Chính trịXây dựng Đảng

Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán

09:57 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 3088 In bài viết

Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu cấp thiết đặt ra từ thực tế công tác đấu tranh trong lĩnh vực này thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 22/11/2023 tại Hà Nội.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QÐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là một bước tiếp tục hoàn thiện thể chế; đồng bộ các quy định của Ðảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Quy định số 131-QÐ/TW sớm đi vào cuộc sống sẽ góp phần tất yếu để “thanh bảo kiếm” thật sự sắc bén trong thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật vừa là chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo của Ðảng, được trao quyền hạn nhất định trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Hoạt động thanh tra, kiểm toán được quy định trong Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán nhà nước, với chức năng xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công...

Nguyên tắc chung và căn bản nhất cho hoạt động của các cơ quan này là tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Quyền lực, trách nhiệm được giao nhằm bảo vệ kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chỉ ra một thực tế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ngay trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, nhạy cảm của nhiều vụ việc và những điều kiện khách quan nên những người được giao quyền lực, nhiệm vụ trong các lĩnh vực này dễ nảy sinh tha hóa quyền lực.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chỉ ra một thực tế, tình trạng tham nhũng, tiêu cực không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ngay trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.

Nhiều trường hợp cán bộ đã sử dụng thẩm quyền không đúng mục đích, lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích”; chi phối đối tượng, buộc đối tượng đáp ứng các yêu cầu không chính đáng; nhận hối lộ để bao che, giúp đối tượng trốn tội, không bị xử lý hoặc giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật đảng hay xử lý theo quy định của pháp luật...

Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương).

Trong số các bị can, Ðỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ. Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, tất cả 18 thành viên đoàn thanh tra liên ngành do Ðỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn (trong khoảng thời gian 2017-2018) đã nhận hối lộ bằng tiền, hiện vật với số lượng rất lớn.

Cá nhân Ðỗ Thị Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD để làm sai lệch kết quả thanh tra, báo cáo không trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về vi phạm của Ngân hàng SCB, đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và không kiến nghị chuyển điều tra. Hành vi của bị can Ðỗ Thị Nhàn đã tiếp tay cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện liên tiếp những hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhìn vào những con số thiệt hại khổng lồ đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân trong vụ án này, mới thấy hết hậu quả tai hại từ sự suy thoái của một bộ phận cán bộ được giao quyền và trách nhiệm. Nhưng rất tiếc, đây chỉ là một trong nhiều vụ án, vụ việc liên quan vi phạm của lực lượng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã xảy ra gần đây.

Theo báo cáo thống kê trong toàn Ðảng, giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2022 các tổ chức đảng đã xử lý 336 cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trong đó có những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đã bị xử lý kỷ luật, như Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ðặng Công Huẩn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận (năm 2022).

Hay như các vụ án Nguyễn Kiên Cường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình làm lộ bí mật nhà nước (năm 2021); nguyên Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Ðặng Anh Tuấn cản trở hoạt động đoàn kiểm tra trong vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” do Nguyễn Văn Dương cầm đầu (năm 2019); nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Vĩnh Phúc (năm 2019).

Mới đây là các vụ án đưa/nhận hối lộ giữa cán bộ thanh tra tỉnh Lai Châu và cán bộ các ban quản lý dự án rừng phòng hộ tỉnh Lai Châu; Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Ðồng nhận hối lộ; vụ án đưa/nhận hối lộ của 4 cán bộ thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu...

Thực tế cho thấy, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng là yêu cầu tất yếu trong quá trình tổ chức thực thi quyền lực.

Trong các Nghị quyết Ðại hội XII, Ðại hội XIII của Ðảng đều đặt ra yêu cầu phải hoàn thành và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng…

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”

Tại một số hội nghị của Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực và phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế. Dù quyền lực có nhỏ đến mấy cũng phải kiểm soát.

Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quy định số 131 được ban hành trên nguyên tắc, kiểm soát quyền lực phải bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Ðảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; kiểm soát của các cơ quan nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân; có cơ chế để phòng ngừa và bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm; bảo đảm tính độc lập, khách quan, thực hiện đầy đủ, chấp hành nghiêm quy chế làm việc, quy định, quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Quy định hướng tới mục tiêu xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ…

Theo Tổ biên tập xây dựng Quy định 131, việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán dựa trên cơ sở kết hợp “xây” và “chống”, “xây” là chính, “chống” phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy “chống” để “xây”. Do đó, nội dung tập trung quy định về nguyên tắc, hành vi, biện pháp phòng ngừa, chế tài xử lý răn đe, làm cơ sở để xác định trách nhiệm, thủ tục tiến hành. Quy định cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Ðảng trong các nghị quyết của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, thanh tra, kiểm toán; các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và phù hợp chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Quy định số 131 gồm 4 chương, 11 điều, đã nhận diện 22 nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan. Quy định yêu cầu xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; xử lý trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Quy định được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật, thanh tra, kiểm toán; việc thực thi quyền lực và thực tiễn thực hiện các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong hoạt động này; có tổng hợp, tiếp thu báo cáo của các ban đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy về thực trạng kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.

Để phòng ngừa từ sớm, từ xa, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thật sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Ðảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Quá trình xây dựng dự thảo Quy định số 131, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước đã đề nghị bổ sung trách nhiệm của tổ trưởng tổ kiểm toán được quy định cụ thể tại Ðiều 41 Luật Kiểm toán nhà nước cho tương thích với trách nhiệm của trưởng đoàn được quy định tại dự thảo. Về hành vi tham nhũng, tiêu cực, tại Ðiều 5, có cân nhắc, bổ sung quy định phù hợp, đồng nhất với 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực tại Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực... Tại khoản 1, Ðiều 5, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị cân nhắc việc đưa ra các hành vi tham nhũng đồng bộ với các hành vi tham nhũng đã được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự, tránh chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Quy định số 131 đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhận diện những biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp là nhằm kiểm soát quyền lực góp phần bảo đảm việc cán bộ, đảng viên được giao quyền thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán không thể, không muốn, không dám lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương Nguyễn Việt Dũng, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đóng vai trò hết sức quan trọng, được ví như “thanh bảo kiếm”, “lá chắn”, góp phần giữ vững quy định của Ðảng, sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, thực tế đã có không ít cán bộ trong các lực lượng này lợi dụng “kẽ hở” trong cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Quy định số 131 đi vào đời sống tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ở những lĩnh vực, vị trí công tác “nhạy cảm”; thể hiện hành động quyết liệt của Ðảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Cùng với các quy định của Ðảng về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định số 131 góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định của Ðảng nói chung, thể chế về phòng chống tham nhũng nói riêng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, ngăn ngừa sự lạm quyền, lộng quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

Nhưng xét đến cùng, mọi cơ chế, biện pháp vẫn phụ thuộc ở yếu tố con người. Sẽ chẳng có giải pháp nào là triệt để nếu bản thân mỗi cán bộ, đảng viên khi được giao quyền và nhiệm vụ không tự giác tu dưỡng, rèn luyện; không đủ dũng khí đấu tranh với chính mình, sa vào chủ nghĩa cá nhân, xem nhẹ giá trị của tự trọng mà đánh mất chính mình.

Do đó, để phòng ngừa từ sớm, từ xa, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thật sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Ðảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top