Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng
Bài 4: Ý Đảng hợp lòng dân
ĐBP - Chỉ hơn 2 tháng sau khi đồng loạt khởi công làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, từ bản làng vùng thấp đến những nơi “thâm sơn cùng cốc”, xa xôi cách trở trên khắp mảnh đất Điện Biên “mọc” lên biết bao ngôi nhà mới, vững chãi. Những mái nhà bừng sáng cả miền núi cao heo hút, không chỉ tiếp thêm ý chí phấn đấu, động lực vươn lên thoát nghèo cho đồng bào, mà còn là minh chứng về tình đoàn kết “keo sơn” giữa các dân tộc, làm khăng khít thêm ý Đảng - lòng dân.
Bài 3: Trong cái khó “ló” cái hay
Bài 1: Nghĩa tình cả nước - Ấm lòng đồng bào nghèo Ðiện Biên
Hạnh phúc dưới mái nhà
Từ ngôi nhà sàn cũ xiêu vẹo, mưa gió phải đi trú nhờ, giờ đây gia đình ông Lò Văn Quân, bản Nôm, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo yên tâm quây quần trong ngôi nhà ấm cúng, khang trang. Nếu không có Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), thì mái ấm ấy vẫn chỉ là ước mơ khó chạm tới đối với gia đình ông.
Vợ chồng ông Quân năm nay đã 60 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình riêng của các con khó khăn nên ông bà cáng đáng nuôi 2 cháu ngoại từ nhỏ. Hiện 1 cháu học lớp 2, 1 cháu lớp 3. Mọi việc chăm sóc, dạy dỗ, chi phí học tập, lo liệu lúc ốm đau đều do ông bà gồng gánh. Để nuôi cháu, dù sức khỏe kém, hàng ngày ông bà vẫn cặm cụi trên nương, dưới ruộng, rồi lên rừng lấy măng, nhặt củi đem đi bán. Ngày 23/7, được hỗ trợ từ Đề án, gia đình ông khởi công dựng nhà. Sau đúng 2 tháng, ngày 23/9, vợ chồng ông Quân chuyển vào ở ngôi nhà sàn mới trong sự chúc mừng của bà con dân bản.
Ông Quân chia sẻ: “Cả đời tôi không dám mơ có được ngôi nhà như này. Khi xã thông báo gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà đại đoàn kết, tôi mừng không nói nên lời. Người dân trong bản đến giúp dỡ nhà cũ. Tôi mạnh dạn vay mượn thêm người thân và Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thiện nhà, láng bê tông gầm sàn, sân sạch sẽ, bắn mái tôn trước cửa rộng một chút có chỗ để ngô, lúa... tổng chi phí hết gần 90 triệu đồng. Bây giờ thì yên tâm lúc mưa gió, chỉ tập trung kiếm tiền trả nợ và nuôi 2 cháu nên người, mong cho chúng sau này không khổ như ông bà”.
Xã Chiềng Đông có 54 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết theo Đề án. Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chiềng Đông còn 46,2% hộ nghèo, còn nhiều nhà ở chưa kiên cố, an toàn. Mỗi hộ dân được hỗ trợ đợt này có một hoàn cảnh riêng, nhưng đều là những gia đình đặc biệt khó khăn, những mảnh đời không may mắn, cơ cực, neo đơn hay nạn nhân của tệ nạn xã hội... Được hỗ trợ làm nhà ở, họ có điều kiện ổn định cuộc sống, nhiều hộ thể hiện quyết tâm, cam kết vươn lên, sớm thoát nghèo. Dự kiến cuối năm nay xã có thể giảm 7 - 8% hộ nghèo, một phần lớn nhờ vào chương trình làm nhà đại đoàn kết”.
Có nhà kiên cố, mỗi gia đình thêm động lực cố gắng vươn lên; mỗi xã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; toàn huyện sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển. Ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo thông tin: Với 705 ngôi nhà đại đoàn kết, cùng các chế độ, chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, vùng cao Tuần Giáo sẽ đổi thay nhiều. Tuần Giáo phấn đấu đến hết năm 2024 thoát nghèo, không còn nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước, “về đích” trước kế hoạch (năm 2025) như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Lòng dân chung nhịp ý Đảng
Đối tượng thụ hưởng Đề án làm nhà đại đoàn kết là hộ nghèo, cận nghèo, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Trong 5.000 gia đình khó khăn được hỗ trợ nhà ở dịp này, chiếm phần không nhỏ là đồng bào tôn giáo, có nhiều hộ dân từng theo tà đạo, hộ di dịch cư tự do... Tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà hiện có 6 bản có đồng bào theo đạo. Triển khai Đề án làm nhà đại đoàn kết, tất cả các bản đều có hộ dân được hỗ trợ làm nhà; trong đó, hơn 20 hộ dân là đồng bào theo đạo và cả những trường hợp đã từng đi theo tà đạo, như gia đình ông Vừ Nhìa Dia, bản Huổi Meo.
