Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Trường Sa - hạnh phúc nảy mầm từ những gian khó, hy sinh

Bài 3: Những con người kiên cường và bình dị nơi đảo xa

16:03 - Thứ Năm, 25/01/2024 Lượt xem: 10191 In bài viết

Đầu năm 2024, thị trấn Trường Sa lần đầu được đón một tiến sĩ quân y tới đảo phụ trách trạm xá. Ở trường tiểu học, lần đầu có thầy giáo với 35 kinh nghiệm viết đơn tự nguyện xin được ra đảo dạy học để thực hiện tâm nguyện cống hiến từ hồi trẻ. Hay như Đại úy yêu biển hơn 20 năm công tác, cứ hết nhiệm kỳ vào bờ vài hôm lại xin ra đảo vì khó rời xa…

Trong không khí Tết sớm, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng những con người đặc biệt sống trên đảo Trường Sa. Câu chuyện về Tiến sĩ Hữu Thọ, thầy giáo Lê Xuân Hạnh hay Đại úy Ngọc Anh cũng coi như một gam màu đẹp, tô điểm thêm bức tranh sống động của sự gắn kết, ươm mầm hạnh phúc ở đảo Trường Sa thân yêu.

Tiến sĩ chữa bệnh mang theo mơ ước dạy tiếng Anh trên đảo

Tôi và BS.TS Hữu Thọ vô tình gặp nhau trên boong tàu khi cả đoàn chào tạm biệt đất liền. Cậu bác sĩ dáng người dong dỏng dường như không có vẻ bịn rịn mà thay vào đó là nét mặt tươi vui cho một hành trình mới mẻ ở phía trước. Chào hỏi nhau đôi ba câu, tôi biết cậu là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175. Sau này gặp lại nhau trên đảo, mới hay đó chính là Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Trường Sa. TS. Hữu Thọ có chuyên môn là phẫu thuật lồng ngực.

TS.BS Hữu Thọ đang cùng các chiến sĩ vận chuyển thuốc từ tàu vào trạm xá.

Có thời gian trò chuyện lâu hơn tại trạm xá, Thọ tâm sự: “ Làm việc ở Trường Sa là một trong những mong ước được cống hiến của em từ hồi còn trẻ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175”.

Trước Thọ, nhiều đàn anh, thậm chí cả những người giữ vị trí chỉ huy cũng đã xung phong ra Trường Sa và làm rất tốt. Trường Sa cũng là một mặt trận, một chiến tuyến cần người làm nhiệm vụ, chia sẻ trách nhiệm, đồng hành cùng anh em. Những thế hệ trước đã làm tốt rồi, mình là đàn em đi sau, cũng cần phải làm tốt và làm tốt hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để Thọ trải nghiệm, học tập sự đoàn kết, phối kết hợp với các đơn vị bạn, để thêm kinh nghiệm quản lý chỉ huy một bệnh xá, sau này nâng cao kỹ năng quản lý, phối kết hợp với đồng chí, đồng đội và các đơn vị bạn.

Trước khi ra đảo, Thọ cũng đã thường xuyên tham gia các buổi kết nối hội chuẩn từ Trường Sa với bệnh viện bằng hệ thống riêng để xử lý các ca bệnh khó, nguy hiểm. Nói về thiết bị y tế ở đảo, bác sĩ Hữu Thọ cho hay, Trung tâm Y tế Trường Sa được trang bị đầy đủ như bệnh viện tuyến huyện, được hỗ trợ nhiều máy móc, bên cạnh là sự đồng hành của bệnh viện mọi lúc. Cái gì trạm xá ở đảo cần, bệnh viện đều hỗ trợ hết. Thọ quan niệm, tình thương là liều thuốc tinh thần nhiệm mầu nhất. Đó là món quà đảo Trường Sa đã dành cho mọi người dân. Đó cũng là chất kết dính giúp bệnh nhân và các y bác sĩ ở trạm xá được thấu hiểu nhau hơn, là động lực giúp nhau vượt qua mọi khó khăn.

Điện chập chờn là một trong những khó khăn trong khám chữa bệnh, tuy nhiên cả trạm y tế không vì thế mà lùi bước hay quan ngại. Thay vì lo lắng, một hệ thống tích trữ điện đã được chuẩn bị sẵn luôn trong tình trạng bật hỗ trợ bất cứ lúc nào.

Ngoài chuyên môn là khám chữa bệnh, bác sĩ Hữu Thọ còn có mong ước mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí vào thời gian rảnh để giúp cho các chiến sĩ, cho người dân, cho trẻ em trên đảo có thêm cơ hội học ngoại ngữ.

