Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Phát triển kinh tế biển, đảo Quảng Ngãi tương xứng với tiềm năng, lợi thế

15:04 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 6102 In bài viết

Phát triển kinh tế biển, đảo luôn là ưu tiên, nhiệm vụ hàng đầu được các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quan tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với biển và tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển, đảo.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi hỗ trợ tàu cá của ngư dân địa phương trước khi ra khơi đánh bắt cũng như trong phòng, chống thiên tai.

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển; trong đó đáng kể là địa phương có 04 huyện, thị xã, TP ven biển và 01 huyện đảo. Cùng với đó, với tổng chiều dài bờ biển của tỉnh khoảng 130km và có 06 cửa biển; có cảng biển nước sâu Dung Quất; cộng đồng ngư dân địa phương có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản…

Với tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ngành có liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa kinh tế biển của Quảng Ngãi không ngừng phát triển. Theo đó, đến nay kim ngạch xuất khẩu các ngành kinh tế biển của địa phương này đã chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi- Đặng Thị Quỳnh Vân thì trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hoá thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Dịch vụ, du lịch ven biển không ngừng tăng trưởng khá. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở vùng ven biển được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển được chú trọng. Đời sống Nhân dân khu vực ven biển và đảo được cải thiện. Quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo được tăng cường, giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng kể đó, nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế biển, đảo tại Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đặc biệt, việc phát triển công nghiệp tại các vùng ven biển, hải đảo của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số dự án đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm, thậm chí có dự án bị thu hồi làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư.

“Riêng với kinh tế thuỷ sản tuy có phát triển hơn nhưng vẫn chưa đồng bộ, còn yếu trong khâu chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khi du lịch tại các địa bàn ven biển, hải đảo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm, dịch vụ từ du lịch chưa phong phú, thiếu đa dạng”- đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển của tỉnh. 

Trước những khó khăn, hạn chế kể trên, đồng thời để không ngừng phát huy những nỗ lực, kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế biển, đảo và trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong thời gian tới Quảng Ngãi tiếp tục đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho nhiệm vụ quan trọng này.

Đặc biệt, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập để phát triển kinh tế biển, đảo. Trong đó, gắn với trực tiếp các ngành kinh tế biển và ven biển, Quảng Ngãi đẩy mạnh quyết tâm và nỗ lực huy động các nguồn lực cho phát triển các ngành: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên, khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển khác...

Với nhóm nhiệm vụ phát triển hạ tầng và đô thị, địa phương chú trọng phát triển Khu kinh tế Dung Quất, phấn đấu đưa nơi đây trở thành một trong các trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ với trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Đồng thời huy động các nguồn lực xây dựng, phát triển trung tâm logistics khu vực Cảng biển Dung Quất; phát triển đồng bộ hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển gắn với kêu gọi các nhà đầu tư tham gia; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội và tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư; sớm triển khai hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án tại các địa bàn ven biển, hải đảo; tiếp tục nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy điện Dung Quất I, III và kêu gọi đầu tư vào các dự án điện khí khác; quy hoạch đầu tư, phát triển các đô thị ven biển và đảo với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để hình thành các khu đô thị, du lịch, dịch vụ sinh thái ven biển, thông minh, thích ứng với biển đổi khí hậu…

Cảng nước sâu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã và đang được đầu tư để trở thành một cảng lớn, giữ vị trí quan trọng tại Duyên hải Nam Trung bộ. 

Đi cùng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên, việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư phát triển văn hoá- xã hội khu vực ven biển, đảo cũng được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đặt ra. Trong đó yêu cầu hàng đầu là xây dựng và phát triển đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi đây.

Về nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực ven biển, đảo của địa phương, trong phát biểu tại Hội thảo phát triển kinh tế biển, đảo do Tạp Chí Cộng sản và Tỉnh uỷ Quảng Bình phối hợp tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Đặng Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển khu vực này, trong đó bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, địa phương cũng sử dụng ngân sách của tỉnh để ưu tiên đầu tư vào các công trình hạ tầng kết nối, thiết yếu, có tính chất lan toả  nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời tranh thủ nguồn vốn FDI, ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, xử lý nước thải, rác thải các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển, đảo; quan tâm đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng trên một số lĩnh vực như cảng biển, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường… và khai thác hợp lý quỹ đất để phát triển các ngành kinh tế biển, phát triển các khu đô thị ven biển, đảo để từng bước đô thị hoá và phát triển kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, đảo gắn với tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế biển, đảo tại địa phương.

Theo Dangcongsan
Bình luận
Back To Top