Việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở không chỉ được nhân dân ở các thôn xóm, bản làng đồng tình ủng hộ mà các đại biểu Quốc hội cũng đều đồng nhất ý kiến. Bởi, hơn ai hết, chính các đại biểu cũng hiểu rằng, đây là lực lượng có điều kiện tiếp cận, xử lý những vấn đề phát sinh ở cơ sở và giúp lực lượng chuyên trách chính quy là Công an xã giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT trên địa bàn...
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, trong chương trình thảo luận, các đại biểu một lần nữa nhất trí sự cần thiết phải ban hành luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mối quan hệ công tác của từng cơ sở. Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTT an toàn xã hội ở cơ sở.
Tiếng nói những đại biểu của dân từ cơ sở
Là người trưởng thành từ cơ sở ở tỉnh Kon Tum, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước cho biết, bà đã trải qua thực tế ở cơ sở một thời gian dài nên rất hiểu vấn đề ANTT ở cơ sở. “Hiện nay, Bộ Công an đã được tổ chức chính quy thành 4 cấp, từ cấp bộ đến cấp xã để phòng ngừa và xử lý những vấn đề ANTT ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, biên chế ấn định rất hạn chế và ít được bổ sung. Cho đến nay, dù các địa phương từ thành thị đông dân cư hay ở miền núi rộng lớn thì ở mỗi xã chỉ bố trí tối thiểu là 5 đồng chí và tối đa 9 đồng chí, đối với các đô thị lớn thì có thể nhiều hơn. Do đó, chúng tôi cần thêm nguồn lực để hỗ trợ lực lượng Công an trong công cuộc giữ gìn ANTT và quan trọng nhất là để tiếp tục sử dụng hiệu quả những đồng chí đã có kinh nghiệm tham gia vào các vị trí như công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng” - đại biểu nêu.
Bà Trần Thị Thu Phước dẫn, chính tại địa bàn Tây Nguyên - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và còn rất nhiều khó khăn nên việc có lực lượng hỗ trợ công an chính quy cần thiết hơn bao giờ hết bởi những người tham gia lực lượng này là những người con sinh ra, lớn lên và gắn bó sâu sắc với mảnh đất này, hiểu rất rõ về con người, địa bàn, phong tục tập quán và tiếng nói của dân tộc mình nên sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc hỗ trợ lực lượng Công an chính quy làm tốt công tác bảo đảm ANTT và số tiền hỗ trợ cho lực lượng này có thể không cao so với các tỉnh, thành lớn nhưng là nguồn động viên rất to lớn và rất quan trọng, cần thiết cho cuộc sống của họ. "Gần đây nhất, vụ việc khủng bố ngày 11/6 tại Đắk Lắk đã cướp đi sinh mạng của 9 người, là cán bộ, chiến sĩ, người dân đã là hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ rất lớn, gây mất ANTT luôn hiện hữu; cũng càng khẳng định vai trò công tác đảm bảo ANTT phải luôn xuất phát từ cơ sở” - bà Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.
Cũng trưởng thành từ cơ sở, bà Đoàn Thị Hảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đến nay, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tiếp về cơ sở lấy ý kiến góp ý vào dự án. Trước kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các địa phương trên địa bàn cùng các đối tượng được điều chỉnh bởi dự án luật. Các nội dung góp ý đã được đoàn tổng hợp gửi về Ban soạn thảo. “Xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn thống nhất 3 lực lượng hiện đang hoạt động ở cơ sở là bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn xã, phường, thị trấn, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, đã và đang được ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động” - đại biểu nêu.
Không tăng biên chế, không tăng ngân sách
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm đó là biên chế và ngân sách dành cho lực lượng này. Theo báo cáo sau đó của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu thông tin hiện nay, toàn quốc có 298.688 người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỉ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, theo số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn/tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT, cần ít nhất 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất 3 người). Dự kiến tổng kinh phí cần chi để đảm bảo thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm. “Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn/tổ dân phố nên tổng số tổ có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí cũng giảm. Như vậy, với dự tính này sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Về lâu dài, tổng số lượng thôn/tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở” - Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết.
Nói về vấn đề này, bà Đoàn Thị Hảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên lấy ví dụ tại địa bàn mình: “Như tỉnh Thái Nguyên chúng tôi 3 lực lượng này hiện là 7.527 người, trong đó bảo vệ dân phố là 1.480 người, công an xã bán chuyên trách là 1.542 người và đội trưởng, đội phó dân phòng là 4.505 người. Hiện, các lực lượng này đang được hỗ trợ chế độ từ ngân sách do HĐND tỉnh quy định theo vị trí mà họ đang đảm nhiệm”.
Ông Nguyễn Tiến Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi kiện toàn 3 lực lượng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành một lực lượng thống nhất là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gọn đầu mối, dễ điều hành mà không làm tăng biên chế. Hiện nay, với khoảng 300.000 người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 66.723 bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách, 161.098 đội trưởng, đội phó dân phòng. Việc sáp nhập cơ học 3 lực lượng này phải không làm tăng biên chế. Tính đến hết tháng 12/2022 tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721. Nếu thành lập tất cả các tổ bảo vệ ANTT và trung bình mỗi tổ 3 người thì tổng số khoảng 255.000 người, ít hơn số lượng hiện nay nên chi phí sẽ ít hơn hiện nay.
Hiệu quả rõ rệt
Chúng tôi về xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) - địa bàn giáp ranh với huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vốn tiềm ẩn những phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, ma túy... Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Phúc Sơn đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng Công an xã vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể tham gia 5 mô hình: Camera giám sát an ninh trên địa bàn; tái hòa nhập cộng đồng, nhóm Zalo bảo đảm ANTT; cụm an ninh giáp ranh, đội thanh niên xung kích và 11 mô hình tự quản bảo đảm ANTT, phòng cháy chữa cháy...
Đặc biệt, với hiệu quả mô hình “Cụm an ninh giáp ranh Đức - Thành - Sơn” gồm xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên và 2 xã Tân Đức, Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã góp phần giúp tình hình ANTT, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn giáp ranh luôn ổn định. Chính quyền xã cho rằng, có được điều đó, là nhờ sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị ở thôn xóm, đồng thời đề cần phải tổ chức lại lực lượng này để họ hoạt động hiệu quả hơn.
Ở xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang - một trong những nơi phong trào toàn dân bảo vệ ANTT hiệu quả ở tỉnh Bắc Giang cũng là địa bàn giáp ranh tỉnh Lạng Sơn và huyện Lục Nam, Bắc Giang nên các đối tượng phạm tội lưu động thường lợi dụng địa hình phức tạp, rộng, dân cư thưa thớt để ẩn náu, móc nối hoạt động. Nổi lên là các vụ tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy, trộm cắp tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích. Để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân, xã Hương Sơn tập trung xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Trong số đó, mô hình “tổ tuần tra nhân dân” phát huy hiệu quả rõ nét, được người dân địa phương ủng hộ.
Triển khai đầu tiên ở thôn Càn do những năm trước có nhiều đối tượng nghiện ma túy, trộm cắp tài sản hoạt động, anh Cao Văn Tuấn, tổ trưởng tổ tuần tra nhân dân nói: “Có thời điểm những khu vực vắng người qua lại ở thôn la liệt bơm kim tiêm do đối tượng nghiện ma túy vứt lại, nhiều gia đình bị mất trộm nông sản, gia cầm, có một số vụ thanh niên gây gổ đánh nhau dẫn đến thương tích. Tham gia vào tổ tuần tra nhân dân nhiều năm qua, anh Cao Văn Tuấn cho biết “anh em chúng tôi chính là lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở nhưng lâu nay làm trên tinh thần tự nguyện, theo quy định của địa phương. Chúng tôi biết Bộ Công an đang xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở - để quy định hoạt động của các lực lượng như chúng tôi trong luật, chúng tôi rất hi vọng luật này sẽ sớm được thông qua để anh em chúng tôi được Nhà nước công nhận, có chế độ, chính sách rõ ràng”.
Còn đối với xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) những năm trước mỗi thôn, buôn đều có một tổ an ninh tự quản (từ 5-6 thành viên dân phòng) và ít nhất một công an viên phụ trách. Đây được xem là "tai mắt" của buôn làng, lực lượng nòng cốt bảo đảm ANTT ở cơ sở. Họ là lực lượng tại chỗ được nhân dân bầu ra, rất thông thuộc địa bàn, hiểu rõ phong tục, tập quán, cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về ANTT.
Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì, tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn với tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước. Mặt khác, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở...