Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Hơi thở cuộc sống từ Hội thi “Dân vận khéo”

10:13 - Thứ Hai, 18/09/2023 Lượt xem: 3229 In bài viết

Vận động người dân hiến đất làm đường, cứu nạn ngư dân, đỡ đầu con ngư dân, tình làng nghĩa xóm... những tình huống trong cuộc sống đời thực ấy đã được đưa lên sân khấu Hội thi “Dân vận khéo” Vùng 1 Hải quân năm 2023, vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu mà rất dễ vận dụng.

Các vấn đề thời sự lên sân khấu

 “- Kẻng, kẻng, bộ đội Hải quân đến rồi... cả nhà được cứu rồi ông ơi!/ -Tổ cơ động cắt đường băng không cho lửa cháy lan. Quân số còn lại nhanh chóng dập tắt lửa, kiên quyết bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân!”- đây là một đoạn đối thoại trong tiểu phẩm “Tiếng kẻng” của đội thi Trung đoàn 151 tham gia phần thi tuyên truyền mô hình, hoạt động hiệu quả ở hội thi. Câu chuyện tái hiện hình ảnh cán bộ, chiến sĩ vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Ban đầu có sự cự cãi, phản đối nhưng sau đó người dân đã hiểu ra và ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt khi có tình huống bộ đội chữa cháy giúp một hộ dân.

Phần thi tuyên truyền mô hình, hoạt động dân vận hiệu quả của Lữ đoàn 170.

Trung tá Nguyễn Văn Chuyền, Phó Chính ủy Trung đoàn 151 chia sẻ: Câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Thực tế trước đây đường dẫn vào một số đơn vị Hải quân nhỏ hẹp, nhiều ổ gà...; nhờ vận động khéo léo mà bà con đã đồng lòng cùng chính quyền địa phương và đơn vị quân đội làm được những con đường thẳng, rộng; vừa giúp giao thông thuận tiện vừa giúp cảnh quan sạch, đẹp. Hoạt động này rất thiết thực và ý nghĩa nên chúng tôi lựa chọn đưa lên sân khấu để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm.

Còn Đội thi Lữ đoàn 170 đem đến tiểu phẩm “Điểm tựa nơi đầu sóng”. Câu chuyện nói về hoạt động đồng hành với ngư dân của bộ đội Hải quân. Không chỉ bất chấp hiểm nguy, hết lòng cứu giúp bà con lúc hoạn nạn trên biển mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn nhận đỡ đầu các trường hợp con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn đến khi đủ 18 tuổi và thường xuyên tuyên truyền kiến thức đi biển an toàn cho ngư dân.

“Chúng tôi tự xây dựng kịch bản, mỗi người góp một ý, chỉnh sửa lời thoại sao cho thật nhất, dễ hiểu, dễ nhớ nhất để khi lên sân khấu mọi người không có cảm giác diễn. Qua đó, thể hiện tình cảm gắn bó mật thiết quân-dân”-Thiếu tá Nguyễn Tiến Mạnh, Trợ lý dân vận, Phòng Chính trị Lữ đoàn 170 chia sẻ về tiểu phẩm của đơn vị mình.

Trong quá trình theo dõi chúng tôi nhận thấy điểm nổi bật của hội thi là ở phần thi tuyên truyền. Các đội thi đã giới thiệu được mô hình mới, cách làm hay, các hoạt động hiệu quả, thiết thực trong tiến hành công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị mình. 100% đội thi đều lựa chọn hình thức tiểu phẩm phản ánh khá sâu sắc chủ đề tư tưởng, nội dung hoạt động dân vận; bảo đảm tính nghệ thuật, tính giáo dục, đấu tranh phê phán các nhận thức, việc làm sai trái. Dù là tiết mục sân khấu nhưng vì tính huống đưa ra là có thật đã khiến khán giả có mặt tại hội trường cảm giác như bắt gặp các câu chuyện xảy ra ngay tại nơi mình công tác, sinh sống.

Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Đây là lần đầu tiên Vùng 1 tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” nên Ban tổ chức đã tiến hành công tác chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối Quý 1. Thành phần đội thi cũng được chú trọng nhằm đảm bảo tính ngang bằng; lấy cấp phòng, trung, lữ đoàn và tương đương để thi.

Thời gian qua, mặc dù phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng các cơ quan, đơn vị đều có sự đầu tư, quan tâm, tạo điều kiện tối đa để đội thi của mình ôn luyện và tham gia thi. Một số đơn vị như Lữ đoàn 147, 679 và 170 còn tổ chức hội thi cấp cơ sở vừa để tuyển lựa nhân sự tham gia hội thi cấp Vùng vừa lan tỏa được phong trào dân vận khéo và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong cán bộ, chiến sĩ. Hội thi cấp Vùng đã thu hút tới 196 thí sinh của 8 đội đại diện cho các cơ quan, đơn vị và đầu mối kết nghĩa tham gia.

Ở phần thi chào hỏi, các đội vận dụng linh hoạt các hình thức sân khấu, kết hợp trình chiếu, băng cờ, biểu ngữ để giới thiệu, làm nổi bật chức năng, nhiệm vụ và những kết quả tiêu biểu về công tác dân vận của đơn vị mình.

Qua phần thi kiến thức và xử lý tình huống, nhiều thí sinh chia sẻ rằng những nội dung thi đều là những kinh nghiệm thực tế, cách xử lý tình huống mà họ vẫn trực tiếp giải quyết. Đại úy QNCN Đặng Ngọc Toàn, thành viên đội thi của Lữ đoàn 679 cho biết: Hội thi “Dân vận khéo” giúp tôi học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức hữu ích có thể vận dụng trong thực tiễn tiến hành công tác dân vận tại địa bàn đơn vị đóng quân.

Theo Đại tá Vũ Hữu Kiêm, Phó Chính ủy Vùng, Trưởng ban tổ chức hội thi: Đây không chỉ là sân chơi, nơi trao đổi, học tập, củng cố kiến thức toàn diện cho đội ngũ làm công tác dân vận tại cơ sở mà còn là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn Vùng giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đặc biệt là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian tới, công tác dân vận của Vùng 1 chú trọng vào đổi mới việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình phối hợp, hoạt động dân vận, kết nghĩa; gắn với thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo; Chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển“ và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.

Theo haiquanvietnam.vn
Bình luận
Back To Top