Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Đêm chào cờ ở Trường Sa

10:17 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 4893 In bài viết

Gần 17 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc tới Trường Sa là tâm trí tôi lại nhớ về kỷ niệm vô cùng thiêng liêng. Đó là buổi lễ chào cờ dưới ánh trăng trên đảo giữa “Lồng lộng trời/ Lồng lộng gió đại dương”...

Một ngày cuối tháng 3-2007, tôi được Ban giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phân công đi công tác Trường Sa. Khỏi phải nói niềm tự hào trong tôi khi nhận được thông tin đó như thế nào. Chỉ biết sau khi nhận nhiệm vụ, trong lòng tôi nhăm nhăm, ngong ngóng chờ đợi đến ngày xuống tàu ra Trường Sa.

Cũng phải nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên TP Hà Nội cử một đoàn công tác ra thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa kể từ khi đất nước thống nhất. Đoàn công tác Thủ đô Hà Nội-đó là tên gọi chính thức của đoàn-do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu làm trưởng đoàn với thành phần tham gia khá đông đảo, gồm 50 người ở các cơ quan, đoàn thể của thành phố.

Khởi hành từ cảng Sài Gòn, đoàn công tác được Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức lễ tiễn khá chu đáo. Tôi nhớ như in buổi sáng 1-4-2007 trên quân cảng rực nắng. Những thành viên trong đoàn nước mắt rân rấn, nâng trên tay những bó hoa các chiến sĩ hải quân trao tặng. Tàu hú hồi còi dài chào quân cảng rồi từ từ rời bến. Chúng tôi cứ đứng mãi trên boong tàu mà nhìn đôi bờ sông Sài Gòn lùi dần, lùi dần.

 Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn chào cờ, tháng 4-2015. 

Mùa này-tháng 4 biển khá hào phóng và êm nhẹ. Biển tháng 4 mở ra chan hòa, mở ra ôm ấp, mở ra sẻ chia, mở ra thân thương, mở ra gụi gần. Tiếng máy con tàu đùng đục hướng về phía chân trời. Con tàu vạch lối rong khơi đang vẽ ra hai bên mạn sườn hai vệt nước bọt cuộn lên trắng xóa. Người vô tâm nhất khi nhìn hai vệt nước rẽ ra ấy cũng phải thốt lên rằng: Một cánh chim đang mải miết bay về hướng nắng, một cánh chim đang hồ hởi bay về với những người con xa quê-những người con đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc sóng, từng vuông hải lý của biển Việt Nam.

Sau gần 40 giờ vượt sóng, đến 4 giờ ngày 3-4-2007, chúng tôi cùng bật dậy, nhao ra boong tàu sau tiếng gọi rất to của ai đó, có lẽ là của các chiến sĩ lái tàu. Tiếng nói rất to: “Đã thấy đảo Trường Sa Lớn”. Chỉ đơn giản vậy thôi, “đã thấy” như một mệnh lệnh vang lên giữa trùng khơi. Chúng tôi đứng hết trên boong tàu, dưới ánh sáng còn mờ tỏ của biển, khi ấy mặt trời vẫn còn “lặn” dưới lớp sóng, đảo Trường Sa Lớn hiện ra với hình ảnh một dải xanh thẫm. Sóng biển dập dồn, đảo xanh lúc ẩn lúc hiện hệt một con tàu đang đi về phía bình minh. Bất chợt trong tôi vang lên câu thơ: Trường Sa đây rồi!/ Tay đặt lên tim/ Nghe thao thiết như “Lời thề thứ chín”/ Nghe bịn rịn/ Nghe lòng mình lên tiếng/ Đường chân trời một vệt sáng Trường Sa...(*)

Lúc con tàu vừa cập cảng đảo Trường Sa Lớn là lúc trong tim chúng tôi trào lên rạo rực, mọi người ở đây tưng bừng chào đón chúng tôi với những nụ cười, với những cánh tay giơ cao vẫy vẫy. Niềm tự hào vụt lớn trong tâm hồn những người như chúng tôi khi hiển hiện trước mắt là hình ảnh những người lính Trường Sa vững vàng và nhiệt thành.

Đi giữa hàng chiến sĩ đứng nghiêm đón chào, chúng tôi như thấy mình đang được gặp lại những người thân sau quãng ngày dài xa cách. Phải nói rằng chỉ có một tâm hồn đồng điệu, chỉ có một tấm lòng chung, đó là: Son sắt.

Ngồi bên nhau dưới tán lá cây bàng quả vuông hay nắm tay nhau khi chúng tôi tới thăm cuộc sống sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu kết hợp với tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Một không khí thân tình tưởng như chẳng khi nào hết được.

 Chào cờ ở đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa (tháng 4-2015). 

