ĐBP - 77 năm sau Cách mạng Tháng Tám, dù gặp nhiều khó khăn thử thách song với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Điện Biên đã nhất trí đồng lòng, tận dụng tốt thời cơ, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng xây dựng Điện Biên từng ngày no ấm, giàu đẹp hơn.
Được coi là nơi “rừng thiêng nước độc” ở tận cùng Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu - Điện Biên sau Cách mạng Tháng Tám gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh rồi Đảng bộ tỉnh sau này, Nhân dân các dân tộc tích cực khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương. Từ những hợp tác xã tập trung ngày trước như: Thanh An, Noong Hẹt, Thống Nhất, Mường Báng... đã đóng góp nguồn lực không nhỏ làm nên thắng lợi của các chiến dịch: Tây Bắc, Đông Xuân, Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam, đến nay Điện Biên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: Chè, cà phê, lúa gạo, một số cây ăn quả chất lượng cao, gia súc ăn cỏ, cao su, mắc ca... Quy hoạch và xây dựng các vùng kinh tế: Động lực dọc quốc lộ 279; chuỗi đô thị phát triển công nghiệp Trung tâm huyện lỵ Điện Biên; khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang; vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà; vùng kinh tế Mường Chà - Mường Nhé... Sự nỗ lực vượt khó trên tất cả các lĩnh vực đã mang đến kết quả tích cực đối với một tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn: GRDP năm 2021 đạt 6,02%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.555,8 tỷ đồng…
44 năm sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1989), sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới đảm bảo nhu cầu lương thực trên địa bàn. Đến nay tổng sản lượng lương thực ước đạt gần 278 nghìn tấn, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã thành hàng hóa chất lượng cao được bày bán tại thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước. Toàn tỉnh đã có 44 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và hàng chục chuỗi liên kết sản xuất được xác nhận. Những kết quả vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,08% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nông nghiệp đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả; trong đó một số dự án đã được triển khai như: Trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, sản xuất lúa gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng; nuôi cá nước lạnh, lợn chất lượng cao...
Cùng với thành tựu phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng - thương mại của tỉnh cũng có bước tiến mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 3.000 tỷ đồng. Hiện nay ngoài 15 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, có 6 dự án thủy điện đang được các nhà đầu tư tích cực thi công. Khu trung tâm hành chính tỉnh mới; các dự án đường trục trung tâm, đường đô thị; các dự án trung tâm thương mại và nhà ở, nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ giải trí… được đầu tư xây dựng đã và sẽ mang lại diện mạo mới, khang trang hiện đại hơn cho TP. Điện Biên Phủ. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát, triển khai lập, điều chỉnh các phương án quy hoạch trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên làm cơ sở xây dựng chủ trương và thu hút đầu tư như: Khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc Khu đô thị mới phía Đông TP. Điện Biên Phủ; Khu đô thị sinh thái sông Nậm Rốm; các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo đề nghị của các tập đoàn kinh tế lớn…
Một thành tựu không thể không nhắc tới là sự phát triển về giao thông vận tải. Trước đây, vấn đề giao thông có thể gói gọn bằng hai từ “cực khổ”. Khổ cả về hạ tầng và phương tiện. Những người thuộc thế hệ “8X” trở về trước sẽ không quên hành trình mất 2 - 3 ngày nhồi nhét trên xe ca ọp ẹp đi từ Điện Biên - Hà Nội và ngược lại. Đến nay, tuyến quốc lộ lên Điện Biên đã cơ bản được hạ độ cao, cắt cua, mở rộng, thảm asphalt êm thuận. Đặc biệt, cuối năm 2021, việc mở đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên đã kết nối trực tiếp tỉnh Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, mở ra những cơ hội phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên đang được nghiên cứu, khảo sát và sẽ được khởi công trong tương lai gần. Với mạng lưới giao thông đường bộ có tổng chiều dài gần 9.600km; 123/129 xã, phường có ô tô đến được trung tâm các mùa trong năm đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa.
Dưới thời thuộc Pháp, 99% các dân tộc Tây Bắc, trong có Điện Biên mù chữ, đời sống lạc hậu. Từ thế hệ giáo viên 1959 tình nguyện lên công tác tại miền rừng núi xa xôi hẻo lánh, với muôn vàn khó khăn: Mưa rừng, nước lũ, muỗi, vắt, thú dữ... Song những thầy cô miền xuôi đầy nhiệt huyết đã xem mảnh đất vùng cao này là quê hương thứ hai, các dân tộc thiểu số như người thân để “đồng cam cộng khổ”, vừa dạy học vừa cùng bà con lên nương trồng ngô, sắn, từ đó diệt giặc dốt, xóa hủ tục. Tiếp nối truyền thống tự hào, các thế hệ giáo viên sau này đã nỗ lực xây dựng, phát triển ngành Giáo dục Điện Biên cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay mạng lưới trường, lớp học đã phủ kín khắp các thôn, bản vùng cao, biên giới. Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông chuẩn quốc gia đạt 74,87%; tỷ lệ trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục là 70,9%. Cùng với giáo dục, y tế cũng có bước phát triển vượt bậc. Hiện nay 91,5% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98,9%. Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp ủy, chính quyền quan tâm kịp thời và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là 34,9%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng/người/năm; toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn, 23 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Hơn 7 thập kỷ nỗ lực dựng xây, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu song trước mắt còn không ít khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm của toàn đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân. Tin tưởng rằng Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo đổi mới toàn diện, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đưa Điện Biên trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc.