ĐBP - Tháng 11/2021, Thiếu tá Lê Thị Huyền bàn giao nhiệm vụ cán bộ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Ðiện Biên Phủ để về nhận công tác tại Công an xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên.
Ngay khi được điều động về nhận công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Công an xã Thanh Nưa, Thiếu tá Huyền nhanh chóng làm quen với địa bàn. Trực tiếp đến gặp gỡ từng hộ gia đình, nắm bắt từng điểm “nóng”, trường hợp phức tạp ở cơ sở cũng là lúc chị Huyền hiểu rõ hơn “cái khó” của mình. Ðây là địa bàn biên giới nằm đối diện với cụm bản Pồn Sày, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào) vốn từng được xác định là trọng điểm về tội phạm ma túy. Ðịa bàn có hơn 1.000 dân, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Xác định muốn thực hiện nhiệm vụ phải dựa vào dân, Thiếu tá Huyền đã từng bước “hóa giải” khó khăn bằng quyết tâm “đã là công an nhân dân thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua”.
Chúng tôi có dịp cùng Thiếu tá Huyền đến thăm gia đình anh Lò Văn Ngọc ở bản Hạ. Anh Ngọc là 1 trong gần 10 trường hợp được Công an xã Thanh Nưa vận động đi cai nghiện ma túy. Từ việc chỉ nằm “chờ chết”, sau hơn 2 tháng tham gia uống methadone, sức khỏe anh Ngọc đã dần ổn định, có thể hỗ trợ gia đình làm việc nhà. Anh Lò Văn Ngọc kể: “Tôi và gia đình biết ơn cán bộ Huyền nhiều lắm. Lúc trước tôi tưởng mình sắp chết, ai khuyên bảo gì cũng không nghe. Nhưng khi cán bộ Huyền xuống nói chuyện, tôi hiểu ra vợ con đã khổ nhiều quá, nên quyết tâm cai nghiện. Giờ sức khỏe cũng tạm ổn nên có thêm niềm tin để cố gắng hơn!”
Với Thiếu tá Lê Thị Quỳnh, do được đào tạo bài bản và kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, Công an huyện Ðiện Biên nên đã phát huy rất tốt vai trò khi xung phong về thực hiện nhiệm vụ tại xã Thanh Luông - nơi cũng từng được xem là điểm “nóng” về loại tội phạm này. Ðể đảm bảo ANTT trên địa bàn, Thiếu tá Quỳnh cùng đồng đội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các ban, đoàn thể và quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Ðồng thời làm tốt công tác quản lý cư trú, nắm hộ, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong Nhân dân từ khi mới phát sinh; xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình tự quản về ANTT. Ðặc biệt là công tác tham mưu trong đấu tranh với các tụ điểm, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy.
Cũng là một trong những nữ công an xung phong về cấp xã, ban đầu Thiếu tá Trần Thị Thương được phân công làm Phó trưởng Công an xã Nà Tấu. Kể từ khi về xã, thay vì quãng đường qua vài con phố từ nhà đến đơn vị, Thiếu tá Thương phải vượt hàng chục ki lô mét đi về mỗi ngày. Chưa kể, những hôm có việc đột xuất phát sinh phải ngủ lại đơn vị hoặc lặn lội di chuyển trong đêm. Tuyến đường mặc dù được trải nhựa thuận tiện, song có thời điểm lại tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về ANTT. Ðặc biệt, khu vực đèo Nà Nhạn đã từng xảy ra một số vụ việc cướp giật tài sản nên nhiều lần gia đình lo lắng. Ðộng viên người thân “là công an, có nghiệp vụ thì sao phải sợ tội phạm”, song Thiếu tá Thương cũng thừa nhận bản thân đã phải vượt nhiều áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Thiếu tá Trần Thị Thương đảm đương nhiệm vụ tại Công an xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). “Tôi mong muốn trực tiếp sâu sát, gần gũi, chia sẻ với Nhân dân để rèn luyện bản thân. Bởi vậy, khi xung phong và được phân công về xã tôi đã xác định rõ tư tưởng và luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ!” - Thiếu tá Thương chia sẻ.
Cùng với các chị Huyền, Quỳnh, Thương, hiện nay Công an tỉnh có gần 10 nữ cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm chức danh phó, trưởng Công an xã, công an viên. Trong đó, riêng huyện Ðiện Biên có 5 đồng chí đều đảm nhận nhiệm vụ ở các xã biên giới, từng là điểm “nóng” về ma túy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về ANTT. Những nữ công an với phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng vận động quần chúng được đánh giá cao đã đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Thống kê từ năm 2022 đến tháng 9/2023, lực lượng Công an xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp vận động 8 trường hợp từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”; phát hiện, xử lý 825 vụ phạm tội về trật tự xã hội, ma túy, kinh tế, môi trường; lập hồ sơ đưa hơn 400 đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và cơ sở cai nghiện bắt buộc; bắt, vận động, đầu thú, thanh loại 5 đối tượng truy nã; vận động nhân dân giao nộp 887 khẩu súng các loại; triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Ðề án 06. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những “bóng hồng” công an nhân dân.