Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái

10:33 - Thứ Tư, 15/11/2023 Lượt xem: 3570 In bài viết

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Kẻ thù chống phá ta nhiều mặt, nhưng tập trung nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Chúng chọn đây là mũi đột phá, có sức lan tỏa, tác động nhanh nhất đến công chúng xã hội theo ý đồ thâm độc của chúng là lật đổ Đảng và chế độ ta”. Cùng với việc đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, chúng ta cần tăng cường cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhận diện thông tin, quan điểm sai trái

Thông tin sai trái là thông tin không đúng sự thật, trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là điều cần phải phê phán, uốn nắn những ai đã sử dụng các thông tin sai trái để tuyên truyền, quảng bá, thậm chí lồng ý kiến cá nhân với một động cơ chính trị vụ lợi, dùng thông tin sai trái biện minh cho quan điểm của mình, từ đó gây sức ép với Đảng, Nhà nước phải chấp nhận ý kiến của mình - đó là quan điểm sai trái, cần kiên quyết vạch trần, bác bỏ.

Nhưng, quan điểm sai trái có các cấp độ khác nhau. Cấp độ thứ nhất: Có người khi truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách, khi phát biểu ý kiến thì tán đồng, nhưng khi triển khai công tác cụ thể thì làm ngược lại. Cấp độ thứ hai: Trong truyền đạt nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, họ đã tranh thủ lồng quan điểm, ý kiến cá nhân, làm cho người nghe phân tâm, thậm chí gây hoang mang, dao động. Cấp độ thứ ba: Bên ngoài, họ có vẻ công nhận về cơ bản học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn, nói và viết thì họ phủ nhận hầu như toàn bộ thành tựu; chỉ tô đậm mặt yếu kém, tiêu cực trong quản lý, điều hành nền kinh tế cũng như các chủ trương, chính sách của chúng ta về đối nội, đối ngoại. Cấp độ thứ tư: Họ phủ định sạch trơn những giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định toàn bộ thành tựu của chủ nghĩa xã hội; phủ nhận ý nghĩa to lớn của các cuộc kháng chiến chống xâm lược cùng các thành tựu của nhân dân ta trong đổi mới và hội nhập hiện nay. Họ dùng những thông tin đó nhằm chia rẽ, kích động cán bộ, đảng viên, tập hợp lực lượng để lật đổ Đảng và chế độ. Đó là thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.

Để phân loại các cấp độ biểu hiện khác nhau, cần phân loại các đối tượng để ta có đối sách đấu tranh, phân hóa, thuyết phục. Loại thứ nhất: Không nghiên cứu hệ thống, nhưng lại tỏ ra hiểu “thiên kinh vạn quyển”. Khi viện dẫn lại cắt xén; trong truyền đạt, trò chuyện chỉ coi ý kiến mình là đúng; chỉ có cách diễn đạt của mình mới nói được bản chất chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Loại thứ hai: Chỉ nghe một chiều. Đặc biệt hiện nay, nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, họ chỉ đọc, xem trên mạng những luận điệu của các thế lực cơ hội, thù địch; từ đó, mang các thông tin trên mạng nói lại cho người khác nghe, không có phân tích, không có kiểm chứng. Loại thứ ba: Do bất mãn cá nhân, cố tình tung thông tin sai, hoặc xuyên tạc sự thật để “nói cho hả dạ”, lôi kéo những người xung quanh tán đồng với mình. Loại thứ tư: Họ sử dụng thông tin sai trái vào mưu đồ chính trị với động cơ chính trị; muốn hình thành “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng, ra đời một đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đã đứng vào hàng ngũ của “thế lực thù địch”.

Những nội dung cụ thể của luận điểm sai trái

Về tư tưởng chính trị: Tập trung phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin; theo đó phủ định chủ nghĩa xã hội với các cấp độ khác nhau.

Biểu hiện thứ nhất, họ cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin ngay từ đầu được vận dụng vào Việt Nam là đã “không phù hợp”. Theo họ, chủ nghĩa Mác ra đời khi Mác - Ăngghen chỉ nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị ở một số nước tư bản ở châu Âu, mà tập trung là ở Nga, Pháp, Đức và Anh… Cho nên không thể có một học thuyết nảy sinh từ phương Tây, lại đem áp dụng vào Việt Nam!

Biểu hiện thứ hai, trong sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản hiện nay, từ chỗ “không phù hợp”, chủ nghĩa xã hội đã thực sự tỏ ra “rất lạc hậu”, bởi từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới không còn hai hệ thống tư bản chủ nghĩa đối lập với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Vậy chủ nghĩa Mác - Lênin đâu còn nữa? Từ phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, họ phủ định toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về vấn đề dân chủ, họ cho rằng, không thể có dân chủ ở Việt Nam khi Đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước và xã hội Việt Nam như Hiến pháp quy định. Lập luận của họ là: Thứ nhất, khi theo chế độ một đảng, tất yếu dẫn tới chế độ độc tài, độc trị; và đã độc tài, độc trị thì không thể có dân chủ. Không có dân chủ, đất nước không thể phát triển. Thứ hai, đã là độc đảng thì sẽ kéo theo độc quyền, tham nhũng… Thứ ba, là đảng độc quyền nên Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên vi phạm nhân quyền, ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Họ tập trung kích động dư luận quốc tế lên án Việt Nam khi chúng ta xử lý những người chống lại Đảng, Nhà nước. Thứ tư, họ đòi để đất nước này có dân chủ đích thực, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Về “nền kinh tế thị trường” định hướng xã hội chủ nghĩa: Họ bác bỏ hoàn toàn và cho rằng, đây là luận điểm mị dân, là sự thể hiện quyền lực của một nhóm người đang lãnh đạo đất nước, muốn nắm và chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Công nhận kinh tế thị trường là công nhận kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng gắn với “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì là sự khiên cưỡng, duy ý chí...

