Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

08:17 - Thứ Hai, 17/01/2022 Lượt xem: 4513 In bài viết

ĐBP - Để chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, những năm qua Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đạt kết quả quan trọng. Đặc biệt, Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được xem là bước đột phá góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường sự lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Bí thư Chi bộ bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé Hù Văn Hà (thứ 3 từ phải sang) tuyên truyền, vận động đảng viên nỗ lực lao động sản xuất, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ảnh tư liệu

Đảng bộ huyện Tuần Giáo hiện có 58 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (23 đảng bộ và 35 chi bộ); 300 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 4.883 đảng viên. Ông Quàng Văn Cương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo cho biết: Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ vùng cao, nông thôn, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tạo cú hích để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, Huyện ủy phân công cấp ủy viên, cán bộ, chuyên viên các ban xây dựng đảng dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng chấp hành nghiêm chế độ sinh hoạt theo quy định Điều lệ Đảng. Phối hợp với Đảng ủy các xã lựa chọn một số chi bộ thôn, bản tổ chức sinh hoạt mẫu; sau sinh hoạt tổ chức tốt việc rút kinh nghiệm từng khâu, từng việc. Từ đó để các chi bộ đổi mới nội dung, hình thức buổi sinh hoạt rõ ràng, cụ thể, tập trung đi sâu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những vấn đề nổi cộm được nhân dân quan tâm.

Tại tỉnh ta, hiện nay chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế. Các chi bộ chưa chú ý sinh hoạt chuyên đề, các bước trong một buổi sinh hoạt chi bộ chưa theo trình tự quy định; nội dung sinh hoạt sơ sài, chậm đổi mới, chưa lãnh đạo toàn diện và ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số cấp ủy chưa chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và quy chế làm việc; tính chiến đấu, “tự phê bình” và “phê bình” trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ còn hạn chế; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ và người đứng đầu chưa rõ nét; có cấp ủy chưa sâu sát, thiếu các giải pháp cụ thể trong lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; việc quản lý giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Hiện toàn tỉnh có 621 tổ chức đảng (234 đảng bộ cơ sở, 387 chi bộ cơ sở) với 43.264 đảng viên. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025”. Tỉnh ủy xác định tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, các nghị quyết, quy định về công tác xây dựng Đảng. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên và người đứng đầu phải nêu cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhất là việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt theo Kết luận 18-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Việc cụ thể hóa và ban hành nghị quyết của cấp ủy, chi bộ phải được xây dựng trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn, xác định vấn đề đúng, trúng, hợp lòng dân, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, có tính khả thi cao, phát huy được dân chủ, trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cấp ủy, chi bộ.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với đảng viên; kiểm tra thẩm định, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, phát hiện những đảng viên suy thoái, vi phạm tư cách đảng viên để kịp thời đưa ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác quản lý, giám sát, nhận xét, đánh giá, góp ý đối với chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII... Đối với các chi bộ thôn, bản, tổ dân phố cần có nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp địa bàn; phải thực sự phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt tự phê bình, phê bình. Phân công cấp ủy viên chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ; tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực, cụ thể về phát triển nông, lâm nghiệp, giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân; những vấn đề nổi cộm, gây búc xúc cơ sở.

Với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở tỉnh ta đã và đang phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, sự gương mẫu, đi đầu của mỗi đảng viên, thực sự trở thành cầu nối “ý Đảng, lòng dân”... Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% chi bộ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi quý chi bộ sinh hoạt chuyên đề ít nhất 1 lần; 95% trở lên chi bộ đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top