Giữ bình yên nơi phên giậu Tổ quốc
Qua 1 năm triển khai kế hoạch xây dựng 21 “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn 29 xã biên giới ở tỉnh Điện Biên, với nòng cốt là lực lượng Công an cơ sở, hiện có 11 xã đã được làm sạch về ma túy. Những trường hợp chấp hành xong án phạt tù, nghiện ma túy đều được Công an cơ sở quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ để tránh xa những tệ nạn xã hội, chăm chỉ làm ăn, từ bỏ ma túy, quyết tâm phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội… Vừa qua, nhóm PV đã có chuyến đi thực tế, tìm hiểu “bí quyết” của Công an tỉnh để chuyển hóa thành công những xã trọng điểm phức tạp về ma túy trở thành xã sạch về ma túy, góp phần giữ bình yên các bản làng nơi phên giậu của Tổ quốc.
Điện Biên trước đây vẫn được xem là một trong những “điểm nóng” về tội phạm ma túy. Yếu tố địa hình rừng núi chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, đường biên giới kéo dài, cùng với đó, phong tục tập quán của người dân không ít nơi vẫn còn lạc hậu, cộng với điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển đồng đều đã dẫn đến những hệ lụy “chết người từ ma túy”. Với nòng cốt là lực lượng Công an xã, cùng sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã của Công an tỉnh Điện Biên đang hằng ngày, hằng giờ gây dựng phát triển các phong trào đảm bảo ANTT, góp phần “giảm nhiệt”, chuyển hóa địa bàn.
Làm “sạch ma túy” ở các xã biên giới
Đón chúng tôi, bên ấm trà nóng, Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên kể về những đổi thay ở mảnh đất nóng, nhất là việc hạ nhiệt các điểm nóng ma túy, bóc gỡ các đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Tuổi thanh xuân của vị Giám đốc trẻ đầy nhiệt huyết đã luôn gắn cuộc chiến chống ma túy ở mảnh đất cực Tây của Tổ quốc. Từ khi còn là người lính trinh sát thuộc Cục CSĐT tội phạm về ma túy của Bộ và cho đến nay, gần như chẳng còn bản, làng nào nơi mảnh đất này mà Đại tá Ngô Thanh Bình chưa đặt chân tới. Lăn lộn với cơ sở hàng chục năm trời, từ lính trinh sát rồi trở thành Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, trở lại mảnh đất Điện Biên cương vị mới - Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Ngô Thanh Bình coi những nhiệm vụ bản thân và đồng đội đang thực hiện vừa là thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về luân chuyển cán bộ chủ chốt đi cơ sở, vừa là cơ hội mới để anh tiếp tục phấn đấu, thẳm sâu nữa là góp phần “trả nghĩa” với bà con trên mảnh đất này đã bao năm che chở, giúp đỡ cho lực lượng Công an nói chung, CSĐT tội phạm về ma túy nói riêng và cá nhân anh trên trận tuyến bảo vệ ANTT, giữ gìn bình yên nơi đây.
Đại tá Ngô Thanh Bình phác họa cho chúng tôi “bức tranh” tổng thể về tình hình, những địa danh vốn dĩ trước kia phức tạp về tình trạng ma túy như Mường Pồn, Chà Nưa, Nậm Kè, Ma Thì Hồ… thì nay, ở nơi đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Trong tổng số 29 xã biên giới thuộc 4 huyện Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé thì có tới 21 xã trọng điểm phức tạp về ma túy. Trong số đó xã trọng điểm loại 1 có 4 xã, loại 2 có 6 xã và loại 3 có 11 xã. Cũng tại những xã biên giới này có tới hơn 1.052 người nghiện ma túy, đó là còn chưa kể tới những đối tượng ở nơi khác hoặc ở bên kia biên giới thường tìm đủ mọi cách xâm nhập vào nội địa mang theo “hàng trắng”, gieo rắc tai ương về ma túy.
Qua 1 năm triển khai kế hoạch xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn 21 xã biên giới, với nòng cốt là lực lượng Công an cơ sở, hiện có 11/21 xã đã được làm sạch về ma túy. Tại các xã này đã không để xảy ra tình trạng trồng và tái trồng cây có chất ma túy. Những trường hợp tù tha, nghiện ma túy đều được Công an cơ sở quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ để tránh xa tệ nạn xã hội, chăm chỉ làm ăn, từ bỏ ma túy, quyết tâm phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội…
Khi chúng tôi đề cập đến bí quyết nào để chuyển hóa thành công những xã trọng điểm phức tạp về ma túy trở thành “xã sạch về ma túy”, Đại tá Ngô Thanh Bình khẳng định: Đó chính là phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị cơ sở, trong đó lực lượng Công an xã là nòng cốt, tiên phong, gương mẫu đi đầu thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn xã biên giới để chuyển hóa từ bên trong những xã phức tạp này trở thành “sạch về ma túy”. “Công an xã Mường Pồn, huyện Điện Biên là một trong số đơn vị như vậy”- Đại tá Ngô Thanh Bình lấy ví dụ.
