Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cảnh giác thông tin xuyên tạc từ việc tăng giá điện

14:47 - Thứ Sáu, 12/05/2023 Lượt xem: 2126 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, lợi dụng việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện bán lẻ 3% kể từ ngày 4/5/2023, một bộ phận thù địch và cơ hội chính trị đã liên tục đăng tải bài viết xuyên tạc. Người dân và bạn đọc cần cảnh giác, sàng lọc kỹ các thông tin tiếp nhận, đấu tranh đẩy lùi thông tin xuyên tạc, xấu độc.

Các thông tin chống phá đưa ra cho rằng EVN (với sự hậu thuẫn của Nhà nước) đã cố tình tăng giá bán lẻ điện là để bù lỗ cho khoản tiền 26.200 tỉ đồng năm 2022 và bịa đặt thông tin về tham nhũng… Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng phát biểu của phó tổng giám đốc EVN rằng, giá điện phải tăng 17% thì EVN mới có thể cân bằng được tài chính để tạo ra viễn cảnh EVN sẽ tiếp tục tăng giá “vô lý”, cứ lỗ là tăng giá để “hành dân”, “cướp” tiền của dân…

Trước hết, về phát biểu của phó tổng giám đốc EVN, chúng ta dường như đã quá để tâm đến con số 17% mà quên mất rằng thực tế EVN chỉ tăng 3%; hơn nữa việc liên tục tăng giá điện trong khoảng thời gian ngắn là điều không được phép xảy ra. Lần điều chỉnh giá bán điện gần nhất là vào ngày 20/3/2019 và tính đến tháng 3/2023 thì 4 năm EVN chưa điều chỉnh giá điện. Trong khi giá điện chưa điều chỉnh 4 năm qua, thì giá than, giá khí đốt và giá dầu đã tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí là gấp 5 lần. Nói một cách dễ hiểu, EVN nếu không điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ tiếp tục lỗ. Vậy số tiền lỗ trong 4 năm đó sẽ được xử lý và giải quyết như thế nào, ai trả tiền cho nhân viên, ai trả tiền duy trì hoạt động công ty… Ngoài ban lãnh đạo EVN, Chính phủ đã “đứng mũi chịu sào” giải quyết vấn đề nan giải đó. Hơn nữa trong 4 năm qua GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trong khi lạm phát luôn được giữ vững dưới 4%. Vậy nên, chúng tôi hy vọng mỗi người hãy đánh giá sự việc một cách khách quan và công tâm.

Một vấn đề nữa là tại sao cứ phải làm quá con số 3% kia? Hãy nhìn sang Nhật Bản, vào đầu năm 2023 đã có 7 trong số 10 công ty điện lực lớn nhất Nhật Bản nộp đơn lên bộ, ngành liên quan để tăng giá điện theo quy định cho các hộ gia đình. Con số điều chỉnh giá điện mà các công ty của Nhật Bản mong muốn lên đến hơn 45%, gấp 2,6 lần so với con số 17% của Việt Nam; và thực tế giá điện tại quốc gia này đã tăng 30%, gấp 10 lần con số 3% của chúng ta. Giải thích cho sự tăng giá khủng khiếp này, Nhật Bản có rất nhiều công ty kinh doanh điện lực, với tính cạnh tranh đó, có công ty làm ăn sinh lời thì bắt buộc các công ty còn lại phải chấp nhận lỗ. Do đó, việc các công ty liên tiếp “yêu cầu” chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và tăng giá điện là điều dễ hiểu. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng hóa đơn hàng tháng cho các hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp… từ đó gia tăng gánh nặng cho người dân tại Nhật Bản.

Về việc tăng giá điện của Việt Nam, phó tổng giám đốc EVN cho biết, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3% so với mức hiện hành thì tiền điện của hộ sản xuất tăng thêm 307.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh, dịch vụ tăng thêm 141.000 đồng/tháng; hộ sử dụng điện sinh hoạt 50 kWh/tháng chỉ tăng thêm 2.500 đồng/hộ (https://thanhnien.vn/tien-dien-moi-gia-dinh-se-tang-bao-nhieu-khi-evn-tang-gia-ban-le-dien-185230504191203992.htm).

Như vậy, cùng với việc lương bắt đầu tăng từ 1/7/2023, việc tăng giá điện là hoàn toàn hợp lý và phù hợp. Hy vọng rằng mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin cần thận trọng, cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc của thế lực thù địch và mạnh dạn đấu tranh, đẩy lùi các thông tin xấu độc để giữ môi trường mạng trong sạch.

Ngọc Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top