Sinh hoạt tư tưởng

Tự soi, tự sửa

07:32 - Thứ Tư, 02/03/2022 Lượt xem: 5943 In bài viết

ĐBP - Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã giúp đại đa số cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cơ bản đạt yêu cầu đề ra; phát huy dân chủ, đoàn kết, xây dựng và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh.

Hàng năm, các đảng bộ trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sở, ban, ngành tỉnh ta đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cấp mình; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cấp dưới bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và tiến độ đề ra. Các tập thể, cá nhân tự rà soát, đối chiếu, từ đó nhắc nhở, phê bình và điều chỉnh, sửa chữa (nếu có). Nhờ đó việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý được thực hiện nghiêm túc, nề nếp hơn; chất lượng đánh giá, xếp loại nâng lên; đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng tự soi lại mình, từ đó đề ra giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Song bên cạnh đó tình trạng kiểm điểm qua loa, hình thức, thậm chí làm cho có vẫn còn tồn tại ở một số tổ chức cơ sở đảng. Ý kiến phát biểu tham gia cho đồng chí, nhất là cấp trên thường chỉ bổ sung thành tích, ít thẳng thắn chân thành chỉ ra hạn chế thậm chí quên đi phần khuyết điểm. Cũng không ít trường hợp lợi dụng kiểm điểm để phê người, không phê việc; nhận xét, đánh giá không thực sự khách quan, quy chụp, hạ bệ nhau với động cơ không trong sáng.

Để việc tự soi để tự sửa thực sự mang lại hiệu quả cần nhìn nhận rõ những hạn chế trong tự phê bình và phê bình; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; nhận diện được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Để làm được điều đó mỗi cán bộ, đảng viên, trước nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần gương mẫu, tự giác thực hiện trước một cách trung thực, thẳng thắn; tránh chung chung trong chỉ ra hạn chế, khuyết điểm; chỉ rõ giải pháp, lộ trình, cách làm trong việc sửa chữa, khắc phục. Để từ đó mới thực sự góp phần xây dựng tập thể cấp ủy cơ quan, đơn vị đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Gia Kiệt
Bình luận

Tin khác

Back To Top