Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Về nơi Đảng mạnh, dân giàu (1)

17:49 - Thứ Năm, 12/10/2023 Lượt xem: 1758 In bài viết

ĐBP - Không chỉ là xã đầu tiên cán đích nông thôn mới (NTM) của Nậm Pồ, huyện nghèo khó bậc nhất của tỉnh Điện Biên, mà xã biên giới Chà Nưa còn tự hào khi là xã duy nhất cán đích NTM sớm hai năm. Với quyết tâm xây dựng Chà Nưa giàu mạnh, Đảng bộ, chính quyền xã đã luôn đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; huy động sức mạnh toàn dân trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án; phát triển mô hình sinh kế bền vững. Đặc biệt, là phát huy vai trò “hạt nhân” của tổ chức đảng, đảng viên “miệng nói, tay làm”, góp phần mang no ấm đến với mảnh đất biên cương cực Tây Tổ quốc. 

Tuyến đường nội đồng do Bí thư Khoàng Văn Van khởi xướng đã thu hút, tập hợp nhân dân các bản đoàn kết tham gia mở đường.

Bài 1: Người đứng đầu phải đi đầu

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm” -  đó là tâm niệm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van. Không chỉ đầu tàu gương mẫu, có trách nhiệm, sâu sát cơ sở, gần gũi với dân, lo cho nỗi lo của dân mà Bí thư Van còn là người “lĩnh ấn” tiên phong, truyền lửa, gieo niềm tin để bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, nỗ lực lao động sản xuất, làm giàu trên chính thửa ruộng, mảnh đất quê hương. 

Chủ trương đúng, trúng lòng dân

Dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến nhiệm sở UBND xã Chà Nưa vẫn không gặp được Bí thư Khoàng Văn Van. Đang loay hoay bấm điện thoại thì anh cán bộ văn phòng xã cất lời: “Anh tìm Bí thư Van thì phải ra ngoài quốc lộ 4H. Anh ấy đang cùng nhân dân chăm sóc hàng cây hoa ban”. Sau gần 10 phút cuốc bộ dọc tuyến quốc lộ, chúng tôi cũng gặp được Bí thư Van khi anh đang tất bật bổ tre, đan rọ bảo vệ cây hoa ban. Quần xắn đến gối, mồ hôi mướt mải, thoạt nhìn cứ nghĩ anh là “lão nông dân” thứ thiệt. 

Vừa đan rọ, vừa trò chuyện anh Van bảo: “Tranh thủ lúc chờ nhà báo, tôi ra đây vừa chỉ đạo, vừa làm cùng bà con cho vui. Hàng cây hoa ban này đã 6 năm tuổi rồi đấy! Đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng, khi chính quyền và nhân dân cùng “xắn tay” làm, người có chuyên môn, kỹ thuật chủ động lên rừng tìm hạt giống, cây con, còn bà con góp sức chuyển cây về trồng dọc tuyến quốc lộ và tất cả tuyến đường trong xã. Chỉ trong thời gian ngắn, với quyết tâm phủ xanh các tuyến đường, tạo điểm nhấn cho du lịch Chà Nưa, 1.200 cây hoa ban đã được trồng, giao cho nhân dân các bản tự chăm sóc, bảo vệ mà chính quyền địa phương không phải bỏ một đồng công”.

Người dân phát quang tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng.

Là người con dân tộc Thái được mảnh đất Ba Chà nuôi dưỡng trưởng thành, năm 2015 huyện Nậm Pồ có chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, khi ấy Bí thư Van đang là Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện đã luân chuyển về Chà Nưa với lời hứa “Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó; đồng hành, sát cánh cùng nhân dân đưa Chà Nưa thoát khỏi đói nghèo”. 

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, từ nỗi trăn trở “làm sao để dân thoát nghèo, an cư lạc nghiệp”, Bí thư Van đã cùng lãnh đạo xã cuốc bộ vượt suối, băng rừng, đến những nơi thâm sơn cùng cốc để tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh đất đai, khí hậu địa phương; gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín và bà con. Sau những chuyến thâm nhập cơ sở, Bí thư Van đã đúc kết được kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, mở hướng thoát nghèo cho nhân dân. 

Theo Bí thư Van: Muốn xóa được cái đói, cái nghèo, không có cách nào khác là phải làm để dân tin, mà muốn dân tin thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần “miệng nói tay làm”, tiên phong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sinh kế mẫu để nhân dân học tập và làm theo. Chú trọng phát huy vai trò “cánh tay” nối dài của đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín trong công tác tuyên truyền, khơi gợi ý chí, quyết tâm thoát nghèo của nhân dân. 

