Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

06:29 - Thứ Hai, 11/04/2022 Lượt xem: 5294 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Nhờ đó công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Cán bộ Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) xử lý thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng hướng đến xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, hệ thống nền tảng chính quyền điện tử từng bước được hoàn thiện.

Hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh. Các phần mềm dùng chung (Cổng dịch vụ công, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc...) được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Toàn tỉnh có 3.000 chứng thư số cấp cho tổ chức và chữ ký số cá nhân; triển khai ứng dụng chữ ký số. Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan Nhà nước.  Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4 (587 thủ tục mức độ 4, 104 thủ tục mức độ 3), tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, một số sở, ban, ngành triển khai sử dụng hệ thống “Một cửa điện tử” theo ngành dọc, thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp như: Khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và y tế dự phòng; nghiên cứu, tra cứu tài liệu và hệ thống quản lý trường học; các quy trình sản xuất nông nghiệp có chứng nhận; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thâm canh một số đối tượng có giá trị kinh tế cao; lĩnh vực giao thông - vận tải… 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị có cổng/trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bộ thủ tục hành chính, liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu, theo dõi quá trình xử lý, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Hoạt động xây dựng chính quyền điện tử đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Anh Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Xuân Long cho biết: Năm 2021, Công ty đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về việc cấp, đổi phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện và thao tác thực hiện cũng đơn giản. Chỉ cần đăng ký tài khoản trên trang chủ, sau đó qua một số thao tác nhấp chuột máy tính để hoàn thiện bộ hồ sơ gồm: Giấy đăng ký xe, hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã, đơn đề nghị cấp phù hiệu. Sau đó, gửi lên hệ thống và đợi cơ quan quản lý Nhà nước xử lý. Dịch vụ công trực tuyến đã tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Là huyện vùng cao, khó khăn song Nậm Pồ là đơn vị triển khai việc xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả nhất tỉnh. Đến hết năm 2021, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của huyện được kết nối liên thông với các sở, ban, ngành của tỉnh và tới các bộ, ngành Trung ương. 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%. Hệ thống hội nghị trực tuyến của huyện kết nối đến 100% các xã và đảm bảo liên thông 4 cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã). Hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” thống nhất, tập trung đã kết nối tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân, đăng tải công khai kết quả giải quyết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 85 thủ tục (16 dịch vụ mức độ 3, 69 dịch vụ mức độ 4). Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng xây dựng chính quyền số. Huyện Nậm Pồ phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện việc xây dựng, phát triển chính quyền số, định hướng đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top