Pháp luậtAn ninh, trật tự

Phòng, chống tội phạm công nghệ cao

15:07 - Thứ Sáu, 11/08/2023 Lượt xem: 3954 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, chuyển đổi số, ứng dụng số ngày càng phổ biến trong mọi hoạt động đời sống xã hội, trong khi kiến thức, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa về công nghệ thông tin còn hạn chế. Vì vậy, nhiều đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, lừa đảo người dân. Ðể nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian qua cùng với công tác đấu tranh, Công an tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về các hành vi, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để người dân biết, phòng tránh.

Công an xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên tuyên truyền về nhận diện tội phạm công nghệ cao đến người dân.

Bà Nguyễn Thị H. L. (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) đã bị các đối tượng tội phạm lừa đảo gần 600 triệu đồng. Theo đó, các đối tượng đã gọi điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông báo với nội dung là thông tin tài khoản ngân hàng của bà L. liên quan đến hoạt động của một đường dây mua bán người. Ðể phục vụ công tác điều tra, các đối tượng yêu cầu bà phải chuyển một số tiền theo yêu cầu để xác minh; đồng thời đe dọa nếu không thực hiện theo thì sẽ thực hiện lệnh bắt. Do quá hoang mang, lo sợ nên bà L. đã rút hết khoản tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Bà L. chỉ là một trong số các nạn nhân của tội phạm công nghệ cao. Theo đánh giá của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), thời gian qua hoạt động tội phạm công nghệ cao có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… Ðể nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân trước tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật An ninh mạng. Ðồng thời, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cũng như kết quả đấu tranh với các vụ việc, vụ án điển hình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân; kịp thời cung cấp thông tin, tố giác tội phạm cho cơ quan chức năng. Ðặc biệt là hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ để các em nhận biết, nâng cao ý thức cảnh giác khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, sử dụng các hình thức thanh toán, mua bán trên mạng xã hội.

Những phương thức, thủ đoạn các đối tượng tội phạm hay sử dụng là: Lừa đảo chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại; lừa đảo vay tiền qua các ứng dụng; giả mạo tài khoản zalo, facebook để lừa đảo; vay tiền online; giả mạo tài khoản mạng xã hội của lãnh đạo; mời chào tham gia mua các gói đầu tư vào các dự án tài chính, ngân hàng, đầu tư tiền ảo trên mạng với cam kết sinh lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tài sản. Ðặc biệt, gần đây xuất hiện phương thức phạm tội công nghệ cao tinh vi hơn, đó là sử dụng Deepfake AI (phần mềm ghép mặt và giọng nói). Tội phạm sử dụng hình ảnh giống hệt người quen của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Cách thức này được dùng để lừa những người dùng cảnh giác khi họ cẩn thận gọi video qua facebook, zalo kiểm chứng.

Tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự. Vì vậy, công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao không chỉ riêng của lực lượng công an mà cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân. Trong đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc và giới hạn người xem. Ðồng thời, cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội. Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế; tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai. Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top