Đường đến với trung tâm bản Huổi Meo là những dốc cao liên tục, tay lái luôn phải giữ ở chế độ vít ga đi lên; tiếp tục tới nhà ông Dia ở nhóm 2 của bản lại không dám nhả phanh xe, do dốc xuống thung sâu. Nơi đây không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại. Có lẽ bởi vậy mà từ năm 1992 di cư đến Mường Mươn, năm 2003 định cư tại Huổi Meo nhưng gia đình ông Dia vẫn nghèo khó. Mong muốn có cuộc sống tốt hơn, năm 2018, gia đình ông Dia cùng 18 hộ dân trong bản nhẹ dạ cả tin, bị xúi giục theo tà đạo “Giê sùa”, nhưng rồi sớm vỡ mộng. Đến năm 2019, các hộ cùng bỏ tà đạo, trở về với tôn giáo chính thống. Hiện gia đình ông Dia đang theo Cơ đốc giáo.
Đã 65 tuổi, ông Vừ Nhìa Dia cùng vợ con vẫn sống trong ngôi gà gỗ ghép tạm, mái gianh lụp xụp. Nhưng đấy chỉ là hình ảnh của hơn 1 tháng trước, còn hôm nay, ông Dia rạng rỡ đón chúng tôi trong ngôi nhà mới 3 gian, khung sắt, tường quây tôn, mái tôn lạnh chống nóng, hiên nhà rộng láng xi măng và có mái che. Ông Dia giãi bày: “Trước mình không hiểu thì theo tà đạo, bây giờ hiểu rồi chỉ nghe và tin Đảng, Nhà nước. Đảng, Nhà nước giúp sức mình nhiều. Nhà này được hỗ trợ 50 triệu, mình chỉ vay mượn thêm 8,5 triệu đồng, bà con giúp dỡ nhà, san nền, thợ đến làm mấy ngày là xong”. Rồi ông chỉ tay đống gỗ trước nhà, nói thêm: “Nhà tôi tích góp mấy năm được gần 20 đoạn gỗ, dự định để sau này có điều kiện thì sửa hoặc làm nhà mới, nhưng còn nuôi con (16 tuổi) và cháu (14 tuổi) ăn học, nương thì ít thóc, có năm chuột phá mất mùa, thiếu ăn, nên không biết bao giờ mới tự dựng được nhà”.
Hầu hết người dân Huổi Meo theo đạo. Cùng với nhà ông Dia, diện mạo Huổi Meo giờ đây đổi thay hẳn, bởi những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ, “3 cứng” vừa mới hoàn thành. Cả bản có 14/15 nhà được hỗ trợ theo Đề án làm nhà đại đoàn kết đã dựng xong, còn 1 nhà chuẩn bị khởi công. Ông Hờ A Của, Bí thư Chi bộ bản chung niềm vui với các hộ dân, chia sẻ: “Bà con khó khăn quá, mơ ước ngôi nhà từ lâu, nay đã thành hiện thực. Năm nay Huổi Meo chắc sẽ ăn tết vui hơn mọi năm. Người dân ổn định, chăm lo cho cuộc sống, một lòng theo Đảng và xây dựng quê hương”.
Còn tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, trong tổng số 38 nhà được thụ hưởng theo chương trình thì có tới 29 hộ theo đạo. Chủ tịch UBND xã Vàng A Thính cho hay, với đề án lần này sẽ cơ bản xóa nhà dột nát cho đồng bào địa phương. Mặc dù quá trình bình xét có nhiều vướng mắc, một số hộ dân bày tỏ sự hoài nghi, song khi chứng kiến những ngôi nhà đầu tiên thành hình, bà con đã phấn khởi hơn. “Có nhà rồi, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các mô hình mới vào triển khai để nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đồng bào có cơm no, áo ấm, nhà ở kiên cố thì chẳng lý do gì để đi tìm “miền đất hứa” nữa”, ông Thính bộc bạch.
Còn theo nhận định của ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông những ngôi nhà đại đoàn kết như “động lực tiến công” trong công tác tuyên truyền. Người dân không chỉ thêm động lực, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm để vươn lên mà hiểu và trân trọng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mình, thêm tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó không dễ bị dụ dỗ, lợi dụng, lôi kéo làm việc xấu, đi theo kẻ xấu, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, cộng đồng.Món quà thiết thực, nhân văn của cả nước đang được Điện Biên trân trọng bằng những minh chứng thiết thực. Mỗi mái nhà dựng nên bằng tinh thần đoàn kết, không chỉ hiện thức hóa “mơ ước” an cư, lạc nghiệp của đồng bào nghèo, góp phần vào thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 16% năm 2025, như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Mà hơn hết còn đặt thêm những “viên gạch” vững chắc cho khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó cùng nhau nỗ lực hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương, mở ra tương lai mới cho một biên cương cực Tây luôn vững chãi như đúng ý nghĩa gửi gắm trong tên gọi “Điện Biên”./.