Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

“Thắp lửa” nơi cực Tây Tổ quốc (3)

13:32 - Thứ Bảy, 14/10/2023 Lượt xem: 3257 In bài viết

Kỳ III: “Trái ngọt” trên dải đất cực Tây

ĐBP - Hơn một thập kỷ hiện hữu trên những vùng đất khó, Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP” đã để lại nhiều trái ngọt đánh dấu sự “lột xác” ngoạn mục của các xã, bản thuộc vùng dự án. Không những đem đến luồng “sinh khí mới” làm thay đổi diện mạo NTM, cuộc sống đồng bào DTTS ấm no mà các TTTTN còn trở thành những “hạt giống đỏ” tạo nguồn kế cận chất lượng cho các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Kỳ II: Khát khao cống hiến sức trẻ

Kỳ I: Chủ trương đúng - ấm lòng biên cương

Cán bộ Đội SX và XDCSCT số 7 và đội ngũ TTTTN hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây mít thái.

Thoát nghèo từ mô hình “Bộ đội cụ Hồ”

Sớm tinh mơ, khi các bản vùng cao vẫn còn chìm trong sương mù, TTTTN Lò Thị Hà - người con Thái trắng của mảnh đất biên cương Mường Nhé, Đội SX và XDCSCT số 2 (Đoàn KT-QP 379) đã lỉnh kỉnh đồ đạc, chuẩn bị sẵn hành trang để về với bà con. Chuyến hành trình lần này, điểm đến của Hà là gia đình anh Tao Văn Son, bản Cấu (xã Chà Nưa). Đây là gia đình tiêu biểu, nhờ được cán bộ chiến sĩ Đoàn 379 và đội ngũ TTTTN “cầm tay chỉ việc” mà đã trở thành tấm gương điển hình làm ăn giỏi ở xã vùng biên này.

Trong bộ đồ bảo hộ, Hà tâm sự: “Em vào đây có nhiệm vụ luyện cho những chú lợn vận động, thể dục để thịt thơm ngon. Hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ người dân cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo, tiêm thuốc thú y định kỳ. Chuẩn bị bước vào mùa đông, thời tiết vùng biên giới diễn biến phức tạp, có lúc lạnh 3 - 40C nên em cùng người dân gia cố lại chuồng, che chắn cẩn thận”.

“Nhờ có Bộ đội cụ Hồ và các bạn TTTTN hướng dẫn tận tình, chu đáo về kỹ thuật chăn nuôi mà tôi đã thay đổi được cách làm ăn, biết nuôi con lợn, con gà, cá theo khoa học, sản xuất hàng hóa. Hiện nhà tôi có 250m2 chuồng với 60 con lợn thịt; 3.000m2 ao cá. Từ chỗ làm không đủ ăn, nay đã dôi dư, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Vừa rồi, nhà tôi đã bán được một đàn lợn thịt, cá các loại, giắt lưng hơn 300 triệu đồng” - anh Tao Văn Son phấn khởi chia sẻ.

Những bước chân không mỏi mệt của đội viên TTTTN trên hành trình mang no ấm đến vùng cao, biên giới.

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các TTTTN đã cần mẫn, không ngại gian lao, vất vả cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 “3 bám, 4 cùng” với nhân dân. Đa số đội viên là đồng bào các DTTS, hiểu được phong tục tập quán, được nhân dân quý mến nên các đội viên đã tỏa về các xã, bản, đẩy mạnh việc tuyền truyền, “đánh thức” vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, bằng kiến thức đã học xây dựng các mô hình sinh kế mới, như: Mô hình vườn, ao, chuồng, rừng; mô hình chăn nuôi bò sinh sản; chăn nuôi lợn bản địa; mô hình vườn giàn, trồng bầu bí… Khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, phá thế “độc canh”, “thuần nông”. 

 Với quyết tâm đổi thay những mảnh đất cằn khô, giai đoạn 2010 đến nay, các Đội SX và XDCSCT đã cùng với đội viên TTTTN hướng dẫn bà con vùng dự án chuyển đối 3,5ha đất trồng ngô sang trồng lúa; khai hoang 9,5ha đất; hướng dẫn và giúp cho 850 hộ dân đưa giống ngô, lúa cao sản vào sản xuất; 190 hộ gia đình thực hiện mô hình VACR. Trên 90% hộ gia đình biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi...

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP” là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Từ các hoạt động tình nguyện của các Đội SX và XDCSCT và đội viên TTTTN nhiều bản làng nghèo khó ở huyện Nậm Pồ đang từng ngày khởi sắc, no ấm, đủ đầy hơn. Những bàn tay khối óc của các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình nông thôn, mở đường, xây trường… củng cố quốc phòng - an ninh, tạo nên vành đai biên giới vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể thấy rằng, phát huy tinh thần xung kích, hơn “một thập kỷ” có mặt tại vùng biên giới, các đội viên TTTTN vẫn ngày đêm miệt mài, mang tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ để giúp đỡ hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc vùng biên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nơi cực Tây Tổ quốc.

TTTTN được nhân dân tin tưởng, quý mến.

