Pháp luậtAn ninh, trật tự

Vì địa bàn “sạch” vũ khí, vật liệu nổ

16:07 - Thứ Ba, 25/06/2024 Lượt xem: 3236 In bài viết

ĐBP - Quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ góp phần quan trọng phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Để xây dựng địa bàn “sạch” vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, huyện Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần hạn chế tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Lãnh đạo UBND xã Na Tông tiếp nhận vũ khí do người dân trên địa bàn giao nộp.

Xây dựng xã điểm thực hiện tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ là cách làm sáng tạo huyện Điện Biên đã triển khai, mang lại hiệu quả khi nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ. Mô hình điểm triển khai tại 2 xã Mường Nhà và Na Tông. Thực tế tại các địa phương này, người dân đã quen việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để săn bắn, bảo vệ mùa màng và thực hiện các nghi lễ theo phong tục, tập quán của dân tộc. Vì vậy, số lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được người dân cất giữ khá nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý. Xây dựng mô hình điểm, cán bộ, đảng viên cùng lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, công an) triển khai đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Các xã còn tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 16/2/2024 của UBND huyện Điện Biên về xây dựng mô hình xã điểm thực hiện tốt công tác thu hồi và phòng chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Ban Chỉ đạo xã Na Tông phối hợp với Công an huyện Điện Biên và Đồn Biên phòng Mường Nhà tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó lực lượng công an làm nòng cốt trực tiếp xuống địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến các cơ quan, doanh nghiệp trường học và nhân dân trên địa bàn. Kết hợp tuyên truyền lồng ghép khi họp dân, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Từ tuyên truyền, vận động, người dân xã Na Tông đã tự giác nộp 24 súng kíp, 20 súng cồn, 6 khẩu bắn bi sắt và các phụ kiện khác, như: Bi sắt, thuốc súng, đạn nổ...

Cơ quan chức năng huyện Điện Biên thu hồi vũ khí trong nhân dân.

Với mục tiêu làm trong sạch địa bàn, kéo giảm tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, huyện Điện Biên đã tổ chức 751 buổi họp tuyên truyền tại thôn bản với 20.400 lượt người tham gia. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, huyện Điện Biên xây dựng các tin, bài liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đăng tải trên mạng xã hội facebook, zalo... Phát 50.200 tờ rơi tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; 25.112 phiếu tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Tổ chức cho 275 thôn, bản; 54 cơ quan, doanh nghiệp; 69 nhà trường; 25.160 hộ gia đình ký cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, huyện đã huy động sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, văn hóa, trường học và các phòng, ban, cơ quan, đoàn thể xã, trưởng các thôn, bản, bí thư chi bộ thôn, bản, công an viên… Trong đó, lực lượng công an làm nòng cốt trực tiếp tham mưu cho UBND các cấp triển khai thực hiện kế hoạch; chỉ đạo thành lập 189 tổ công tác với 1.985 thành viên trực tiếp phụ trách các địa bàn để tổ chức tuyên truyền, vận động, thu hồi.

Các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do người dân tự giác giao nộp.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến về hậu quả, tác hại và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ đã giúp người dân nhận thức được hậu quả, tính nguy hiểm để tự giác giao, nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Huyện tiếp tục củng cố và duy trì 01 cụm liên kết về ANTT; 22 tổ an ninh nhân dân; 125 tổ hòa giải thôn, bản; 01 tổ tuyên truyền viên pháp luật; 87 tổ tự quản về ANTT. Duy trì 90 tổ tự quản đường biên mốc giới; 186 tổ hoà giải thôn, bản; 65 tổ tuần tra nhân dân... Nhân rộng 2 mô hình xã điểm thực hiện tốt công tác thu hồi và phòng, chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; 12 xã biên giới sạch về ma túy.

Người dân xã Na Tông tự giác giao nộp súng tự chế.

Bằng sự vào cuộc của các lực lượng, đơn vị, địa phương, 5 tháng qua, huyện Điện Biên đã vận động thu hồi 165 khẩu súng tự chế các loại; trong đó 128 khẩu súng kíp; 30 khẩu súng hơi cồn; 05 khẩu súng tự chế; 02 khẩu súng hơi PCP… Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Điện Biên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top