Sinh hoạt tư tưởng

“Tự soi” hay “bị soi”?

07:29 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 4066 In bài viết

ĐBP - Chi bộ A tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “tự soi”, “tự sửa” theo hướng dẫn và quy định của cấp trên. Để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt thực sự hiệu quả, chất lượng, bí thư chi bộ đã hướng dẫn cho từng đảng viên tự viết bản kiểm điểm, nêu bật những ưu, khuyết điểm. Trên cơ sở đó để quá trình sinh hoạt các đảng viên và tập thể chi bộ đóng góp, bổ sung giúp đảng viên đó nhận rõ thêm những ưu, khuyết của mình để sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, chẳng biết bí thư chi bộ A và cấp ủy nghiên cứu văn bản, hướng dẫn của cấp trên thế nào, ngay vào đầu buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư chi bộ đã nêu ra một bản gọi là “dự thảo” của cấp ủy về những khuyết điểm của các đảng viên. Ngay lập tức có nhiều đảng viên “phản pháo” vì những khuyết điểm mà đồng chí bí thư nêu ra không đúng, không sát với chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên; có đồng chí thì ý kiến rằng những khuyết điểm mà cấp ủy đưa ra đã xảy ra từ 3 - 4 năm về trước rồi, đảng viên đó đã sửa chữa được những hạn chế đó thông qua sinh hoạt bình xét, phân tích chất lượng đảng viên năm rồi, sao nay vẫn “bị moi” ra.

Trước tình thế đó, bí thư chi bộ - người chủ trì sinh hoạt tỏ ra lúng túng, đành đổ lỗi cho việc biên tập, câu chữ trong nhận xét về điểm yếu của đảng viên chưa chặt chẽ, diễn đạt không rõ nghĩa khiến một số đảng viên hiểu lầm. Sau hơn 4 giờ sinh hoạt “tự soi”, “tự sửa” của chi bộ A, nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Một số đảng viên không hài lòng với phương pháp điều hành của bí thư chi bộ và cho rằng “tự soi” cứ để từng đảng viên bộc bạch, thổ lộ những tồn tại, khuyết điểm của mình. Sau đó chi bộ đóng góp, phân tích, làm rõ thêm mạnh, yếu, những gì cần khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Còn điều hành như của đồng chí Bí thư chi bộ A không khác nào đảng viên “bị soi” chứ không phải “tự soi” nên có nhiều ức chế. Bởi có những việc nhỏ, vụn vặt không phải là khuyết điểm, làm ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức của người đảng viên hay ảnh hưởng đến chất lượng công tác theo chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên đó mà bí thư vẫn nêu ra trước hội nghị. Nếu đảng viên nào thực sự có những khuyết điểm hoặc có dấu hiệu mắc khuyết điểm, bí thư chi bộ có thể gặp gỡ riêng nắm tình hình tư tưởng, nghe đảng viên đó trình bày quan điểm, tâm tư nguyện vọng của mình, cùng giúp đảng viên đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chứ cấp ủy và bí thư chi bộ không nên “áp đặt” khuyết điểm hoặc bới móc những tồn tại của đảng viên đó từ những năm trước. Như vậy không phải là “tự soi” mà là “bị soi”.

Đào Duy Tuấn
Bình luận

Tin khác

Back To Top