Chính trịXây dựng Đảng

Sinh hoạt tư tưởng

Ðổ thừa hoàn cảnh

09:21 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 2270 In bài viết

ĐBP - Con trai ông Bình sau buổi đi cà phê cuối tuần với bạn bè về chia sẻ với bố rằng, về muộn vì càng trao đổi, chuyện trò với bạn, càng thấy chủ đề rộng hơn, sát hơn với mọi người. Ông Bình hỏi:

- Chủ đề gì mà có vẻ hấp dẫn thế?

- Xuất phát chỉ từ một chia sẻ của cậu bạn. Cậu ấy nói rằng, hôm trước xem truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phiên họp thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả... nói chung là với vai trò cử tri cậu ấy rất hài lòng. Một chi tiết cậu ấy nêu ra, và nó trở thành chủ đề bàn luận của nhóm bạn là, một đại biểu đã phản biện khi có báo cáo giải trình sa đà, lấy điều kiện hoàn cảnh thực tế làm lí do, nguyên nhân biện minh cho việc chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phản biện này, làm cho cậu ấy liên tưởng đến thực tế nơi sinh sống, công tác của mình cũng có không ít; biểu hiện ở không chỉ trong báo cáo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tập thể mà còn ở cả cung cách làm việc, của cá nhân một số cán bộ, đảng viên.

Như gặp đúng suy nghĩ bấy lâu, có bạn phân tích luôn rằng:

- Ví dụ như, không ít dự án, đề tài, kế hoạch... phần bối cảnh thực tế, lý do lựa chọn nêu ra để thuyết trình phê duyệt triển khai đầu tư và nguyên nhân kết quả khi kết thúc chưa đạt mục tiêu có phần na ná nhau. Nhiều khi đọc xong, muốn hỏi ông làm báo cáo, giả sử không xuất phát từ thực tế khó khăn, thiếu thốn, yếu kém, xa xôi... thì liệu dự án, đề tài, kế hoạch... gì gì đó, có được xem xét đầu tư tiền của hay không?

Thực tế là, nhiệm vụ nào cũng đều xuất phát từ sự cấp thiết cần thay đổi, nâng cấp, tiến bộ và luôn có những yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau tác động, ảnh hưởng đến kết quả. Không thể cầu toàn, đòi hỏi mọi dự án, đề tài, kế hoạch, chương trình, mục tiêu... đều hoàn thành tốt cả. Nhưng nếu thiếu nỗ lực, thiếu sự năng động, quyết liệt thực hiện, dẫn đến kết quả nhiệm vụ chưa cao, chưa đảm bảo; rồi tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện khách quan là không thể chấp nhận được. Ðây cũng là một trong những biểu hiện của sa sút về lí tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Với cán bộ đảng viên, thiếu tinh thần trách nhiệm, đổ lỗi hoàn cảnh càng nguy hiểm hơn, khi nó góp phần kéo lùi sự nhiệt tình, tiến bộ của tập thể, suy giảm tinh thần tiền phong gương mẫu của đảng viên, sức mạnh của tổ chức Ðảng...

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top