Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Tri thức bản địa trong văn hóa biển, đảo Việt Nam

10:37 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 7441 In bài viết

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260km và gần 2.800 hòn đảo lớn nhỏ. Vì vậy, có thể nói biển đảo là một thành tố được hình thành từ rất lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Do quá trình tiếp xúc lâu dài để làm ăn, sinh sống… trên biển nên những tri thức bản địa về biển, đảo là một trong những vốn quý được người Việt lưu giữ và trao truyền đến ngày nay.

Tri thức bản địa về biển, đảo là một trong những vốn quý được người Việt lưu giữ và trao truyền.

Tri thức bản địa là những kiến thức, kinh nghiệm được con người thu nhận trong quá trình lao động sản xuất, được tích lũy qua nhiều năm, nhiều đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, “Nói đến văn hóa biển đảo, không thể không nói đến kho tàng tri thức bản địa của cư dân biển đảo. Chủ thể văn hóa biển đảo Việt Nam đã sáng tạo và trao truyền cho thế hệ kế tiếp một kho tàng tri thức bản địa thật đa dạng và phong phú. Những ngư dân ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác vật lộn với biển cả, sóng gió, nên họ đã tích lũy được vốn tri thức rất phong phú về biển cả. Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho họ chén cơm, manh áo, mà còn là bảo bối để họ vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của bão gió trên biển, của sóng thần cao hàng mét, chục mét dội từ ngoài khơi vào đảo, vào ven biển. Những tri thức về biển cả không phải họ học được từ sách vở, hay trường lớp nào mà là từ trường đời”(1), từ thực tế cuộc sống, trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội.

Ngày xưa chưa có các phương tiện hiện đại về thông tin liên lạc, dự báo thời tiết như hôm nay, nên những kinh nghiệm đúc kết được từ việc bám biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngư dân trong cuộc mưu sinh của mình.

Người ta nhìn trời thấy ráng trời đang đỏ tươi bỗng nhiên trở màu tím bầm, ấy là hiện tượng báo trước cơn giông lớn, biển động. Hay khi trời đang xanh bỗng nhiên âm u, đang gió mùa mà có gió nồm Nam, khi kéo lưới thấy có vẩn đục, trên mặt nước xuất hiện những quầng sáng, thì chắc chắn trời sắp có bão hay thời tiết bất thường. Nhìn thấy cầu vồng ngắn như bàn tay, lợt lạt thì sắp có bão. Cầu vồng vừa lên mà tan ngay là coi chừng có giông. “Ngư dân cũng có thể nhìn mây để dự báo thời tiết. Nếu thấy mây đi từng đàn, giống như đàn gà có gà mẹ và gà con theo sau, hoặc thấy mây lớn mây bé đang chạy ra biển là sắp có bão. Mây chạy nhanh thì sắp có mưa to. Đặc biệt là vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, các cụ có nhiều kinh nghiệm thường ra biển xem trời mây. Nếu trời mây quang quẻ thì năm đó trời nóng nực, không có bão to nhưng nhiều cơn giông và mưa lớn. Nếu trời nhiều mây mà các cụ gọi là đống trời (những đám mây cuộn to lại, chồng xếp lên nhau tạo thành từng đống) thì năm đó sẽ có bão. Đống càng nhiều thì năm đó bão càng to, đống càng ít thì nếu bão vào cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Mây tụ hướng nào thì năm đó ắt có bão xuất hiện ở hướng ấy. Đống đằng Nam thì bão ở phía Nam, đống đằng Bắc thì bão ở phía Bắc. Đặc biệt những đám mây cuộn đen mà phía trên xuất hiện những đốm mây trắng nhỏ gọn lên thì năm đó bão sẽ rất to. Khi đi biển nhìn về phía Bắc thấy có nhiều mây là sắp có đợt không khí lạnh, chuẩn bị có gió Bấc về. Nếu có nhiều mây đen cuộn thì gió Bấc về rất nhanh trong khoảng một đến hai hôm, còn nếu nhiều mây trắng thì khoảng ba đến bốn ngày sau mới có gió Bấc”(2).