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền Chà Nưa đoàn kết, đồng lòng phát huy nội lực, tận dụng hiệu quả tiềm năng thế mạnh, đề ra những chủ trương đúng - trúng lòng dân; đồng thời phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng thôn bản sáng - xanh - sạch - đẹp. Với cách làm sáng tạo, hiệu quả và những chủ trương đúng - trúng lòng dân, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Chà Nưa chỉ còn 11,41% (giảm hơn 40% trong vòng hai năm); đến nay 100% hộ là đảng viên đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Thành tựu đó không chỉ đem lại sự phấn khởi, tự hào cho chính người dân Chà Nưa mà còn là niềm tự hào chung của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ. Bởi từ khi huyện thành lập tới nay, chưa xã nào có bước chuyển mình về kinh tế “ấn tượng” như Chà Nưa. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng tham quan mô hình bản du lịch cộng đồng Nà Sự.

Trao niềm tin bằng hành động

Trong chuyến công tác chúng tôi được tới thăm khu chăn nuôi của Bí thư Khoàng Văn Van và được anh chia sẻ: “Khu chăn nuôi này tôi triển khai từ năm 2019, khi ấy nhiều người bảo đây là quyết định khá liều lĩnh, bởi chi phí giống cao, chưa rõ kỹ thuật chăm sóc ra sao? Liệu có đầu ra không?”. 

Nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, nỗi niềm day dứt có được mô hình kinh tế mẫu để nhân dân học và làm theo, anh Van vẫn liều làm… Ngoài tận dụng nguồn thức ăn sạch từ tự nhiên, Bí thư Van tìm đọc thêm sách về kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn chăn nuôi, áp dụng vào chính mô hình nhà mình. Đặc biệt, anh đã cất công lặn lội sang nhiều địa phương khác “nằm vùng” để học hỏi kinh nghiệm quý báu từ những mô hình thành công. Bằng sự nỗ lực, gương mẫu đi đầu, tới nay Bí thư Van đã xây dựng thành công mô hình VAC dưới tán rừng với khu chăn nuôi rộng cả héc ta, 40 con dê, hàng chục con lợn lai rừng và các loại gia cầm, đào ao thả cá mang lại nguồn thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng.

Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Khoàng Văn Van và tập thể cấp ủy, chính quyền xã, hiện nay xã Chà Nưa đã xây dựng thành công 280 khu chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế dưới tán rừng; hơn 120 lò đốt rác sinh hoạt; trồng 1.200 cây hoa ban; 15km đường nội đồng (3,7km được bê tông hóa); gần 50km tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng…

“Mình thấy mô hình chăn nuôi của Bí thư Van rất hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên mình học hỏi làm theo. Được Bí thư Van hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo đất đai nên khu chăn nuôi nhà mình phát triển tốt lắm, nguồn thu năm sau cao hơn năm trước” - ông Tao Văn Sen, bản Cấu chia sẻ.

Về Chà Nưa hôm nay, nhiều người dân gọi Bí thư Khoàng Văn Van với cái tên thân thuộc, chủ nhân của những “dự án 0 đồng”. Bởi từ ý tưởng, khởi xướng của Bí thư Van và tấm lòng tận tâm, cống hiến của anh đã là mạch nguồn tập hợp sự đoàn kết, đồng lòng, góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều “dự án 0 đồng” đã được triển khai: Dự án đường tuần tra, bảo vệ rừng; đường nội đồng; làm lò đốt rác thải sinh hoạt; trồng cây hoa ban… Những dự án này góp phần mang lại nguồn “sinh khí” mới, mở ra cánh cửa để nhân dân Chà Nưa thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no ấm, đủ đầy, trở thành điểm sáng về xây dựng NTM nơi biên viễn.

Bằng những cống hiến, hết lòng phụng sự nhân dân và sự đổi thay của thôn bản nơi biên viễn, dấu ấn của Bí thư Khoàng Văn Van đã in sâu đậm trong mỗi nếp nhà, con đường, công trình… ở Chà Nưa. Bí thư Van xứng đáng là “ngọn đuốc” thắp sáng niềm tin yêu của nhân dân nơi biên viễn với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.

Bài 2: Khi đảng viên tiên phong làm việc khó

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top