Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch

15:34 - Thứ Năm, 21/12/2023 Lượt xem: 2502 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Chúng sử dụng thế mạnh về internet để kích động, tạo tin đồn xuyên tạc, bóp méo sự thật, sử dụng mạng xã hội để loan tin công kích nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã và đang làm tốt công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) nhằm định hướng tư tưởng trong nhân dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tỉnh duy nhất có biên giới tiếp giáp 2 nước: Lào, Trung Quốc với tổng chiều dài 455,573km, đời sống và nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật còn hạn chế. Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Trước tình hình đó, hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời quán triệt, triển khai hiệu quả Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ” (gọi tắt là Kết luận 100).

Tại huyện Mường Nhé, căn cứ vào chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên lĩnh vực được giao. Với nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, những diễn biến trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trên địa bàn; lực lượng tuyên giáo huyện kịp thời tham mưu với cấp ủy, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết, nhất là những vấn đề mới phát sinh, nổi cộm trên địa bàn.

Bà Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Những bức xúc hoặc vướng mắc về tư tưởng bắt nguồn từ nhận thức chưa thấu đáo, vướng mắc hoặc một số hạn chế trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, công tác tuyên giáo cần đi trước để dự báo, định hướng, trong các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm.

Để việc nắm bắt DLXH đúng, trúng, qua các nhiệm kỳ hoặc từng giai đoạn cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra; đa dạng hóa cách thức, phương pháp nắm bắt, tổng hợp tình hình bằng nhiều kênh thông tin. Cụ thể như: Phối hợp điều tra xã hội học; qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên, thông qua các hội nghị giao ban… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì chế độ giao ban báo chí thường kỳ hàng tháng và đột xuất; cung cấp các tài liệu thông tin tổng hợp, thông tin chuyên đề, bản tin sinh hoạt chi bộ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành định kỳ (41.340 cuốn/năm), kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, sinh hoạt chi bộ và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.

Không chỉ chú trọng công tác nắm bắt thông tin, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ báo cáo viên các cấp cũng được cấp ủy các cấp phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 5 báo cáo viên Trung ương, 44 báo cáo viên cấp tỉnh, 299 báo cáo viên cấp huyện; hơn 3.200 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt, kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách pháp luật, tình hình thời sự trong nước, quốc tế, trong tỉnh tới nhân dân. Đồng thời báo cáo viên là kênh thông tin để tiếp nhận những phản hồi, phản ánh từ cơ sở, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, với các cơ quan báo chí, như: Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các cơ quan có ấn phẩm báo chí trong tỉnh cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các địa phương đảm bảo tính định hướng, nhất là các vấn đề về thời sự, chính trị được dư luận quan tâm.

Có thể nói, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội với nhiều cách làm phù hợp thực tiễn địa phương. Điển hình như công tác đền bù giải phóng mặt bằng; công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản; công tác tôn giáo; công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh; các thông tin trái chiều trên internet, mạng xã hội... Từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần củng cố, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top