Thầy giáo 35 năm dạy học viết đơn tình nguyện ra đảo

Kế bên trạm xá là Trường Tiểu học Trường Sa với 2 lớp học. Một trong hai thầy đứng lớp là thầy giáo già với cái tên dễ mến Lê Xuân Hạnh. Tranh thủ trò chuyện cùng thầy trong giờ ra chơi, chúng tôi mới hay, trong đất liền thầy đã có 34 năm dạy ở Cam Tước, Khánh Hoà. Tuy nhiên, vì từ lâu muốn có dịp trải nghiệm cuộc sống trên vùng đảo thiêng liêng Trường Sa, đồng thời còn vài năm nữa là về hưu nên thầy Hạnh muốn được cống hiến những năm công tác cuối cùng thật ý nghĩa. Ngay khi biết nguyện vọng của thầy, cả gia đình đã hoàn toàn ủng hộ. Với tâm thế ấy, thầy Hạnh đã tình nguyện viết đơn công tác ra biển đảo Trường Sa.

Thầy Lê Xuân Hạnh dạy bồi dưỡng thêm cho học sinh sau giờ lên lớp.

Thầy kể, sau khi ra đây, thầy càng thêm yêu hơn mảnh đất, con người trên đảo. Qua các câu chuyện của thầy, anh con trai cả hiện là giáo viên tiểu học cũng có mong ước sớm được ra Trường Sa cống hiến như bố.

Khi được hỏi, điều gì ở đảo Trường Sa cuốn hút thầy đến thế, thầy Hạnh mỉm cười, trả lời: Đó chính là những đứa trẻ đáng yêu, là những phụ huynh hết mình với trường, lớp, là sự ân cần của các chiến sĩ, những người chỉ huy trên đảo, là trọn vẹn tình người trên đảo. Tất cả những điều này, đã giúp thầy có thêm động lực để làm nhiều hơn những trang giáo án cho lớp học đặc biệt, những bài giảng riêng bổ trợ cho từng học sinh theo học, những hình ảnh để tăng khả năng trực quan sinh động…

Như thêm điểm nhấn cho hành trình tươi đẹp ở đảo, thầy Hạnh tâm sự: Xúc động nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam. Vốn nghĩ nơi đảo xa chắc ngày lễ sẽ không được quan tâm nhiều như đất liền, nhưng thực tế đã chứng minh suy nghĩ của thầy sai. Ngày 20/11 vừa qua có thể nói là năm đặc biệt trong bao nhiêu năm dạy học của thầy. Từ sáng sớm, chỉ huy đảo và các hộ dân đã âm thầm chuẩn bị rồi tổ chức một buổi lễ chúc mừng rất trọng thị, với đầy đủ hoa, quà và sự quan tâm ân cần đầy xúc động. Trẻ thì tíu tít hát vang, quây quần bên thầy cả ngày lễ, cảm giác như đang được sống giữa nơi tràn ngập tình thương và bình yên nhất.

Thầy Hạnh chia sẻ thêm, dạy trẻ ở Trường Sa cũng đặc biệt hơn ở đất liền. Ví như khi học đến phần biển đảo quê hương, thầy chỉ cần dẫn các em đi một vòng quanh đảo, cho các em ngắm nhìn thực tế là các em đủ hiểu bài. Qua vài lần dạy, là các em đã có thể bày tỏ lòng yêu biển đảo bằng cả thơ, ca, thậm chí là các em hiểu rất sâu về vấn đề này trong khi nhiều học sinh ở đất liền cũng khó hình dung hết. Hay như có học sinh lớp 3 nhưng rất sáng dạ, ngoài giờ học chính, hàng ngày thầy còn giao thêm bài, kèm cho em làm, để kiến thức thêm vững hơn. Đến nay, nếu nói về khả năng và vốn kiến thức của mình, em có thể học vượt lớp.

Đưa ánh mắt đầy tự hào về đám học trò đang vui đùa giữa sân trường, thầy Hạnh bộc bạch: Nhiều người nghĩ trẻ ở đây thiệt thòi, nhưng không phải vậy. Trẻ ở trên đảo ngoài giờ học thì có thể vui chơi nô đùa thoả thích với môi trường thân thiện trong lành. Chúng coi hàng xóm như anh em ruột thịt, nên luôn hoà thuận, yêu thương, chăm sóc nhau. Nhiều trẻ lớn lên ở đảo khi về đất liền học cấp 2 đã thành những cô bé, cậu bé rất tự tin, giàu tình cảm và đặc biệt, kiến thức không thua kém bạn bè ở đất liền, đấy là chưa kể tới một số em có tố chất đặc biệt, đạt kết quả cao.

