Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

09:33 - Thứ Bảy, 01/10/2022 Lượt xem: 5099 In bài viết

ĐBP - Thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Qua đó đã hóa giải nhiều mâu thuẫn gây bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) khảo sát tại tổ hòa giải bản Huổi Hẹ, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.446 tổ hòa giải với 7.882 hòa giải viên. Thành viên tổ hòa giải là trưởng ban nhân dân thôn, bản, tổ dân phố; ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi và những người có uy tín. Hòa giải viên là người gần dân, sát dân, hiểu được hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân. Mỗi tổ hòa giải có ít nhất 1 nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc có ít nhất 1 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số...

Để công tác hòa giải ở cơ sở đem lại hiệu quả tích cực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tại địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về hòa giải ở cơ sở; vận động người uy tín, người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội... tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các đoàn thể khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên làm hòa giải viên hoặc trực tiếp tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương. Đồng thời lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó đội ngũ hòa giải viên được mở rộng, thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia; số lượng, dân tộc, giới tính và chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một trong những tiêu chí đánh giá thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bằng sự nỗ lực của các hòa giải viên trong việc đưa ra những quy định của pháp luật để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp nên tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở hàng năm được nâng lên. Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/8/2022, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 1.994 vụ việc, chủ yếu do xích mích giữa các thành viên trong gia đình, giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng, tranh chấp nhỏ phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; tranh chấp đất đai và các vụ việc phát sinh khác thuộc phạm vi hòa giải. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 1.544 vụ việc (tỷ lệ 77,4%); đang giải quyết 25 vụ việc (tỷ lệ 1,3%). Thông qua các cuộc hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, giúp chủ thể trong các vụ việc tranh chấp hiểu và hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở, song hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải tại cấp xã còn hạn chế nên việc tham mưu đôi lúc chưa kịp thời. Một số hòa giải viên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng chưa đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình hòa giải; việc cập nhật kiến thức pháp luật chưa kịp thời. Bên cạnh đó, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp (quan hệ hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai...) dẫn đến các hòa giải viên lúng túng, hiệu quả chưa cao. Mức chi hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa đảm bảo để động viên, khuyến khích và thu hút nhiều người có uy tín, trình độ, am hiểu kiến thức pháp luật tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Việc huy động các nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở (kinh phí, cơ sở vật chất, tài liệu, tư vấn nghiệp vụ) chưa thực hiện được. Vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở tuy được quy định rõ trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, song sự phối hợp ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, chưa huy động được luật sư, luật gia tham gia hòa giải ở cơ sở; chưa gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động hòa giải ở cơ sở với hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ngành chuyên môn và chính quyền các cấp cần đôn đốc thực hiện và phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và các thành viên tham gia. Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên theo hướng đơn giản hơn, tránh hành chính hóa quy trình bầu, công nhận hòa giải viên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận tăng cường phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ chức tổ hòa giải và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở.

Sở Tư pháp cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; nâng mức chi thù lao cho hòa giải viên đảm bảo, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bài, ảnh: Lò Bích (HĐND tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top