Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Giữ “trái tim” đại ngàn vững nhịp đập (3)

09:01 - Thứ Tư, 11/10/2023 Lượt xem: 2280 In bài viết

Bài 3: Thơm thảo tình rừng

ĐBP - “Yêu rừng, giữ rừng thì sau này con cháu không lo đói” - đó là tâm niệm của mỗi người dân nơi biên viễn Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Cứ thế, người và rừng nương tựa vào nhau, biết bao thế hệ người Chà Nưa được rừng che chở, nuôi dưỡng trưởng thành. Nhờ rừng mà cuộc sống người Thái, người Mông ngày càng ấm no, đủ đầy. 

Bài 2: Giữ sắc xanh núi rừng

 Bài 1: Khi ý Ðảng thuận lòng dân

Mô hình nuôi ong được người dân bản Nà Ín (xã Chà Nưa) phát triển dưới tán rừng. Ảnh: Sầm Phúc

Thoát nghèo từ rừng

Chạm đất bản Nà Ín (xã Chà Nưa) là thấy ngay rừng xanh tốt sát bên những ngôi nhà sàn. Ðón chúng tôi từ “cửa ngõ” con đường rừng, lão nông Lèng Văn Sím vui mừng bảo: “Nay tôi chuyển hẳn vào khu chăn nuôi ở khe Huổi Ngựa, phát triển kinh tế dưới tán rừng. May mắn được rừng bao bọc, ban cho nguồn nước, lâm sản phụ nên nuôi con gì, trồng cây gì cũng phát triển tốt lắm!”.

Sau hơn 10 phút đi xe máy, lắc lư theo con đường rừng ngoằn ngoèo, chúng tôi có mặt tại khu chăn nuôi của ông Sím. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm dưới khu rừng già, sum suê bóng mát. Rót mời chúng tôi chén nước suối rừng mát lạnh, ông Sím hồ hởi kể: Cả khu chăn nuôi này có diện tích hơn 5.000m2. Nhận thấy tiềm năng về phát triển mô hình VAC, nên từ năm 2020 tôi đã bắt tay vào gây dựng các khu riêng biệt để nuôi dê, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả (xoài, cam, bưởi). Ðược mẹ thiên nhiên, rừng già ban tặng nhiều loại cỏ, lá chuối… nên đàn dê, gà, cá có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, đậm chất dinh dưỡng, cứ thế lớn vù vù. Hiện ông Sím đã có hơn 30 con dê, hàng trăm con gia cầm các loại và 2.000m2 ao cá.

Chưa dừng lại ở đó, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các nguồn thu chăn nuôi đã giúp ông Sím có vốn chăm sóc các loại cây ăn quả, với tổng diện tích 3.000m2. Nâng niu từng quả xoài chuẩn bị cho thu hoạch, ông Sím tiếp lời: “Từ khi con đường tuần tra, bảo vệ rừng được mở đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi và các hộ chăn nuôi khác vận chuyển nông sản ra chợ xã, chợ huyện bán, giá thành cũng cao hơn. Mỗi năm từ mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng giúp nhà tôi có thu nhập ổn định trên 120 triệu đồng”.

Rời nhà ông Sím, chúng tôi về bản Nà Cang, tìm gặp lão nông Thùng Văn Phong, người tiên phong trồng sa nhân tím được coi là “cây xóa nghèo” dưới tán rừng. Dáng người cao đậm, vững như cây nghiến rừng, ông Phong phăm phăm dẫn chúng tôi ngược dốc đến thăm khu trồng sa nhân tím. Ông Phong nói: “Năm nay được mùa, được giá, nhà tôi thu được gần 5 tạ sa nhân tím, xuất bán với giá từ 60 - 65 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu gần 30 triệu đồng”. Với lợi thế về đất đai, nguồn nước từ rừng, năm 2020 ông Phong đã trồng gần 1ha cây sa nhân tím. Theo ông Phong: Cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Giữ rừng, rừng không phụ

Như một cơ duyên, trong lần tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Chà Nưa, tôi có dịp tái ngộ chàng trai “9X” Mùa A Chang, Trưởng bản Nậm Ðích. Ánh mắt chăm chú nhìn, Trưởng bản Chang bảo: “Phải nhìn, học thật kỹ từ việc tập hợp người dân, cách khoanh vùng, dập lửa… Bởi nếu có xảy ra cháy ở khu rừng mình chăm sóc thì còn biết cách mà dập tắt đám cháy, bảo vệ rừng”.

