dây điện, chúng tôi rất mừng. Càng vui mừng hơn vì trong tháng 10 này, bản Tồng Sớ sẽ được đóng điện. Có điện lưới sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại điểm trường Tồng Sớ.

Cạnh điểm trường mầm non, gia đình anh Thào A Só đang san nền chuẩn bị dựng nhà. Thông tin bản sắp có điện tác động rất lớn vào quyết định làm nhà của anh Só. Anh Thào A Só chia sẻ: Trước đây chưa có điện, để dựng căn nhà gỗ, người dân phải tốn nhiều tiền mua xăng về chạy cưa máy, máy bào, đục… Chi phí đi lại và mua xăng tốn cả chục triệu đồng. Nghe tin tháng 10 này bản được đóng điện, tôi đã quyết định san nền, vận chuyển gỗ về tập kết đợi đến khi có điện sẽ làm nhà mới. Điều kiện gia đình khó khăn, chi tiêu phải tính toán từng đồng. Tiền mua xăng chạy máy cưa sẽ giúp tôi đầu tư ngôi nhà khang trang hơn.

Còn gia đình anh Thào A Pó, bản Tồng Sớ nhiều năm làm dịch vụ xay xát phục vụ bà con trong bản bằng máy chạy động cơ dầu. Anh Pó cho biết: Chưa có điện làm việc gì cũng khó. Sắp tới, khi bản được đóng điện, tôi sẽ đầu tư máy chạy điện để năng suất hơn, phục vụ bà con tốt hơn.

Đến hết năm 2023, huyện Điện Biên Đông có 180/198 bản có điện, tăng 21 bản so với đầu nhiệm kỳ (đạt tỷ lệ 90,9%); số hộ sử dụng điện đạt 13.056 hộ/14.185 hộ (đạt 92,04%). Số bản còn lại chưa có điện, huyện Điện Biên Đông sẽ dồn lực tập trung đầu tư, phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 02 đề ra.

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Để giảm nghèo nhanh và bền vững thì cần phá bỏ 2 rào cản lớn đó là: Hệ thống giao thông và điện. Đảng bộ huyện Điện Biên Đông lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 xóa bản “trắng” về điện không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, mà từ đó, người dân thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; chính sách pháp luật Nhà nước, yên tâm định canh, định cư, ổn định và phát triển cuộc sống.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top