Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo đảm an toàn an ninh mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

07:27 - Thứ Ba, 15/11/2022 Lượt xem: 3521 In bài viết

ĐBP - Sự phát triển của mạng internet cùng với sự ra đời của nhiều thiết bị thông minh giúp việc lan tỏa thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền những thông tin xuyên tạc về uy tín của Đảng và Nhà nước. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của vấn đề an ninh mạng trong việc bảo vệ nền tư tưởng của Đảng và lợi ích của người dân trên không gian mạng.

Bảo đảm an toàn an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng trong thời đại mới. Ảnh: dangcongsan.vn

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cốt lõi

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định CNXH và con đường đi lên CNXH là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đã được Tổng Bí thư khẳng định trong nhiều bài viết. Điều này càng củng cố niềm tin vững chắc của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân vào con đường đi lên CNXH cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn mà Đảng ta đang phải đối mặt. Trong đó phải kể đến thách thức từ các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để gây rối, chống phá CNXH ở Việt Nam. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải nhận diện được âm mưu “diễn biến hòa bình” của những thế lực xấu. Đồng thời thấy được các quan điểm sai trái của chúng để kiên quyết đấu tranh, phản bác, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phá hoại tư tưởng và gây chia rẽ trong nội bộ Đảng. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi và đa dạng. Trong đó hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là mối nguy hiểm khôn lường. Những hành vi này đã tác động tiêu cực đến một số cán bộ, đảng viên và người dân. Chúng gây tâm lý hoang mang và làm suy giảm lòng tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH mà chúng ta đã lựa chọn.

Trước những thách thức như trên, Đảng và Nhà nước luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng lên hàng đầu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định và các giải pháp để ứng dụng cũng như phát triển CNTT trong mọi lĩnh vực. Nhiệm vụ này luôn gắn liền với bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Bảo đảm an toàn không gian mạng cũng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành. Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018. Theo đó, nhiệm vụ bảo đảm an toàn an ninh mạng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ tối quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Nhiệm vụ này có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng Đảng và phát triển đất nước.

Nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch trên không gian mạng

Những năm gần đây, lợi dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, các thế lực phản động đã có nhiều thủ đoạn tinh vi để chống phá, bôi nhọ và hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đòi đa đảng đối lập. Các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để không gian mạng để đưa ra những quan điểm sai trái. Chúng tung lên mạng những tin xấu, tin độc, xuyên tạc sự thật tác động tiêu cực đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân. Mục đích của chúng là gây chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và nhà nước ta.

Đặc biệt, các thế lực phản động luôn lợi dụng các sự kiện quan trọng của đất nước để tuyên truyền lên không gian mạng những thông tin xuyên tạc hạ thấp uy tín của Đảng. Phương thức thực hiện và thủ đoạn của bọn chúng ngày càng tinh vi và nguy hiểm.

Thủ đoạn chống phá của các thế lực ngày càng tinh vi (ảnh vtn.vn)

Theo điều tra của Cục An ninh chính trị nội bộ thì trong thời gian chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch đã có nhiều hành vi chống phá, như: Tạo hàng ngàn trang MXH giả mạo các cá nhân và tổ chức uy tín để tuyên truyền các thông tin xấu. Chúng còn tạo các trang núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường… để thu hút người đọc. Qua đó lan truyền các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng cắt ghép hình ảnh, lan tỏa thông tin lượm lặt không đúng sự thật nhằm phê phán chính quyền, bôi nhọ uy tín của Đảng. Bên cạnh đó, chúng còn phát tán “thư ngỏ”, “đơn kêu cứu”, “tâm thư”... để lôi kéo sự chú ý của dư luận; đồng thời, cổ súy cho các quan điểm, hoạt động cực đoan.

Không chỉ chống phá Đảng, Nhà nước, các thế lực phản động còn chĩa mục tiêu vào người dân để lừa đảo. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng, gây nên những thiệt hại không nhỏ. Từ đó làm mất niềm tin của người dân đối với chế độ xã hội. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch rất tinh vi khiến nhiều người mất cảnh giác và sập bẫy.

Vai trò của các doanh nghiệp viễn thông

Có thể thấy công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của người dân trên không gian mạng là rất quan trọng. Nhận thức được điều này, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đã nỗ lực góp sức mình vào công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, mang lại hiệu quả cao.

Trong những sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 25/1 - 2/2/2021), bầu cử Quốc hội khóa XV, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn an ninh mạng. Ngoài ra các nhà mạng cũng lên kế hoạch dự phòng sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện.

Cùng với việc ra sức bảo vệ an toàn, an ninh mạng, các khối doanh nghiệp viễn thông cũng chú trọng bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời tăng cường truyền thông các thông tin chính thống. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Mai Ngọc
Bình luận
Back To Top