Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Ngôi nhà chung giữa biển

15:14 - Thứ Ba, 18/07/2023 Lượt xem: 6814 In bài viết

Cách đất liền gần 500km, đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trở thành ngôi nhà chung của ngư dân-nơi họ luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân).

Ấn tượng với tôi khi đến đảo Đá Tây là được tận hưởng cảm giác sống trong không khí sôi động của một làng chài giữa biển khơi. Ở đây, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ ngư dân vươn khơi dài ngày giống như những gì tôi vẫn thấy ở các làng chài giáp các cảng lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Trung Bộ. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây so với các làng chài trong đất liền là luôn có lực lượng cứu hộ, cứu nạn thiện chiến trực 24/24 giờ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong bất kể tình huống nào.

Một góc âu tàu đảo Đá Tây.

Trò chuyện với Thượng tá Lê Hữu Phước, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây và được chứng kiến công việc kiểm tra phương tiện cứu hộ, cứu nạn đầu giờ làm việc buổi sáng, tôi mới thấy hết cái tâm và tinh thần trách nhiệm của những người giữ biển nơi đầu sóng ngọn gió. Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây có dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, nước da đen. Anh thổ lộ bí quyết quan trọng nhất để đảo hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển là phải tổ chức huấn luyện chặt chẽ và sát thực tế. Đảo luôn duy trì nghiêm các chế độ trực, đặc biệt là trực sẵn sàng chiến đấu, khi có tình huống là xử lý được ngay, không để bị động, bất ngờ.

Anh Phước chia sẻ: Cứu hộ, cứu nạn trên biển là việc khó, vì dễ phát sinh nhiều tình huống khó lường. Có hôm đảo nhận lệnh cứu hộ, cứu nạn trong đêm tối, giữa lúc sóng to gió lớn. Nhiều lần cứu nạn ngư dân thành công nhưng cũng có lần chưa mang lại kết quả tốt đẹp. Như tháng 8 năm ngoái, nhận lệnh đến cứu nạn một tàu cá của ngư dân bị nạn cách đảo vài hải lý, tổ cứu hộ, cứu nạn đã dùng xuồng cơ động tới hiện trường. Tàu cá bị mắc cạn, thủng khoang máy, nước ngập máy chính, không còn khả năng hoạt động, có nguy cơ bị chìm. Lúc ấy trên tàu có 15 lao động. Sau khi đã cứu được các ngư dân, anh em loay hoay tìm phương án đưa tàu về âu nhưng không thực hiện được vì không có phương tiện công suất lớn. Sau đó có tàu trực của Quân chủng Hải quân đến ứng cứu, mặc dù đã nỗ lực cứu kéo nhưng do các lỗ thủng trên tàu cá ngày càng lớn, không thể khắc phục được, nước tràn khoang, đành phải bỏ lại tàu.

Ở đảo Đá Tây, ngư dân được mua đá lạnh bằng giá trong đất liền.

Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Chính trị viên đảo Đá Tây tiếp lời Thượng tá Lê Hữu Phước rằng: Đầu tháng 4/2023, sóng to, gió lớn, hơn 100 tàu cá với hàng trăm ngư dân vào âu tàu tránh trú. Tình hình khá căng vì lúc ấy trên đảo lượng lương thực, thực phẩm có hạn. Cán bộ, chiến sĩ ở trên đảo phải chia sẻ gạo, mì ăn liền, rau xanh và một số nhu yếu phẩm trong tiêu chuẩn của mình cho ngư dân trên các tàu cá.

Tại âu tàu đảo Đá Tây, tôi thấy khá nhiều tàu cá đánh bắt quanh khu vực gần đảo trở về đây. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bách, những ngày giữa tháng âm lịch, trăng sáng khiến tàu cá của ngư dân không thể khai thác hải sản. Vì thế ngư dân thường tranh thủ vào nghỉ trăng từ 2 đến 3 ngày và bổ sung thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây hỗ trợ ngư dân lương thực.

Hướng mặt ra phía âu tàu, tôi thấy tàu cá BTh 98997 TS lượn một vòng cung rồi từ từ cập vào cầu cảng. Mấy ngư dân lên cầu cảng, bàn tay nhanh thoăn thoắt cột dây mũi, dây lái vào cọc bích trên cầu cảng. Một lúc sau, bộ phận làm các dịch vụ của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp những dòng đá nhỏ mềm mịn chảy thẳng xuống hầm lạnh của tàu cá để bảo quản hải sản. Tàu BTh 98997 TS hành nghề câu cá ngừ đại dương do ngư dân Võ Thành Trọng quê ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm thuyền trưởng. Trước đây, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 20-25 ngày, khi chuẩn bị hết nước đá là tàu phải vào bờ. Có những khi tìm đúng luồng cá mà gần hết nước đá cũng đành chịu vì có câu được cá cũng không thể bảo quản.

