Là nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc, suốt cuộc đời chiến đấu và sáng tác đầy khổ luyện của mình, Hồ Chí Minh bao giờ cũng lấy văn học nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền, động viên nhân dân đứng lên đấu tranh xóa bỏ cùm gông, xiềng xích. Thơ ca, với Người, không chỉ là ngôi đền thiêng để chia sẻ bao vui buồn giữa bộn bề công việc mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với sự đoàn kết của toàn dân. Người chỉ rõ: “Chỉ có đoàn kết phấn đấu, nước ta mới được độc lập”, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt thì chúng ta nhất định khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi mà làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”.
Tư tưởng đoàn kết trong thơ Bác bắt đầu xuất phát từ lập trường, lập trường có đúng đắn thì sự đoàn kết mới đi đến chính nghĩa. Sau này về nước làm cuộc cách mạng tháng Tám, Người càng nhận thức rõ hơn vai trò và sức mạnh của sự đoàn kết. Có đoàn kết, theo Bác, dù việc lớn đến đâu cũng thành công. Giản dị, nôm na như những bài ca dao mộc mạc, thơ Bác tuyên truyền đi thẳng trực tiếp vào tâm hồn và tình cảm của nhân dân. Nói đến tư tưởng đoàn kết trong thơ Hồ Chí Minh, chúng ta không thể bỏ qua mảng thơ Chúc tết năm mới của Người. Có thể nói, toàn bộ các giai phẩm xuân tuyệt đẹp này, tư tưởng đoàn kết là sức mạnh vô địch, là nguyên nhân dẫn đến mọi thành công trở thành mạch cảm xúc xuyên suốt, thấu triệt qua từng ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ. Sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947, giữa không khí rộn ràng của toàn quân và toàn dân, mùa xuân Mậu Tý năm 1948, Bác đã có thơ chúc tết với giọng thơ hào sảng tràn đầy niềm tin và khí thế thắng lợi, nhưng vẫn không quên nhắc nhở đồng bào đoàn kết một lòng để sớm thống nhất non sông:
“Gửi lời chúc đồng bào.
Kháng chiến được thắng lợi.
Toàn dân “Đại đoàn kết”, cả nước dốc một lòng.
Thống nhất chắc chắn được.
Độc lập quyết thành công”.
Đến mùa xuân 1954, năm chúng ta bắt đầu mở chiến dịch Đông - Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, trước nhiệm vụ trọng đại và cũng rất nặng nề, có vui năm mới, song Người đã không quên dặn dò thật kỹ các nhiệm vụ lớn lao mà toàn quân và toàn dân phải đoàn kết mới đi đến được thắng lợi :
“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành
Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
Cải cách ruộng đất là công việc rất to,
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn,
Quân và dân ta nhất trí “Kết đoàn”
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công…”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, miền Bắc bắt tay vào công cuộc khôi phục đất nước, phát triển kinh tế, thơ chúc tết mùa xuân năm Kỷ Hợi của Bác tuy ngắn gọn, song đã góp phần định hướng tư tưởng cho toàn dân, nhất là tư tưởng đoàn kết:
“Chúc mừng đồng bào năm mới
Đoàn kết thi đua tiến tới
Hoàn thành kế hoạch ba năm
Thống nhất nước nhà thắng lợi”
Năm 1960, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước và 30 năm Đảng ra đời, hóm hỉnh và tươi vui, thơ chúc tết của Bác Hồ năm đó được đọc trong không khí miền Bắc có nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng, miền Nam thành đồng Tổ quốc kháng chiến ngày càng tấn tới nên nghe hào sảng, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan:
“Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh,
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ,
Chúc đồng bào ta “Đoàn kết” thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa,
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ,
Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ”.
Thơ Bác chính là tâm hồn, tư tưởng của Bác. Suốt cuộc đời Người, ham muốn tột bậc là đem lại độc lập, tự do cho đất nước, cuộc sống no ấm đến với nhân dân, dù khó mấy vẫn quyết chí làm cho bằng được. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần lời dạy về tinh thần đại đoàn kết, nhân mùa xuân về, đọc một số bài thơ của Bác, chúng ta càng thêm tin tưởng vào con đường mà Bác đã chọn, cùng nhau phấn đấu thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Người trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.