Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Núp bóng internet để xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước

14:14 - Thứ Năm, 27/10/2022 Lượt xem: 3802 In bài viết

ĐBP - Thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh hàng đầu thế giới. Độ phủ sóng của internet góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, mảng tối của internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đến trật tự an toàn xã hội, tác động xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và an ninh quốc gia.

Nhận diện thông tin xuyên tạc trên không gian mạng

Ưu điểm của mạng internet là khả năng kết nối vô hạn và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch và các đối tượng xấu đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước. Đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân và tổ chức.

Không khó để nhận ra các hành vi quấy phá trên mạng internet làm mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Chỉ cần mở điện thoại và truy cập vào các trang mạng xã hội, các website có thông tin mù mờ là chúng ta có thể bắt gặp những tin giả, tin đồn thất thiệt. Nếu như không tỉnh táo, bản lĩnh thì sẽ dễ dàng mắc mưu và dẫn đến tâm lý, hành động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và an ninh quốc gia.

Những tin xấu, tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: tuyengiao.vn

Điển hình là sự việc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cơ quan công an bắt. Xung quanh sự việc này đã xuất hiện rất nhiều tin đồn và thuyết âm mưu rằng vụ việc có liên quan đến các vị lãnh đạo, quan chức, liên quan đến sự đấu đá trong nội bộ Đảng… Các thông tin xuyên tạc này được thổi phồng và ghép nối rất tinh vi. Người đọc nếu không đủ hiểu biết, bản lĩnh và sự tỉnh táo thì rất dễ bị mắc lừa và tin vào những thông tin sai sự thật đó. Khi được hỏi ra thì những thông tin người đọc có được đều từ các trang thông tin mù mờ, không rõ nguồn gốc hoặc từ các website chuyên đưa thông tin phản động. 

Mặc dù các lãnh đạo đầu ngành đã trả lời rất rõ ràng về vụ việc này trên Đài truyền hình Việt Nam, tuy nhiên vẫn có không ít người bán tín bán nghi về những thông tin nghe được ở các trang mạng. Nhiều người tiếp nhận thông tin trên internet một cách rất ngây thơ. Họ không biết rằng rất nhiều diễn đàn, website, blog, trang facebook, youtube… được lập ra bởi các tổ chức phản động, khủng bố, như: “Hội anh em dân chủ”, “Việt Tân”… Chúng cố tình phát tán các thông tin, ảnh, clip xấu, xuyên tạc nội dung để bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta, đồng thời chia rẽ tình đoàn kết của các dân tộc anh em. 

Bên cạnh đó, một số trang báo chí của nước ngoài như BBC Việt ngữ, RFA… cũng thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa của nhà nước. Chúng tấn công ở tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đối nội, đối ngoại, tôn giáo, quốc phòng, an ninh… Đối tượng công kích không chỉ có Đảng, Nhà nước, các cán bộ lãnh đạo mà còn có các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, người nổi tiếng… Tất cả đều có thể trở thành mục tiêu để các đối tượng xấu đặt điều xuyên tạc.

Chẳng hạn như việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua thông qua việc bỏ phiếu một cách dân chủ, công khai tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này thể hiện sự uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trên trang Facebook, tổ chức Việt Tân đã đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng kết quả như vậy là do Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc vào quốc gia khác. 

Rất nhiều tin xấu, tin độc trên mạng hiện nay đều thổi phồng, phóng đại những tiêu cực trong xã hội; bóp méo chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Từ đó gây kích động, chia rẽ, gây mất niềm tin ở người dân. Đồng thời chúng cố tình tạo nhận thức sai lệch, phá hủy nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, bác bỏ giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Thông thường những kẻ xấu thường đăng tải thông tin với chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn, kích động người đọc. Đơn cử như sự việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa qua. Một số đối tượng đã đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Theo đó, các đối tượng đã đăng bài lên mạng xã hội xuyên tạc rằng Ngân hàng SCB vỡ nợ, đồng thời kêu gọi người dân rút tiền. Điều này không chỉ gây tâm lý bất an cho nhiều người gửi tiền ở ngân hàng này, mà còn gây mất an ninh trật tự địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định sẽ đảm bảo cho Ngân hàng SCB hoạt động ổn định bình thường. Các khoản tiền gửi của người dân luôn được đảm bảo trong bất cứ trường hợp nào. Người dân không nên rút tiền trước thời hạn để đảm bảo quyền lợi.

Sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhiều chủ tài khoản Facebook đã bị cơ quan công an lập hồ sơ xử lý vì hành vi đăng thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng và mất trật tự xã hội.

Ngăn chặn phát tán tin xấu, độc trên internet

Trước những thông tin trên mạng xã hội, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng. Bản thân mỗi người cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo khi tiếp nhận mọi thông tin. Điều này càng quan trọng hơn với các cán bộ, đảng viên. Nếu không có sự sáng suốt thì cán bộ, đảng viên có thể mắc bẫy trước những thông tin bịa đặt. Hành vi bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin sai lệch chính là hành vi tiếp tay cho những đối tượng xấu.

Cần đấu tranh mạnh mẽ với những thông tin xấu trên không gian mạng. Ảnh: baoninhbinh.org.vn

Để tránh những tác hại của tin xấu trên không gian mạng, mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên cần thiết lập cho mình bản lĩnh vững vàng, sự hiểu biết để nhận thức thức sâu sắc mọi vấn đề. Không a dua, lan truyền những tin xấu đó. Đồng thời cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó giúp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta dày công xây dựng từ lâu. 

Bên cạnh đó, mỗi công dân Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần có lập trường quan điểm vững chắc; có lối sống trong sáng, giữ gìn đạo đức. Đồng thời cần thận trọng kiểm chứng mọi thông tin khi tiếp nhận và lan truyền. Như vậy các thông tin xấu, thông tin sai sự thật sẽ không còn chỗ dung thân.

Bài, ảnh: Mai Ngọc
Bình luận
Back To Top