Pháp luậtAn ninh, trật tự

Giữ bình yên nơi phên giậu Tổ quốc

Gần dân để phục vụ tốt hơn (Bài 3)

16:09 - Thứ Ba, 12/12/2023 Lượt xem: 2879 In bài viết

Thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 12 ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đến nay, 129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều được bố trí Công an cơ sở.

Đặc biệt, 29 xã biên giới đều được tăng cường lực lượng Công an xã, đang ngày đêm băng đèo lội suối, vào bản, lên nương gặp gỡ dân, đến với đồng bào để cấp CCCD gắn chip, tạo lập tài khoản định danh điện tử với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an

Chúng tôi ngược núi, qua nhiều chỗ sụt lún trong cơn mưa rừng tầm tã suốt mấy ngày trời khiến con đường vào xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thật sự là một thử thách lớn cho bất cứ ai khi lần đầu đặt chân đến đây. Công an xã Nà Hỳ hiện có 8 CBCS. Giữa núi rừng, trụ sở của Công an xã Nà Hỳ là một căn nhà với 5 phòng được sắp xếp khoa học vừa là nơi làm việc, giải quyết thủ tục hành chính, nhà tập thể… Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song đây vẫn là niềm mơ ước của không ít đơn vị bạn, nhất là những xã biên giới.

Công tác cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử phục vụ nhân dân được Công an các đơn vị trong tỉnh Điện Biên triển khai hiệu quả.

Được điều động về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Nà Hỳ ngay từ những ngày đầu tiên Công an tỉnh Điện Biên bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức năng Công an xã trên địa bàn, Thượng úy Vàng Văn Thế, Trưởng Công an xã Nà Hỳ cho biết: Đã là Công an ở cấp cơ sở thì bài học đầu tiên phải thuộc lòng chính là công tác vận động quần chúng. CBCS khi xuống với dân bản, với đồng bào thì phải biết vận động làm sao, nói như thế nào để người dân tin, nghe theo và cùng chung tay với Công an xã xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mới thành công. Chính vì vậy, mỗi CBCS của Công an xã Nà Hỳ khi xuống bản với đồng bào đều tâm niệm một suy nghĩ và hành động “vượt khó khăn xây dựng lực lượng nòng cốt, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn các bản và cả xã”.

Đến hết tháng 11/2023, Công an xã Nà Hỳ đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức 49 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác đảm bảo ANTT tại 9/9 bản cho hơn 31.000 lượt người dân. Có gần 6.000 hộ dân với gần 20.000 nhân khẩu đã ký cam kết tham gia xây dựng khu dân cư đạt tiêu chuẩn về “An toàn, an ninh trật tự”. “Chúng tôi duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 9 tổ hòa giải và 9 đội dân phòng PCCC cũng như xây dựng mới 5 tổ tự quản đường biên, mốc giới.

Cùng với đó, 9 hòm thư tố giác tội phạm, 5 điểm nhóm tự quản về ANTT. Những nỗ lực cố gắng của CBCS cũng như sự chung tay đóng góp xây dựng, đoàn kết của chính quyền, nhân dân thôn, bản, đã góp phần giúp cho tình hình ANTT trên địa bàn ngày càng được củng cố, giữ vững, đảm bảo”- Thượng úy Vàng Văn Thế đánh giá.

 Để phòng ngừa cháy rừng, Công an xã Nà Hỳ đã tham mưu và thành lập tổ liên gia tự quản về PCCC. Những hộ trong tổ liên gia này được tập huấn những kỹ năng PCCC, nhất là cháy rừng, kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng, cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và Công an xã trong PCCC.

Không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo đảm bình yên địa bàn, Công an xã Nà Hỳ còn tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân từ những việc nhỏ nhất. Do làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nên từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không có trường hợp người dân di cư đi, đến mà không thông báo cho chính quyền địa phương. Một số trường hợp người dân xuất cảnh trái phép và quay về địa bàn cũng đã được Công an xã thăm hỏi, quản lý.

Tỷ lệ cấp CCCD trên địa bàn đạt gần 98%, đây là con số rất cao đối với một xã ở vùng cao, nơi mà nhiều người dân vẫn giữ thói quen sống du canh du cư. Có hơn 700 trường hợp đã được đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử VNeID. Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công liên quan đến cư trú đạt tỷ lệ hơn 99,3%; tỷ lệ làm sạch, đồng bộ dữ liệu dân cư trên địa bàn xã đạt 100%.

