ĐBP - Bằng việc xây dựng các mô hình thực tế, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, nhận thức và ý thức pháp luật của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Chà những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực.
Nhiều năm trước đây, bản Huổi Lóng được nhắc đến là một trong những “điểm nóng” không chỉ của xã Na Sang mà cả huyện Mường Chà về tình trạng sinh hoạt đạo trái pháp luật, di cư tự do, xuất cảnh trái phép. Bản có 72 hộ, hơn 400 nhân khẩu người dân tộc Mông sinh sống.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Trước đây có thời điểm, địa bàn này ghi nhận hàng chục người cùng xuất cảnh ra nước ngoài, chủ yếu là do nghe và tin theo lời xúi giục của đối tượng xấu. Một vài năm gần đây, người dân Huổi Lóng đã sống ổn cư tại địa bàn, yên tâm lao động sản xuất.
Chuyển biến rõ nét nhất là từ năm 2022, khi triển khai mô hình “3 không” (không di cư tự do, không xuất cảnh trái phép, không kết hôn trái pháp luật). Mô hình thu hút 30 hội viên tham gia, trong đó có 7 thành viên nòng cốt là đại diện các tổ chức đoàn thể, lực lượng tại địa phương (bí thư, trưởng bản, MTTQ, công an viên, y tế thôn bản…). “Các thành viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật. Ðặc biệt là áp dụng khéo léo cả 2 phương pháp: Mềm mỏng, khích lệ và mạnh tay nhằm răn đe. Ðơn cử như, những cặp vợ chồng dừng sinh ở 2 con, ký cam kết sẽ được nhận ngay 2 triệu đồng hỗ trợ. Người cố tình vượt biên trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật… Nhờ vậy, 2 năm nay ở Huổi Lóng không ghi nhận trường hợp nào di cư tự do, xuất cảnh trái phép” - ông Pó cho biết.
Ðây không phải mô hình giáo dục pháp luật duy nhất tại huyện Mường Chà. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện đang duy trì sinh hoạt 18 câu lạc bộ (CLB) “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”, 1 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, 2 mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông”, 19 CLB “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”. Các mô hình được lựa chọn xây dựng tập trung tại các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến an ninh trật tự như: Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài.
Bà Lê Thị Tuyết, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Chà cho biết: Các tổ hòa giải cơ sở cũng được duy trì và phát huy hiệu quả vai trò giáo dục nhận thức, ý thức pháp luật cho người dân tại địa bàn. Hiện nay, 110/110 bản trên toàn huyện đã kiện toàn các tổ hòa giải, với 578 hòa giải viên. Trong đó cân bằng giữa nam và nữ nhằm đảm bảo cơ cấu, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Trong 9 tháng đầu năm, các tổ hòa giải đã thụ lý 119 vụ việc, trong đó có 79 vụ hòa giải thành (đạt 66,4%). Việc hoà giải kịp thời ngay từ cơ sở góp phần đắc lực giải quyết hiệu quả các “điểm nóng, “vấn đề nóng” liên quan đến pháp luật.
Cũng theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường Chà, bên cạnh việc phát huy hiệu quả vai trò của các mô hình, tổ hòa giải cơ sở, hàng năm, địa phương đều tổ chức tốt các hoạt động truyền thông theo vấn đề, chuyên đề và lồng ghép. Thống kê đến tháng 10, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn thuộc huyện đã tổ chức 240 cuộc tuyên truyền nội dung các Luật, văn bản dưới luật, với trên 12.600 lượt người tham gia học tập. Ðồng thời xây dựng, quản lý, khai thác 57 tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, phòng hội đồng, thư viện trường học và UBND xã, thị trấn. Nội dung trọng tâm được tuyên truyền, phổ biến thời gian qua là các quy định liên quan trực tiếp đến đời sống đồng bào dân tộc địa phương, như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Cư trú; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Hộ tịch; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Ðất đai; Luật Bình đẳng giới; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; phòng chống ma túy… Tuyên truyền triển khai thực hiện Ðề án phát triển dữ liệu dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.