Pháp luậtAn ninh, trật tự

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở:

Thống nhất 3 lực lượng có sẵn, không tăng biên chế và ngân sách

17:09 - Thứ Tư, 30/08/2023 Lượt xem: 2711 In bài viết

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được xây dựng với mục tiêu sắp xếp, kiện toàn 3 lực lượng có sẵn (bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thành 1 lực lượng với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học đã thể hiện sự nhất trí cao với các nội dung dự án Luật.

Việc xây dựng, thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước.

Giải quyết các vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện đang được Bộ Công an hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 tới đây và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương cho biết, dự án Luật mà đặc biệt là tờ trình của Chính phủ và tài liệu hồ sơ dự án Luật đã thể hiện rõ, việc xây dựng và ban hành Luật xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, tình hình ANTT ở cơ sở có những diễn biến phức tạp. Để đảm bảo ANTT của quốc gia chắc chắn phải đảm bảo ANTT tốt ngay từ cơ sở. Các cụ xưa đã có câu “An cư mới lập nghiệp”.

Khi con người được sống trong môi trường an toàn, an ninh được đảm bảo thì mới có thể phát triển được kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, được đảm bảo ANTT là nhu cầu hết sức thiết thân với mỗi người dân. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, việc bảo vệ ANTT ở cơ sở cần có lực lượng chính quy và cần 1 lực lượng là cánh tay nối dài của Công an chính quy nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Như vậy, yêu cầu xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở thống nhất là yêu cầu từ thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Thái An, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của toàn dân. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý chính từ sự phản ánh của nhân dân và cán bộ cơ sở. Ông An cho rằng, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho các lực lượng như dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách sẽ giúp tăng cường khả năng phát hiện, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề ANTT tại cơ sở. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo để chúng ta có một môi trường an toàn, ổn định để phát triển đất nước.

Còn theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự, Hà Nội, việc kiện toàn, sắp xếp lại lực lượng ANTT ở cơ sở thành một đầu mối rất thuận lợi về công tác quản lý, giám sát, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Không những thế, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay với những diễn biến phức tạp, khó lường nên yêu cầu đảm bảo ANTT tại cơ sở cần được nâng lên một vị thế mới, yêu cầu các lực lượng tham gia công tác này cũng phải đáp ứng trình độ tương xứng. Việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Không làm tăng chi ngân sách nhà nước

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm chính là việc thống nhất 3 lực lượng theo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có làm tăng chi ngân sách nhà nước hay không. Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, tại phiên họp ngày 20/6 của Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trong đó có báo cáo, giải trình mỗi tỉnh dự kiến một tháng chi không quá 2,5 tỷ đồng nhằm duy trì hoạt động của lực lượng này. Như vậy, mỗi năm, một tỉnh sẽ chi khoảng từ 20 tỷ đến 30 tỷ đồng.

Với ngân sách của 1 tỉnh, theo ông Bách số tiền đó không phải là quá lớn để bảo đảm ANTT ở cơ sở. Việc sắp xếp lại các lực lượng cũng không làm tăng biên chế vì Luật được xây dựng nhằm thống nhất, sắp xếp lại các lực lượng sẵn có. Tùy theo tình hình địa phương, số người tham gia có thể giảm vì mục tiêu của Luật là hướng tới xây dựng lực lượng này chất lượng, tinh nhuệ, hiệu quả.

Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Hồng Bách, ông Nguyễn Thái An cũng cho rằng, sự ra đời của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là cơ sở quan trọng để tạo điều kiện tốt hơn cho các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT; không chỉ giúp tinh gọn đầu mối, tiết kiệm ngân sách, mà còn cung cấp cơ hội tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng này.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho biết, qua nghiên cứu dự án Luật và báo cáo của Bộ Công an cho thấy, việc xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là việc thống nhất 3 lực lượng có sẵn, kiện toàn xây dựng 1 lực lượng. Như vậy, không phải xây dựng 1 lực lượng mới. Vai trò của lực lượng này trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở rất quan trọng. Chính vì vậy, cần xem xét để hỗ trợ hoạt động của lực lượng này sao cho phù hợp.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top