Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Khi đảng viên “gánh” hộ nghèo (3)

18:17 - Thứ Sáu, 13/10/2023 Lượt xem: 2310 In bài viết

Bài 3: “Chìa khóa” xóa nghèo bền vững

“Mặc dù đã có rất nhiều chuyển biến, song huyện Điện Biên vẫn còn những “vùng lõm” mà công tác xóa đói giảm nghèo đang khó tiếp cận. Lúc này, vai trò của tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở càng cần phải được phát huy. Chỉ có phân công nhiệm vụ cụ thể thì mới gắn được trách nhiệm, đảng viên mới thật sự coi việc dân, việc bản như việc của nhà mình!” - Bí thư Huyện uỷ Cao Thị Tuyết Lan chia sẻ về khởi nguồn của Kế hoạch số 40…

Bài 2: Chuyện lạ ở bản “siêu nghèo”

Bài 1: Những người “dẫn đường” ở Pom Mỏ Thổ 

Đưa tổ chức đảng, đảng viên về gần dân

Công tác xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội. Trên địa bàn huyện Điện Biên, những năm qua công tác này luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng. Theo thống kê, đến năm 2020 số hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 10,7% so với 12,6% năm 2019; hộ cận nghèo còn 10,35% so với 13% năm 2019. Tuy nhiên, so với tổng dân số thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vẫn khá cao, đặc biệt là tại các xã biên giới, khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Xuất phát từ thực tiễn và dựa trên Hướng dẫn số 05-HD/BTCTU, ngày 4/9/2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, tháng 9/2021 Huyện ủy Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 40-KH/HU về việc phân công tổ chức đảng và đảng viên giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong toàn huyện năm 2021 và những năm tiếp theo (Kế hoạch 40). Theo đó, các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện được phân công giúp đỡ 1 xã, mỗi đảng viên chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ xã giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên trao quà cho hộ nghèo xã Thanh Yên.

Kế hoạch 40 cũng chỉ rõ trách nhiệm, đồng thời hướng đến mục tiêu cụ thể cho từng tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện. Rất nhiều mục tiêu, yêu cầu đặt ra, song bản chất là đưa tổ chức đảng, đảng viên đến gần dân hơn. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế và sự quan tâm của Đảng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Với sự chỉ đạo đồng bộ và ý nghĩa thiết thực của Kế hoạch 40, mỗi chi, đảng bộ trực thuộc lại có cách làm sáng tạo dựa trên nhiệm vụ và tiềm lực thực tế. Chi bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng LĐ-TBXH, Trung tâm giáo dục, nghề nghiệp thường xuyên phối hợp với cấp ủy các xã về tận bản mở lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh; triển khai mô hình sản xuất mới… Một số chi bộ đã huy động nguồn lực lớn về tiền, hiện vật từ đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo như: Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân, Văn phòng Huyện ủy, Tòa án nhân dân, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Dân vận – Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đảng bộ Công an huyện...

Lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho người dân bản Công Binh do Chi bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên phối hợp cùng Đảng ủy xã Hẹ Muông tổ chức.

Bà Lường Thị Chính, Bí thư Đảng ủy xã Hẹ Muông, cho biết: Từ khi triển khai Kế hoạch 40, hiếm có ngày nào đảng viên của xã có mặt đầy đủ tại trụ sở. Phần lớn thời gian của họ đều gắn liền với từng thôn, bản, hộ nghèo. Hôm thì thăm hỏi, nắm tình hình; lần khác lại động viên, chia sẻ khi ốm đau, công việc nhà. Có đợt, đảng viên gần như thường trực ở bản để phối hợp tập huấn, hướng dẫn bà con các mô hình sản xuất hoặc giúp làm nhà, làm chuồng trại chăn nuôi.

Kết quả tích cực

Theo Kế hoạch 40, Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện được phân công phụ trách giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thuộc 2 xã: Na Tông, Phu Luông. Từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023, Chi bộ đã ủng hộ và kết nối được gần 800 triệu đồng. Nhờ nguồn hỗ trợ này, nhiều học sinh nghèo vượt khó ở 2 xã được “tiếp sức” bằng những phần học bổng giá trị; các điểm trường khó khăn được xây dựng, sửa chữa; hộ nghèo, cận nghèo được trao “cần câu” để vươn lên.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hoa, Bí thư Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Điện Biên cho biết: Trước đây chi bộ vẫn xác định trách nhiệm và quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, song kết quả chưa cụ thể, rõ nét. Với Kế hoạch phân công lần này, mọi cán bộ, đảng viên trong đơn vị đều phát huy vai trò của mình. Chính vì vậy, đã làm tốt công tác vận động, kết nối hỗ trợ hộ nghèo.

Bà Lường Thị Chính, Bí thư Đảng ủy xã Hẹ Muông cùng đảng viên được phân công phụ trách và Trưởng bản Công Binh họp bàn giải pháp hỗ trợ hộ nghèo.

Đối với Đảng bộ xã Na Tông, qua 2 năm triển khai kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11,9% xuống còn 9,2%. Đây cũng là con số đáng ghi nhận với một địa bàn vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn. Tổ chức đảng, đảng viên đã thể hiện rõ nét vai trò trong công tác xóa đói giảm nghèo. Từ đó cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc đã có chuyển biến theo hướng năng động, thực chất hơn.

“Đặc biệt, thông qua các cuộc gặp gỡ, hướng dẫn, động viên thường xuyên, liên tục của đảng viên đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi căn bản về tư duy, ý thức thoát nghèo. Từ đó, tạo động lực tự vươn lên thoát nghèo!” - ông Lò Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Na Tông khẳng định.

Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Cao Thị Tuyết Lan: Do là huyện biên giới, địa bàn rộng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố nguy cơ mất ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các nhiệm vụ của huyện. Khi triển khai Kế hoạch 40, một số địa bàn phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy chính quyền cơ sở; nhận thức người dân không đồng đều… Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện biên giới Điện Biên đã tìm được “chìa khóa” trong hành trình xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tính từ tháng 9/2021 - 12/2022, huyện Điện Biên giảm được 238 hộ nghèo và 256 hộ cận nghèo. Từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 10,63% (năm 2021) xuống còn 9,57% (năm 2022); hộ cận nghèo giảm từ 10,33% (năm 2021) xuống còn 9,20% (năm 2022). Một số xã chuyển biến rõ rệt, như: Noong Hẹt, Thanh Nưa, Hua Thanh, Thanh Chăn, Hẹ Muông, Phu Luông.

 

Hà Linh - Lan Phương
Bình luận
Back To Top