Hơn 20 năm đắm say với biển đảo và món quà đặc biệt

Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi được ở lại Trường Sa, nhờ sự giới thiệu của Chỉ huy đảo, tôi gặp được Đại úy Phan Ngọc Anh, Trưởng tháp tăng Cụm chiến đấu 2. Dưới tán cây bàng vuông, tôi có cơ hội được ngồi nghe người có nhiều lần ra đảo làm nhiệm vụ chia sẻ về những khó khăn cũng như niềm tin yêu biển đảo giúp anh vượt qua khó khăn ấy.

Đại úy Phan Ngọc Anh người có kinh nghiệm gần 20 năm công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Anh kể, anh nhập ngũ năm 1996, đến tháng 6 năm 1997, Đại úy Phan Ngọc Anh bắt đầu chuyến công tác đầu tiên đến đảo Nam Yết. Từ đó đến nay anh đã có 15 lần ra đảo làm nhiệm vụ. Lần nhiều một năm, có đảo ở lại hai năm. Thời gian công tác trong quân ngũ gần 30 năm thì có khoảng 20 năm làm nhiệm vụ ngoài đảo. “Đảo như cuộc sống của tôi”, anh Phan Ngọc Anh nói với giọng đầy tự hào.

Tiếp dòng thời gian, anh kể, từng đấy năm công tác, chứng kiến thời gian trôi, anh nhận thấy đảo cũng chuyển mình ngày một tốt đẹp hơn, cuộc sống ngày càng đủ đầy, đảo xanh hơn nhờ sự quan tâm của các cấp, của Đảng, của Chính phủ và của người dân.

“Còn nhớ lần đầu tiên ra đảo, tôi theo tàu Trường Sa 14, món quà mà người bạn ở đấy tặng tôi là một can nước ngọt 10l. Trong đầu tôi lúc đó đặt câu hỏi sao lại tặng món quà kỳ lạ đến vậy”, anh Ngọc Anh tâm sự. Nhưng rồi, chỉ qua một ngày làm quen với đảo, bản thân anh đã hiểu đó là món quà quý giá bởi ở đảo lúc đó nước ngọt rất hiếm, một vài ngày mới tắm một lần. Anh em muốn tích trữ phải chờ trời mưa rồi chủ động đưa can ra hứng và mưa thì theo mùa, không phải ngày nào cũng có. Khi dùng phải hết sức tiết kiệm, chứ không được hoang phí. Đến nay nguồn nước ở đảo đã phong phú hơn nhiều, các bể chứa, hệ thống tích nước đã hiện đại và đủ đầy hơn.

“Bản thân tôi ra đảo làm nhiệm vụ, không được ở gần chăm lo gia đình cũng là một thiệt thòi, nhưng so với niềm tự hào được công hiến cho Tổ quốc thì còn vinh dự hơn nhiều”, Đại úy Phan Ngọc Anh bộc bạch và tâm sự thêm: “ Từ Nam Yết, tôi đã đi qua các đảo Sinh Tồn, An Bang, Trường Sơn Đông, Song Tử, Phan Vinh. Năm 2011, tôi lần đầu tiên đến đảo Trường Sa lớn. Lúc này cơ sở vật chất tại đảo đã tốt hơn rất nhiều, chứ không còn như mấy đảo kia”.

Điều ấn tượng nhất khi công tác tại đảo là anh em chiến sĩ dù ở cương vị nào, vị trí nào, đều có chí hướng xây dựng và cống hiến trong công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương. Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, tàu thuyền ra đảo cũng ít, phương tiện thông tin đại chúng như điện thoại cũng không có nên mọi liên lạc với gia đình đều qua những lá thư. Mà cứ 3-5 tháng mới nhận được thư một lần.

Anh Ngọc Anh nói thêm: “Tôi lập gia đình năm 29 tuổi. Vợ quê Hà Tĩnh. Tôi lấy vợ được 18 ngày thì đi công tác, đơn vị lại phân công ra đảo. Tuy là xa cách, nhưng vợ tôi chưa bao giờ ngăn cản việc tôi cống hiến. Động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại khi công tác tại đảo là tình yêu quê hương đất nước, mạnh mẽ từ trong ý chí, từ trong suy nghĩ. Khó khăn nhỏ ta coi như không có, rồi mọi thứ cũng sẽ qua”.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top