Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ

09:49 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 4655 In bài viết

Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có đa dạng sinh học cao với 1.298 loài thủy sản, trong đó có 36 loài nguy cấp, quý hiếm. Trước thực trạng xâm hại nguồn lợi thủy sản ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ tàu cá khai thác tận diệt nguồn thủy sản ven bờ.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.292 tàu cá được đăng ký, đăng kiểm. Những năm qua, số lượng tàu cá biến động không nhiều, song năng lực khai thác cải thiện rõ rệt, với đội tàu được hiện đại hóa và tăng mạnh công suất nên sản lượng khai thác hải sản mỗi năm một tăng.

Báo động xâm hại nguồn lợi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, khả năng khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh đạt khoảng 83.654 tấn, trong đó vùng biển ven bờ 28.079 tấn và vùng lộng 55.575 tấn, nhưng hằng năm, tổng sản lượng khai thác thực tế lại lên đến khoảng 91.209 tấn, trong đó vùng ven bờ 48.453 tấn và vùng lộng 44.909 tấn.

Qua điều tra cho thấy, hoạt động khai thác sai vùng quy định của các đội tàu, loại nghề xảy ra khá phổ biến ở vùng biển Quảng Ngãi; trong đó, đội tàu có chiều dài từ 15-24m, nhất là đội tàu lưới vây, khai thác vi phạm ở vùng ven bờ và vùng lộng, mỗi vùng khoảng 23-24 nghìn tấn thủy sản; đội tàu có chiều dài từ 12-15m khai thác vi phạm ở vùng ven bờ khoảng hơn 17,3 nghìn tấn.

Đáng lo ngại, hiện trạng khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản kích thước nhỏ đối với các loài thủy sản kinh tế tương đối cao và diễn ra nhiều thời điểm trong năm.

Ở vùng biển ven bờ, mức xâm hại nguồn lợi trung bình hằng tháng của 12 loài kinh tế dao động khoảng 28-97%. Đặc biệt, sau mùa sinh sản, tỷ lệ xâm hại là tuyệt đối, tương ứng 100% cá thể bị khai thác đều nhỏ hơn kích thước cá sinh sản lần đầu, nhất là các loài cá nổi. Ở vùng lộng, tỷ lệ xâm hại trung bình theo tháng đánh giá cho 12 loài thủy sản kinh tế dao động khoảng 23-92% tổng số cá thể khai thác. Riêng một số thời điểm, sản lượng khai thác thủy sản non, kích thước nhỏ ở mức trên 90% tổng sản lượng.

Qua điều tra cho thấy, hoạt động khai thác sai vùng quy định của các đội tàu, loại nghề xảy ra khá phổ biến ở vùng biển Quảng Ngãi; trong đó, đội tàu có chiều dài từ 15-24m, nhất là đội tàu lưới vây, khai thác vi phạm ở vùng ven bờ và vùng lộng, mỗi vùng khoảng 23-24 nghìn tấn thủy sản; đội tàu có chiều dài từ 12-15m khai thác vi phạm ở vùng ven bờ khoảng hơn 17,3 nghìn tấn.

Hầu hết các loại nghề đều khai thác xâm hại nguồn lợi, song khác nhau về mức độ, đối tượng và thời gian xâm hại. Đơn cử, nghề có mức xâm hại nguồn lợi cao là nghề pha xúc (85%), vó mành (80%), nghề chụp (79%), lưới kéo đơn và lưới kéo đôi (74%), lưới vây (74%), lưới rê (67%) và lồng xếp (59%). Nghề khai thác xâm hại đến nhiều đối tượng hải sản kinh tế là nghề lưới kéo đôi (12 loài), lưới kéo đơn (18 loài), lưới rê (11 loài), lưới vây (12 loài), nghề chụp (7 loài).

Nguồn lợi hải sản ở vùng biển Quảng Ngãi đang chịu áp lực khai thác cao, vượt quá mức cho phép, nhất là tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt các nhóm đối tượng hải sản kinh tế. Tổng số có 20 loài hải sản kinh tế quan trọng được đánh giá áp lực khai thác, trong đó 20% các đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao (cá ngừ ồ, cá phèn khoai, tôm sắt cứng), 35% đối tượng chịu áp lực khai thác cao (cá nục thuôn, cá trích xương, cá cơm sọc xanh, cá sòng gió, cá ngừ sọc dưa), không có đối tượng nào ở mức thấp.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản

Trước thực trạng xâm hại nguồn lợi thủy sản ngày càng tăng, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi xây dựng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trong đó, tỉnh xác định 5 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn với quy mô diện tích khoảng 35.468 ha, chiếm 12,4% diện tích vùng biển ven bờ, gồm: vùng ven bờ Bình Phú-Bình Châu; vùng ven bờ Tịnh Khê-Nghĩa An; vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu; vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ. Đồng thời, tỉnh tiến hành quy hoạch, hình thành khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, rong biển và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ở khu vực này; điều chỉnh quy mô, phạm vi và ranh giới của Khu bảo tồn biển Lý Sơn phù hợp với quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

“Ngoài 5 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Gành Yến và Khu bảo tồn biển Lý Sơn, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất thí điểm quy định cấm biển 1 tháng, từ ngày 1/5 đến 30/5 ở vùng biển ven bờ; cấm khai thác có thời hạn 3 tháng, từ ngày 1/3 đến 30/5 đối với các loại nghề có mức xâm hại cao như: nghề lưới kéo, pha xúc, chụp mực, mành, lưới vây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương thông tin.và cho biết thêm, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả hoạt động thả giống tái tạo hằng năm các đối tượng có giá trị kinh tế cao, loài bản địa, loài nguy cấp, quý, hiếm; lưu giữ nguồn gen quý, sản xuất giống, nghiên cứu di cư, đánh giá hiệu quả phục hồi nguồn lợi của hoạt động thả giống tái tạo; thực hiện chương trình thả rạn nhân tạo bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, ngăn cản hoạt động vi phạm của nghề lưới kéo; xây dựng đề án trồng phục hồi, tái tạo rạn san hô và cỏ biển nhằm tăng độ phủ rạn san hô, cỏ biển hướng tới mở rộng quy mô khu bảo tồn và góp phần phục hồi hệ sinh thái biển.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top