Nhưng rồi cuộc vui nào cũng đến lúc phải chia tay. Sau một ngày “đẫy” được sống, được cười vui và được luyến lưu thì đoàn công tác cũng phải nói lời tạm biệt đảo để lên tàu. Cảm giác chia xa khiến con tim bịn rịn. Cảm giác chia xa khiến chúng tôi xao xuyến. Chợt không biết là ý kiến của ai nhưng đó chính là ước nguyện chung của đoàn công tác, đó là được chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa. Ý nguyện đó nhanh chóng được tất cả thành viên đoàn công tác hưởng ứng. Thượng tá Nguyễn Đại Dương, Chỉ huy trưởng và Trung tá Tạ Trung Đức, Chính trị viên đảo, hội ý chớp nhoáng và cũng rất nhanh chóng, ước nguyện của đoàn công tác được chấp nhận.

Đó là một đêm trăng tuyệt vời nhất mà tôi được biết. Hôm đó lại đúng là ngày 16 tháng Hai âm lịch. Ánh trăng trên biển dường như to hơn, dường như sáng hơn và dường như gần hơn, sáng vằng vặc, soi lấp lánh những chiếc lá bàng quả vuông, tỏa rạo rực trên biển ồn ào. Không gian như được dệt nên bởi một màu vàng soi sáng. Biển vàng. Cây trên đảo cũng vàng. Tất cả chúng tôi cũng như được nhuộm màu vàng của ánh trăng.

Đoàn công tác nhanh chóng sắp hàng tề tựu, đứng trang nghiêm bên những cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề. Không một ai muốn lỡ mất cơ hội thiêng liêng này. Các phóng viên, nhiếp ảnh và quay phim khi đó đã “tự cho phép” mình tạm xa công việc chuyên môn, họ xếp gọn máy ảnh, máy quay phim lại, rồi vội vàng đứng vào hàng ngũ. Trên khoảng sân ngay trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn đêm hôm nay dường như mênh mông hẳn lên, dường như đã thiêng liêng lại thêm bội phần thiêng liêng. Lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên trên cột cờ đảo Trường Sa Lớn.

Tiếng hô “Chào cờ! Chào!” dõng dạc vang lên. Tiếng hát Quốc ca đồng loạt cất lên. Ngoài kia, tiếng sóng biển cũng dường như dịu dàng, cũng trở nên hòa ca. Gió biển đêm thổi mát rượi. Mọi ánh mắt cùng ngước nhìn lá cờ Tổ quốc đang bay dưới ánh trăng soi tỏ. Lúc đó trong tôi dâng lên niềm tự hào mãnh liệt: ... Chúng tôi ngước nhìn lên đỏ thắm màu cờ/ Hình Tổ quốc-khắc trên mình-Đất nước!/ Hình Tổ quốc tung cánh bay không biết mệt/ Lồng lộng trời/ Lồng lộng gió đại dương...(*).

Tác giả (ngồi thứ ba, từ phải sang) và các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn.  

Một đêm chào cờ dưới ánh trăng có lẽ là đầu tiên và duy nhất. Bất chợt ai đó trong hàng khe khẽ cất lên tiếng nấc. Tiếng nấc nghẹn ngào xúc động. Tiếng nấc trào dâng. Rồi mọi người cùng nghẹn ngào tiếng nấc. Tiếng nấc của tấm lòng chung. Quốc ca đã dứt nhưng dường như không ai muốn mình là người đầu tiên dừng lại. Lời ca vẫn trầm lặng vang mãi, vang mãi.

Như một sự gửi gắm thiêng liêng. Như một sự gửi trao cao hơn vạn lần một lời hứa. Lá cờ Tổ quốc tung bay trong đêm trăng đã được cẩn thận hạ xuống. Thể theo nguyện vọng của đoàn công tác và cũng là tâm nguyện của những người lính Trường Sa, lá cờ đã được trao tặng đoàn công tác chỉ với một ý thức “Trường Sa luôn trong lòng Thủ đô Hà Nội. Hà Nội luôn giữ bên mình Trường Sa”.

Tác giả bên cột mốc tọa độ trên đảo Trường Sa. 

Ý nguyện này cũng được các ban chỉ huy đảo Trường Sa Lớn đồng tình. Lá cờ được từ từ hạ xuống và được gấp gọn gàng. Một nghi lễ trao cờ được tiến hành nhanh gọn nhưng đầy cảm xúc. Lá cờ ấy như lời hứa của lãnh đạo đoàn công tác TP Hà Nội: “Sẽ lưu cất và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội để các thế hệ người dân Thủ đô được thêm một lần trân quý và minh chứng cho tấm lòng “Hà Nội luôn ở Trường Sa. Trường Sa luôn trong lòng người dân Hà Nội”. Và bất chợt trong tôi vang lên những câu thơ: ... Chúng tôi dang tay đón nhận lá cờ/ Do những người lính Trường Sa trao tặng/ Hẹn với hàng cây/ Hẹn từng tia nắng/ Hẹn với bờ cát trắng/ Hẹn với từng tấc đảo thân yêu...(*)

Nước mắt chợt rơi! Nụ cười lại ánh lên rực rỡ. Biển Trường Sa đêm nay rì rào sóng vỗ. Biển Trường Sa đêm nay rạng ánh trăng vàng. Tiếng hát của biển xanh. Tiếng lòng của những người lính cứ đập sâu trong trái tim Tổ quốc.

(*) Những câu thơ trích trong trường ca “Tổ quốc-Đường chân trời” của tác giả Nguyễn Trọng Văn

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top