Gieo “hạt giống đỏ” nơi cực Tây

Như một cơ duyên, trong chuyến công tác về xã Nà Hỳ, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với chàng trai trẻ thế hệ “8X” Nguyễn Phú Thiết - người con quê hương Điện Biên, trưởng thành từ Dự án 174. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Thiết đã giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) được 3 năm. Nhớ lại những ngày cống hiến sức trẻ nơi biên thùy, anh Thiết bồi hồi kể: “Sau khi hoàn thành huấn luyện, tôi được phân công về Đội sản xuất số 8 đóng chân tại xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Nơi chúng tôi đến dù còn thiếu thốn đủ bề, nhưng đội viên TTTTN vẫn luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, trèo đèo lội suối đến những bản mường xa xôi khi thì trong vai trò là thầy, cô giáo, có lúc lại là những tuyên truyền viên, những chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Ngắm nhìn sự đổi thay trên quê hương, cuộc sống của đồng bào vơi bớt nhọc nhằn, trẻ em được cắp sách đến trường, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy ấm lòng hơn”.  

TTTTN giúp dân gặt lúa, thu hoạch mùa vụ.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TTTTN, khi huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở chia tách một số xã của huyện Mường Chà và Mường Nhé, chàng trai trẻ Nguyễn Phú Thiết được tuyển dụng vào làm tại Phòng Dân tộc huyện Nậm Pồ; rồi lần lượt đảm đương các chức vụ  Phó phòng Tài chính; Chủ tịch xã Nà Hỳ. Chủ tịch Thiết tâm sự: Mỗi lần xuống bản về là một lần khiến tôi trăn trở: “Phải làm gì để giúp bà con có thể thoát nghèo?”. Là người lãnh đạo trẻ, khi đứng trước cái đói nghèo của bà con nhân dân, cảm thấy bản thân có trách nhiệm. Bởi vậy ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Thiết đã cùng cấp ủy, chính quyền đoàn kết, đồng lòng phát huy nội lực, tận dụng hiệu quả tiềm năng thế mạnh, đề ra những chủ trương đúng - trúng lòng dân. Đồng thời, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi để chuyển hướng sản xuất từ thuần nông sang kết hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi để tăng thu nhập. Tới nay, với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉ lệ hộ nghèo xã Nà Hỳ giảm còn 37,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, xã đã cán đích 16/19 tiêu chí về xây dựng NTM… Những thành quả đó, có đóng góp không nhỏ của người Chủ tịch xã đầy nhiệt huyết, năng động Nguyễn Phú Thiết.

Nhớ lại ngày cầm trên tay Quyết định kết nạp đảng, trí thức trẻ Lường Thị Diên, Đội SX và XDCSCT số 1 vẫn không khỏi bồi hồi và cảm thấy vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xúc động chia sẻ, đảng viên trẻ Lường Thị Diên cất lời: “Môi trường công tác đòi hỏi các đội viên TTTTN phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, nhất là “thân gái dặm trường” như bọn em. Nhưng được tôi luyện trong mình “chất lính” nên bọn em có đủ can đảm để vượt qua mọi thử thách. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với em là ngày được kết nạp Đảng, đặc biệt là giây phút đứng dưới cờ Đảng đọc lời tuyên thệ. Lúc đó, em rất hồi hộp và nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm của bản thân. Em hiểu, đối với đảng viên, ngoài trình độ lý luận chính trị, còn là người tiên phong trên mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống”.

Đại tá Nguyễn Văn Huân, Chính ủy Đoàn KT-QP 379 chia sẻ: Mỗi đội viên TTTTN sau khi được rèn luyện, thử thách trong môi trường Quân đội đã trưởng thành hơn, chững chạc hơn và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương các đội viên TTTTN tiếp tục phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Đặc biệt, từ vốn kiến thức, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn cơ sở, họ đã trở thành những “hạt giống đỏ” kế cận có chất lượng cao cho các địa phương, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương vùng Tây Bắc Tổ quốc ngày càng ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, đơn vị tiếp nhận, quản lý 6 đợt với hơn 270 đội viên TTTTN về công tác tại các đội sản xuất. Trong đó, 95 đội viên ưu tú vinh dự được kết nạp Đảng, 73 đội viên xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; 5 đội viên được tuyển dụng vào phục vụ lâu dài trong quân đội.

Khép lại chặng hành trình đến với cán bộ các Đội SX và XDCSCT, đội viên TTTTN và nhân dân các dân tộc vùng cao, đọng lại trong mỗi chúng tôi là hình ảnh bản mường bừng sáng ánh điện, cánh đồng vàng óng, những nếp nhà mới bên đường vành đai biên giới, tiếng máy xay xát, máy cày vang vọng khắp đại ngàn... Thành quả đó có được đều mang “dấu ấn” của đội viên TTTTN đã và đang sống, cống hiến đem trí tuệ và tuổi trẻ góp sức xây dựng bản mường trên dải biên cương cực Tây Tổ quốc ngày càng to đẹp, phát triển bền vững./.

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top