Về văn hóa: Họ khuếch trương cái gọi là “sự tiên tiến của văn hóa phương Tây” vì ở đó đề cao “cái tôi” cá nhân, đề cao dân chủ, nhân quyền…

Những biểu hiện đáng chú ý trong thời gian gần đây của các thế lực cơ hội, thù địch đó là, khuếch trương cái gọi là “sự đấu đá, trừng phạt nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam” thông qua việc Đảng, Nhà nước ta quyết tâm xử lý cán bộ vi phạm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khi Trung ương Đảng ta ban hành Quy định “19 điều đảng viên không được làm” thì họ cho rằng, Đảng đã “tước đoạt quyền tự do cá nhân”, trái ngược với tiêu chí Đảng đã đề ra là “độc lập, tự do, hạnh phúc”...

Một điều đặc biệt, như đã thành quy luật, mỗi khi chuẩn bị diễn ra các hội nghị trung ương, các kỳ họp Quốc hội, nhất là khi tổ chức Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, thì họ huy động “tối đa công suất” các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm vu cáo “tội của ông A, bà B” - những người đang có quyền lực, “có liên quan các vụ việc tiêu cực” do họ nặn ra hoặc thổi phồng, rồi đòi cấp trên “phải xem xét, xử lý”, gây sự phân tâm, hoang mang trong dư luận xã hội…

Ngăn ngừa và làm quyết liệt từ bên trong

Trước những thông tin, luận điểm sai trái trên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đấu tranh phản bác, qua đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như sự ổn định của đất nước.

Thứ nhất, cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta và thế giới; khẳng định sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc hàng đầu của một đảng cách mạng chân chính.

Trước hết, chúng ta cần chỉ rõ, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, mang bản chất cách mạng và khoa học; có sức sống bền vững vì mang tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn, coi con người là trọng tâm của sự phát triển; mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát phục vụ con người… Lúc sinh thời, cả Mác, Ăngghen, Lênin đều khẳng định học thuyết của các ông không bất biến, không đóng kín... Chính Mác, Ăngghen, Lênin đã nhiều lần điều chỉnh một số điểm trong học thuyết của mình.

Theo hướng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn vận dụng sáng tạo, góp sức bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Ví dụ, về điều kiện ra đời một đảng cách mạng, nếu ở các nước tư bản chủ nghĩa, Mác chỉ nói đến hai điều kiện: Phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng với đặc thù của mình, Đảng ta nói tới ba điều kiện để có một đảng cách mạng chân chính: Chủ nghĩa yêu nước; chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Đặc biệt, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự sáng tạo cực kỳ có ý nghĩa của Đảng ta trong việc bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, được các đảng cộng sản, đảng cánh tả trên thế giới ghi nhận.

Đảng ta nhất quán mục tiêu: Coi trọng phát triển kinh tế gắn liền với văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách cụ thể. Đây chính là điểm căn cốt của nội hàm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cần khẳng định rằng, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, chứ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết với tư cách là học thuyết khoa học về chủ nghĩa xã hội.

Về đối ngoại, chúng ta kiên trì nguyên tắc: Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, nhất quán chủ trương “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới; là thành viên có trách nhiệm đối với quốc tế”.

Cần bác bỏ luận điểm cho rằng, việc duy trì một đảng “tất yếu dẫn đến tình trạng độc quyền, độc tài, độc trị, tham nhũng tràn lan” (!) Thực tế chứng minh rằng, nếu chỉ có chế độ đa đảng mới có tự do, dân chủ là hoàn toàn ảo tưởng. Trên thực chất, chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị. Đó là sự phân chia quyền lực giữa các đảng với nhau…

Từ phân tích trên đây, chúng ta rút ra hai kết luận: Một là, duy trì chế độ độc đảng hay đa đảng không phải là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, độc tài, độc quyền. Hai là, việc duy trì độc đảng hay đa đảng phụ thuộc vào những điều kiện chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia; vào quyền tự quyết của dân tộc đó chấp nhận độc đảng hay đa đảng. Điều này phù hợp với Điều 1, Công ước Liên hợp quốc về quyền dân sự.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp tư tưởng. Trong tình hình hiện nay, cần tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, đánh giá đúng nguyên nhân những quan điểm sai trái, thù địch. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phải khẳng định, nguyên nhân bên trong là chủ yếu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là do chúng ta, tất nhiên có sự tác động từ bên ngoài. Do vậy, ngăn ngừa từ bên trong và làm quyết liệt từ bên trong thì mới tạo ra sự chuyển biến căn cốt trong tư tưởng và hành động.

Cần thay đổi mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, coi trọng việc gắn lý luận với thực tiễn, chọn cách diễn đạt phù hợp với từng loại đối tượng người nghe, đề cao yêu cầu sát cơ sở, bảo đảm tính thuyết phục, tính hấp dẫn, tính hiệu quả. Cần tranh thủ phân hóa, lôi kéo những người từ chỗ chống đối cực đoan đến chỗ họ từng bước giác ngộ, nhận ra sự thật và lẽ phải.

Tóm lại, các thế lực cơ hội, thù địch không phải muốn làm gì thì đều làm được, một khi công tác tư tưởng được gắn chặt công tác tổ chức và tiến hành nhất quán; một khi các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần cảnh giác và tích cực đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một khi Đảng và Nhà nước ta phát hiện sai lầm, thì dũng cảm sửa chữa, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn từng thời kỳ… - thì đó chính là cơ sở quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh, làm thất bại mọi mưu toan, thủ đoạn của các thế lực xấu xa; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top