Công tác cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh

07:39 - Thứ Hai, 03/01/2022 Lượt xem: 4826 In bài viết

ĐBP - Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị địa phương cơ sở về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học...

Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW  ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương và Quyết định số 4867-QĐ/TU ngày 10/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Trường Chính trị tỉnh Điện Biên, công tác tổ chức bộ máy cán bộ của nhà trường đã được sắp xếp, kiện toàn tương đối ổn định, người có thực đức, thực tài tiếp tục được coi trọng và sử dụng, cơ bản phát huy tốt năng lực sở trường cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Hiện nay nhà trường có tổng biên chế là 46 cán bộ, viên chức, trong đó Ban Giám hiệu có 3 đồng chí (1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng); 35 giảng viên, trong đó có 12 giảng viên kiêm nhiệm. Đội ngũ lãnh đạo các đơn vị khoa phòng có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong công tác, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng kiên định; đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên về chất lượng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ hướng tới đạt Trường Chính trị chuẩn mức độ 1 vào năm 2026 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về Trường Chính trị chuẩn.

Có thể khẳng định, công tác cán bộ của nhà trường trong những năm qua đã đạt được kết quả khá vững chắc; đội ngũ cán bộ viên chức cơ bản ổn định, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đây là yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời gian trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công tác cán bộ của nhà trường còn gặp một số khó khăn nhất định như: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số ít giảng viên chưa được chuẩn hóa, công tác phối hợp giữa các bộ phận đôi khi chưa thật nhịp nhàng, có biểu hiện lúng túng trong xử lý các tình huống phát sinh; công tác tham mưu ở một số nội dung công việc chưa kịp thời. Do vậy, để tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy nhà trường ngày càng vững mạnh, đội ngũ cán bộ, giảng viên thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch của nhà trường. Hằng năm, các đơn vị khoa, phòng xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất với nhà trường rà soát cử cán bộ, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị.

Chú trọng đẩy mạnh thực hiện việc chuẩn hóa toàn diện về trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên theo đúng Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trường Chính trị chuẩn.

Tiếp tục phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện của cán bộ, giảng viên, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác, chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị, khả năng tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, bảo đảm tham mưu đúng, trúng và kịp thời trong xử lý công việc; không ngừng học tập, rèn luyện và nghiên cứu tri thức mới với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động; rèn luyện nhãn quan và bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng phân tích sự việc một cách khách quan, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thẳng thắn trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của tập thể.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quan tâm hơn nữa về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của nhà trường theo hướng “động và mở”, quan tâm, tạo điều kiện luân chuyển đội ngũ cán bộ, viên chức từ các đơn vị khoa phòng trong nhà trường đến các đơn vị sở, ban, ngành và về các địa phương để được rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn với phương châm: “lý luận gắn liền với thực tiễn, cán bộ, viên chức Trường Chính trị không nói không khi khó, không nói có mà không làm”.

Trần Ngọc Hải (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận
Back To Top