Theo những gợi mở của lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên, chiều một ngày nắng nóng như đổ lửa, trên con đường ngược núi, ổ gà như xóc ốc, chúng tôi có mặt tại xã Mường Pồn. Dù cách trung tâm TP Điện Biên Phủ chỉ chưa đến 1 giờ đồng hồ xe chạy, song đây lại là một địa bàn hội tụ khá đầy đủ những yếu tố tạo nên “sức nóng” của ma túy trong thời gian trước đó. Ra tận cổng trụ sở đón chúng tôi, Thiếu tá Lò Văn Hải, Trưởng Công an xã Mường Pồn không giấu được niềm vui rót nước mời khách xua bớt phần nào cái nắng nóng đến nung người nơi miền đất với gió Lào vượt núi thổi ùa sang.
Vừa lau những giọt mồ hôi, Thiếu tá Lò Văn Hải vừa giới thiệu cho chúng tôi về tình hình địa bàn của xã. Với 11 thôn, bản, Mường Pồn là xã biên giới, bà con ở nơi đây là người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh cùng sinh sống. Đặc biệt, xã Mường Pồn còn có 4 bản vùng cao cách trung tâm xã từ 9-14km đường rừng, 100% bà con là người dân tộc Mông. Địa hình của xã là đồi núi, nhiều nơi rất hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn nhất là vào mùa mưa, lũ quét, chưa kể dân cư phân bố rải rác, nhiều đường mòn, lối mở qua lại ở biên giới. Ngoài con đường liên huyện đi qua xã, từ trung tâm của UBND xã để đi đến hết các bản trong xã cũng là một thử thách cho bất cứ ai bởi đường núi, rừng rậm, thậm chí nhiều hộ gia đình còn sống tách biệt hẳn khi quanh năm ở trên đỉnh những ngọn núi cao phủ mây. Những yếu tố tự nhiên, xã hội đó khiến cho địa bàn xã có nhiều người nghiện ma túy, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.
Dù lực lượng mỏng, nhưng bằng những chuyên đề, mô hình hay, đến hết tháng 11 năm 2023, 5 CBCS Công an xã Mường Pồn đã bắt giữ 19 vụ với 20 đối tượng, vận động 19 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, qua đó, cơ bản làm sạch số đối tượng vi phạm liên quan đến ma túy…
Xây dựng những mô hình điểm đảm bảo an ninh tôn giáo
Đại tá Lù Minh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, lực lượng Công an cơ sở như Công an phường, Công an các xã đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức, CBCS lực lượng vũ trang và nhân dân trong đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm, xây dựng làng, bản văn hóa. Lực lượng Công an cơ sở có vai trò hết sức quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm gắn với vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an xã cũng làm tốt công tác phát động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thống kê trong 11 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an cơ sở đã tiếp nhận 241 tin báo của người dân cung cấp có giá trị liên quan đến hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm ANTT. Cũng trong thời gian này, lực lượng Công an các xã đã tổ chức vận động, thu hồi 921 khẩu súng các loại, 2 quả bom, 5 quả đạn pháo, 1 quả lựu đạn, 1 quả đạn cối 60mm, 3.014 viên đạn chì... xử lý hành chính 12 vụ, 12 đối tượng liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (xử phạt 97 triệu đồng).
Vượt quãng đường “cua tay áo” hơn 100km, chúng tôi đến với huyện Nậm Pồ khi huyện có nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập, tách ra từ huyện Mường Nhé của tỉnh. Vượt qua muôn vàn khó khăn từ những ngày đầu thành lập, CBCS Công an huyện đã nỗ lực có gắng giữ bình yên cho địa bàn mà trước kia vốn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT. Thượng tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ, dáng người đậm chắc khỏe như cây lim, cây táu của núi rừng, cũng là người con của bản Mông nơi đây đã gắn bó gần 30 năm với địa bàn, có nhiều kinh nghiệm trong chuyển hóa địa bàn đã xăng xái đưa chúng tôi đi trong cơn mưa rừng xối xả xuống xã.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Vàng A Chính cho biết, qua nắm tình hình, nhận thức được tình hình phức tạp liên quan đến việc tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức tôn giáo trái pháp luật, lạ, Công an huyện Nậm Pồ phát hiện có sự móc nối, tài trợ kinh phí của những đối tượng phản động nhằm tuyên truyền lạ trên địa bàn đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, các phòng nghiệp vụ, Công an huyện Nậm Pồ, lực lượng Công an xã đã khảo sát, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” tại bản Lay Khoang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ vào năm 2021. Từ đây, mô hình điểm sáng này đã được nhân rộng ra 21 điểm nhóm tại 13/15 xã với tổng số 1321 thành viên đại diện cho 1321 hộ, nhân khẩu. Có được kết quả trên, công đầu tiên phải kể tới vai trò, sự nỗ lực cố gắng vượt khó khăn, gian khổ của lực lượng Công an xã trong công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện đúng các chính sách pháp luật, cùng nhau bảo vệ bình yên trên quê hương, làng, bản.
Quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, tại TP Điện Biên Phủ, nhiều Công an xã đã sáng tạo khi phối hợp thành lập cụm liên kết ANTT khu vực Nà Tấu. Khi mới thành lập, Cụm chỉ có 2 xã, đến nay đã phát triển gồm 4 xã của TP Điện Biên Phủ, 1 xã của huyện Mường Ảng và 11 cơ quan, đơn vị đóng chân trên khu vực Nà Tấu. Ở các xã như Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang, lực lượng Công an xã cũng thực hiện hiệu quả việc tấn công trấn áp tội phạm, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; nhiều người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm, lừa lọc của các đối tượng phản động, tà đạo, không tin lời kẻ xấu, quay trở về gia đình chăm lo làm ăn, cùng bảo vệ bình yên thôn, bản…
(Còn nữa)