Hiểu được giá trị của rừng, nhất là từ khi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều hộ dân ở Nậm Ðích đã tự nguyện tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. “Hàng năm, khi được nhận tiền DVMTR, người dân ai cũng vui lắm!. Số tiền chia cho mỗi hộ tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên, giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn trang trải cuộc sống, mua sắm vật dụng cần thiết. Cảm ơn sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng” - anh Mùa A Chang chia sẻ thêm.

Năm 2022, xã Chà Nưa được chi trả hơn 5,3 tỷ đồng DVMTR. Hiệu quả từ chủ trương “lấy rừng để nuôi rừng” do chính sách chi trả DVMTR mang lại thực sự là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chuyển biến tích cực giúp người dân có thêm công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế; thêm gắn bó với rừng, giảm tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Xứng danh là ngọn cờ tiên phong

Từ đỉnh Pom Sút, phóng tầm mắt theo những cánh rừng đại ngàn, các bản người Thái trắng từ Nà Ín, Cấu, Nà Cang, Nà Sự... hiện ra đẹp như tranh vẽ, những thửa ruộng bậc thang xanh mát. Những nếp nhà sàn cổ kính, mái xanh, mái đỏ san sát tạo nên khung cảnh trù phú nơi biên viễn Tổ quốc. Không chỉ là xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2018 mà Chà Nưa còn là địa chỉ tiêu biểu trong tỉnh cán đích NTM sớm 2 năm so kế hoạch.

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa kiên định: “Bức tranh nông thôn biên giới no ấm, thanh bình ấy được tạo nên là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã”. Từ tỷ lệ hộ nghèo 53% - năm 2016, để vực dậy nền kinh tế, thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, Ðảng bộ, chính quyền xã Chà Nưa đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực, thay đổi phương thức sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì phải phù hợp với thực tiễn tiềm năng, đất đai, thổ nhưỡng địa phương; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế.

Ði qua những mùa nắng hạn, người dân các bản vùng thấp xã Chà Nưa hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của mạch nước từ những con suối, khu nước bắc nguồn từ rừng già đổ về. Những mạch nước nhỏ chảy về con suối Nậm Bai rồi tất cả dẫn về đập dâng và cung cấp nước cho hơn 241ha lúa hai vụ, hoa màu cho các cánh đồng. Trong khi các xã lân cận đang “oằn” mình chống hạn hoặc bỏ đất hoang hóa, thì nông dân ở đây vẫn sản xuất được lúa hai vụ, năng suất cao.

Từ nguồn nước tưới tiêu dồi dào, đất đai màu mỡ, Ðảng bộ xã đã phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, chung vai cùng nhân dân trong xây dựng các mô hình kinh tế “mẫu”, khởi xướng các dự án 0 đồng: Mô hình trồng bí xanh; trồng sa nhân tím dưới tán rừng; trồng cây ăn quả; xây dựng các khu chăn nuôi, sản xuất; dự án “1.200 cây hoa ban”; “mở đường nội đồng”... Bằng những nỗ lực, sự đoàn kết, tới nay xã Chà Nưa đã có 280 khu chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế dưới tán rừng; 42ha cây sa nhân tím, hơn 445ha cây sa nhân mọc tự nhiên; duy trì và phát triển khoảng 700 thùng ong... Ðể rồi hôm nay, các mô hình, dự án, nhất là mô hình kinh tế dưới tán rừng đã đem lại “luồng gió mới” không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn đưa Chà Nưa trở thành “điểm sáng” về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%, thu nhập bình quân đạt 34,1 triệu đồng/người/năm, 1 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đánh giá: “Dù là xã biên giới, có xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng lòng, bền tâm, vững chí của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Chà Nưa xứng danh là ngọn cờ tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM của huyện. Từ hiệu ứng Chà Nưa đã tiếp thêm động lực, khơi gợi ý chí quyết tâm để các xã trong huyện nỗ lực phấn đấu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân”.

Chia tay Chà Nưa, khi nắng chiều trải màu vàng nhạt trên những cánh rừng xanh biếc, lưu lại trong tôi là lời nói ấm áp và kiên định của Bí thư Khoàng Văn Van: “Có dân, có niềm tin của dân là có tất cả”. Ðể rồi không chỉ những con đường giữ rừng là mạch nguồn chảy mãi mà mỗi người dân, nếp nhà, cộng đồng dân cư nơi biên viễn Chà Nưa sẽ là “thành trì” vững chãi gìn giữ “trái tim” của đại ngàn cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vùng phên giậu cực Tây Tổ quốc.

Sầm Phúc - Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top