Những kinh nghiệm nhìn trời, nhìn mây này được ngư dân đúc kết lại thành những câu tục ngữ, những câu nói vần vè cho dễ nhớ: “Mây xanh trời nắng, mây trắng trời mưa; vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa”. “Kinh nghiệm của những người đã gắn bó cả cuộc đời với biển khơi được ngành Hàng hải Việt Nam tổng kết: trước khi bão đến thường xuất hiện mây ti, sau mây cao tích và mây tăng tích, rồi biến thành mây tích vũ và chuyển thành mây vũ tầng phủ đầy trời; chuẩn bị cho những đợt mưa to gió lớn”(3). Nhìn trăng, nhìn gió cũng có thể dự đoán thời tiết để đi biển hay không, chẳng hạn: “Quầng sáng bao bên ngoài mặt trăng là một dấu hiệu để nhận biết nắng mưa. Dự báo thời tiết vào trăng đêm rằm tháng 8 là chính xác nhất. Vào ngày này, ban đêm những người có kinh nghiệm thường nhìn lên trời hoặc bắc một chậu nước ra giữa sân để xem trăng. Dân gian có câu “sáng nguyệt, tối đất” nghĩa là trăng càng sáng quắc bao nhiêu thì trời càng rét bấy nhiêu, mà càng tối trăng thì trời càng ấm áp. Trăng càng sáng thì năm đó nghề chài lưới càng mất mùa”(4).

Những năm tháng bám biển cũng giúp ngư dân nhận biết thời tiết qua gió. Kinh nghiệm của họ cho thấy “nếu gió Bấc thổi ra vào buổi sáng thì tan rất nhanh, có khi chỉ tới buổi chiều là ngớt, còn thổi ra vào ban đêm thì lâu hơn, phải kéo dài ít nhất trong vòng ba ngày mới tan, đúng như câu tục ngữ đúc kết “sáng Bấc vội, tối Bấc dai”. Nhưng nếu gió Bấc ra buổi sáng mà trời có hiện tượng mù sương thì rét đậm và kéo dài khoảng bảy ngày. Đến khi nào trời hết sương mù, khi bình minh mặt trời rực đỏ, tía đỏ hồng mọi nơi, buổi trưa trời hửng nắng, rạn mây, là gió Bấc sắp tan”(5).

Ngoài ra, ngư dân thường hay quan sát hoạt động của các loài chim để có hành trình trên biển cho phù hợp. Chim đang ăn cá ở biển mà tự nhiên bay vào hướng đất liền là báo hiệu sắp có giông bão. Có lúc gió đang thổi mạnh lại thấy loài chim cứ thản nhiên bay ra biển thì báo hiệu trời sẽ êm gió.

Không chỉ xem trời, nhìn trăng, nhìn gió để đoán thời tiết, để có những quyết định ra khơi hay về kịp thời, mà còn phải có kinh nghiệm để tránh gió bão khi tàu ghe còn ở ngoài khơi. “Nhiều ngư dân từ tuổi trung niên trở lên trong đời họ không chỉ một vài lần gặp bão, họ phải chèo chống tránh bão nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, được truyền lại như những tri thức dân gian. Theo họ, khi bão đến thì gió và mưa lớn, nên không cho tàu chạy, càng chạy càng gặp nguy hiểm, nhưng cũng không được tắt máy tàu. Trên ghe có bất cứ vật gì nặng, thường là cái cào hay thùng phi, thì bỏ xuống nước để giữ mũi ghe, cho mũi ghe hướng về hướng bão; để cho ghe quay theo vòng tròn của bão, đồng thời cho máy nổ để tát nước trên ghe. Còn lúc đang đánh cá mà máy bị hỏng hay ghe thuyền hư thì phải cột cái mền hay cái áo trên cây sào để những ghe, tàu khác thấy mà đến cứu. Đây cũng được xem là trách nhiệm, tấm lòng, phẩm chất của người đi biển”(6).

Có thể nói, tri thức bản địa về thời tiết, khí hậu trong văn hóa biển đảo Việt Nam là một kho tàng về tri thức dân gian, kinh nghiệm sống, cách ứng xử của ngư dân Việt Nam với môi trường biển. Đây không chỉ là tài sản quý báu của các thế hệ ngư dân bám biển được trao truyền từ nhiều thế hệ mà còn cho thấy người Việt đã sống với biển, bám biển từ rất lâu đời cho đến tận ngày nay. Vì vậy, biển đảo không chỉ là không gian sinh tồn của ngư dân Việt mà còn thể hiện sự gắn bó lâu đời của người Việt với biển đảo. Những tri thức bản địa về văn hóa biển là một trong những minh chứng điển hình.

1) Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2020), “Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - Hệ thống và giá trị”, NXB Quân đội Nhân dân, tr.241-242. (2) Nguyễn Chí Bền, Sđd, tr.282. (3) Phan Xuân Biên (2015), “Giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo Nam Bộ”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo - bảo vệ và phát huy giá trị, NXB Thế giới, tr.348. (4) Nguyễn Chí Bền, Sđd, tr.284-285. (5) Nguyễn Chí Bền, Sđd, tr.283. (6) Phan Xuân Biên, Sđd, tr.348-349.

Theo QĐND điện tử
Bình luận

Tin khác

Back To Top