Từ khi âu tàu đảo Đá Tây đi vào hoạt động, anh Trọng cùng các ngư dân thường ghé vào đảo để tiếp thêm nhiên liệu, nước đá, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Cùng với việc các tàu dịch vụ hậu cần thu mua cá ngay trên biển thì giờ đây mỗi chuyến đi biển có thể kéo dài 2-3 tháng hoặc lâu hơn. Bà con ngư dân giảm bớt chi phí đi lại, tăng thu nhập sau những đợt đánh bắt. “Âu tàu đảo Đá Tây không chỉ tiếp nước ngọt miễn phí mà còn cung cấp nước đá, nhiên liệu, lương thực thực phẩm bằng giá với đất liền nên rất thuận lợi cho bà con ngư dân. Đặc biệt, những lúc bão gió, tàu bị hỏng máy hay có người đau ốm, anh em trên đảo rất nhiệt tình giúp đỡ”, anh Trọng nói.

Đánh bắt xa bờ ngư dân luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bất trắc, như ốm đau, bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp hay những lúc mưa dông, bão gió. Đã có những tai nạn bất ngờ ập đến với ngư dân khiến không ít gia đình mất đi trụ cột, những người vợ trở thành góa phụ, những đứa trẻ sớm mồ côi cha... “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm” - câu ca dao như tiếng lòng day dứt của những người vợ nơi đất liền khi chồng đi biển, phần nào nói lên sự hiểm nguy, chênh vênh của những ngư dân đánh bắt xa bờ.

Khách đất liền ra thăm đảo Đá Tây.

Nhiều năm đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa, ngư dân Nguyễn Thái Hưng quê ở tỉnh Bình Thuận, chủ tàu cá BTh 97659 TS không ít lần trực tiếp đối mặt với khó khăn, bất trắc trên biển. Trước đây, mỗi khi máy móc bị trục trặc không thể tự khắc phục thì tàu phải chờ đợi, nhờ tàu bạn kéo về bờ, không chỉ tốn nhiên liệu, mất thời gian đi lại mà còn rất nguy hiểm. Giờ đây, khi có bão, dông gió hoặc tàu bị hỏng hóc anh Hưng lại vào âu tàu để tránh trú và nhờ khắc phục sự cố. Anh Hưng kể: "Tháng tư vừa qua, tàu của tôi bị hỏng trục chân vịt, anh em không khắc phục được. May mà có các lực lượng ở âu tàu đảo Đá Tây giúp đỡ nên chỉ mất một ngày, tàu lại tiếp tục đi đánh bắt mà không phải về bờ, không bị lỡ chuyến đi biển như trước. Vào đảo là yên tâm lắm, như về nhà mình vậy".

Từ nhiều năm nay, đảo Đá Tây là điểm tiếp tế hậu cần của nhiều tàu cá các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận... Gần chục năm gắn bó với đảo Đá Tây, anh Võ Chí Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã sửa chữa cho hàng trăm lượt tàu của ngư dân. Anh không thể nhớ hết số lần giúp ngư dân khắc phục sự cố máy móc. Đối với bà con ngư dân khai thác hải sản trong khu vực, từ lâu anh Tuấn như người thân trong gia đình. Anh Tuấn cho biết: "Tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng sẽ được hỗ trợ sửa chữa không lấy tiền công. Khi thay thế vật tư, phụ tùng, ngư dân chỉ phải trả tiền bằng với giá trong đất liền. Đặc biệt, không chỉ nhận được sự giúp đỡ khi tàu bị hỏng hóc, được hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi không may gặp sự cố trên biển, ngư dân ra khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Trường Sa còn được các thầy thuốc trên đảo chăm sóc sức khỏe".

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với các lực lượng của Quân đội và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tích cực hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa. Các âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa đã và đang hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khi bị hỏng hóc”.

Nhiều năm qua, đảo Đá Tây không chỉ là nơi cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn là nơi tránh trú an toàn, điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ để phát triển kinh tế, khẳng định ngư trường và chủ quyền của nước ta từ bao đời nay.

Theo baohaiquanvietnam.vn
Bình luận
Back To Top