Mang máy phát điện lên đỉnh núi cấp tài khoản định danh điện tử

Trong câu chuyện bàn về kinh nghiệm thực hiện Đề án 06, “phủ sóng” CCCD và tài khoản định danh điện tử, Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, vất vả nhất trong triển khai Đề án 06, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử phải kể đến lực lượng Công an cơ sở. Khác với những tỉnh, thành phố lớn, các bản, làng, xã của tỉnh Điện Biên nằm rải rác, cách xa nhau bởi yếu tố địa hình, địa lý bất lợi. Đó còn là chưa kể tới trình độ nhận thức và đời sống của người dân nhiều nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Thượng tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ cùng lãnh đạo UBND xã Chà Nưa kiểm tra công tác triển khai Đề án 06 tại Công an xã Chà Nưa.

Dẫu vậy, Công an các xã đã rất chủ động và sáng tạo trong tuyên truyền, triển khai Đề án 06. Ở những nơi nào có thể sử dụng được mạng internet, Công an xã phối hợp với chính quyền, đoàn thể chức năng của địa phương thành lập các nhóm zalo cộng đồng, đăng tải, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đối với những nơi không có sóng điện thoại, chưa có điện lưới quốc gia như bản Nậm Đích của xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, Công an xã mang máy nổ phát điện xuống tận nơi, vào từng hộ dân, lên nương gặp từng người rồi lại tìm địa điểm nào có sóng điện thoại, để thực hiện những phần việc cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử để phục vụ nhân dân.

Quan điểm và phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, lấy kinh nghiệm ở nơi khó nhất để phổ biến nhân rộng cách làm hay, sáng tạo ra các địa bàn khác” đã được lực lượng Công an cơ sở nhất là Công an các xã trên toàn tỉnh Điện Biên triển khai hiệu quả. Ở những điểm nhóm có sinh hoạt tôn giáo, Công an xã đã phối hợp, phát huy vai trò của trưởng điểm nhóm, những người có uy tín cùng với Công an xã đến từng hộ dân để thu thập dữ liệu, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử. Đồng chí Quỳnh Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết, nhiều điểm trên địa bàn xã vẫn chưa có sóng điện thoại như bản Huổi Chan 2, hay bản Pa Chải dù có sóng 3G nhưng rất “bập bõm”. Công an xã Mường Pồn xuống vận động, mời những công dân ở các điểm, bản trên đến vị trí thuận lợi để kích hoạt tài khoản định danh phục vụ nhân dân.

Không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân làm kinh tế, phát triển sản xuất, Công an xã còn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Đề án 06. Đại uý Pồng Văn Kiên, Trưởng Công an xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ cho biết, xã Chà Nưa có 6 bản với 688 hộ và 3.092 nhân khẩu, với 98,2% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong đó, có 1 bản cách trung tâm xã 32km, chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều. Công an xã Chà Nưa đã tham mưu cho Tổ công tác Đề án 06 của xã tổ chức họp dân tại 6/6 bản với 34 buổi, 3.218 lượt người tham gia để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc thu nhận CCCD, tích hợp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, chuyển đổi sim chính chủ. Tính đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn xã Chà Nưa đã hoàn thành việc thu nhận CCCD cho các công dân trong độ tuổi làm CCCD; tích hợp định danh điện tử cho 2.075 công dân, đạt 97,64%, trong đó kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức 2 là 2.059 tài khoản, đạt 96,9%.

Thượng tá Chu Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Tính đến hết tháng 11/2023, các đơn vị Công an trong toàn tỉnh đã thu thập, làm sạch 513.950/513.950 hồ sơ CCCD, đạt 100%; thu nhận 416.108/452.536 hồ sơ định danh điện tử đạt 91,95%; kích hoạt 394.750/452.536 tài khoản định danh điện tử đạt 87,23%; thu thập, cập nhật, làm sạch và đồng bộ 659.965/659.965 thông tin công dân vào Hệ thống Cơ sở DLQG về DC, đạt 100%. Tỉnh Điện Biên cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành 100% việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn với 513.950 người.

Cũng theo Thượng tá Chu Mạnh Cường, lực lượng Cảnh sát QLCH về TTXH cũng như Công an xã luôn xác định “đồng hành cùng người dân” trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phòng Cảnh sát QLCH về TTXH cùng với Công an các phường, xã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, nhà mạng cung cấp sim điện thoại cho người dân để giúp người dân định danh, tạo lập tài khoản định danh điện tử. Ban đầu nhiều người dân chưa hiểu được lợi ích, giá trị của CCCD và tài khoản định danh điện tử mang lại. Nhưng nay, người dân đặc biệt ở các xã, huyện xa trung tâm có lẽ là những người nhận thấy tiện ích lớn nhất từ thủ tục dịch vụ công trực tuyến khi không phải đi lại vất vả, thuận tiện trong giải quyết những công việc hành chính.

(Còn nữa)

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top